Cần chung tay phòng, chống bạo lực học đường

NDO -

NDĐT - Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy một số vụ bạo lực học đường nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhân phẩm, sức khỏe của nạn nhân… Do vậy, cần có sự chung tay của xã hội để công tác phòng, chống bạo lực học đường đạt hiệu quả mong muốn.

Hậu quả của những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng
Trong vụ bạo lực học đường tại trường THCS Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên; năm em học sinh nữ lớp 9A đã lao vào đánh hội đồng và lột quần áo của một bạn nữ tên là Nguyễn Thị H.Y cùng lớp, trong thời gian qua gây bức xúc trong dự luận. Hậu quả, nạn nhân H.Y đã bị phản ứng sốc với stress phải điều trị tại bệnh viện tâm thần kinh trong một thời gian dài.

Qua xem xét vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng ra thông báo: xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với tập thể Ban Giám hiệu, Chi ủy, Tổng phụ trách đội Trường THCS Phù Ủng; xử lý kỷ luật đưa ra khỏi ngành giáo dục đối với giáo viên chủ nhiệm …. Năm em học sinh tham gia đánh hội đồng đã bị nhà trường kỷ luật đình chỉ học bốn, năm ngày.

Trước sự việc trên, anh Nguyễn Minh Tân, bố học sinh Diệu Trang (học sinh đã tham gia đánh em H.Y), ở xã Phù Ủng thừa nhận: Hành vi của các cháu đánh bạn như thế là không được, đã làm khổ các thầy, cô giáo, khổ bố mẹ và ngay cả bản thân các cháu; bây giờ đi đâu cũng bị nghe những lời dị nghị của hàng xóm, bạn bè thân quen thật xấu hổ. Có cháu bị sốc về tinh thần bởi những điều tiếng, đe dọa không dám ở nhà, ra đường sợ bị đánh…Để xảy ra cơ sự này cũng là nỗi của gia đình; bởi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cả hai vợ chồng phải lên tận Cao Bằng kiếm sống, để cháu Trang ở nhà với bà nên việc chăm nom, dạy dỗ cháu chưa đến nơi, đến chốn.

Học sinh Đặng Thị Linh với nỗi niềm ân hận đã nhận ra những nỗi lầm bạo lực của mình đối với bạn cùng lớp tâm sự, hiện nay cháu rất sợ không dám đi ra đường, đến lớp học một mình do những lời đe dọa trên mạng xã hội.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra một số vụ bạo lực học đường, như: năm 2011, có năm em học sinh trường THCS Lê Lợi, thành phố Hưng Yên đã đánh bạn cùng trường, quay video clip; những học sinh đánh bạn đã bị xử phạt hành chính. Năm 2015, cơ quan cảnh sát điều tra huyện Yên Mỹ đã khởi tố, vụ án hình sự, khởi tố một đối tượng về tội hiếp dâm trẻ em (học sinh ở trường THCS thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Năm 2017, một nhóm bốn em học sinh ở trường tiểu học ở xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã bị một nam thanh niên đã vào tận lớp giật dây chuyền bằng bạc đeo trên cổ các cháu. Công an huyện Khoái Châu đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cướp giật tài sản…
Chung tay phòng chống bạo lực học đường
Bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi lo lắng, quan tâm của nhiều gia đình, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội. Ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên đã triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực giai đoạn 2008 - 2013; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018-2025; các quyết định, thông tư, chỉ thị, kế hoạch… của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Hưng Yên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên về phòng, chống bạo lực học đường; gần đây nhất triển khai thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh của nhà trường, tổ công tác xã hội. Tuy nhiên, vấn đề bạo lực học đường vẫn nan giải.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra hơn 288 vụ bạo lực học đường và vi phạm pháp luật; có 295 nạn nhân. Trong đó, có 158 vụ xảy ra trong trường học, 130 vụ ngoài trường học. Vụ việc học đường xảy ra ở khu vực nông thôn chiếm gần 90% tổng số vụ bạo lực học đường. Cấp học thường xảy ra bạo lực học đường, vi phạm pháp luật là trung học phổ thông, chiếm hơn 46%, nổi lên là các hành vi đánh nhau, gây rối. Các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục chủ yếu là học sinh, chiếm gần 70%; nạn nhân trong các vụ việc đa số là các học sinh đang học tại cấp học trung học phổ thông.
Ông Nguyễn Như Kha, xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: phần nhiều gia đình ở thôn, bố, mẹ thường đi làm ở công ty, hoặc đi làm ăn xa, ít có thời gian giáo dục, quan tâm đến việc học hành, tính cách của con cái, mọi việc thường phó mặc cho nhà trường. Có những gia đình chiều con, mua cả máy tính, điện thoại thông minh cho con, nhưng thiếu sự kiểm soát. Trong khi đó, ở ngoài xã hội nhiều thứ cám dỗ lứa tuổi học sinh, như chơi game, vào mạng facebook, xem phim …rất dễ dẫn đến tình trạng tụ tập, chơi bời, bỏ học ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của một bộ phận học sinh. Do vậy, để phòng, chống bạo lực học đường cần có biện pháp giáo dục ngay từ gia đình, đây là cái gốc giúp các cháu trưởng thành.
Theo Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phê: Công tác phòng chống bạo lực học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, môi trường gia đình ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của trẻ, với nhiều thói quen, ứng xử đã thấm vào các em. Cộng đồng nhà trường cần giúp phụ huynh học sinh có được một phần năng lực giáo dục và có ý thức phối hợp với nhà trường và xã hội cùng giáo dục các em. Môi trường nhà trường phải bảo đảm an toàn, lành mạnh, thân thiện, các cán bộ, giáo viên phải là một tấm gương cho học sinh. Đặc biệt, vai trò của thầy, cô chủ nhiệm phải là điểm tựa của các em, phải là người tin cậy để các em tâm sự, chia sẻ những vấn đề khó khăn trong cuộc sống và học tập. Các thầy, cô chủ nhiệm là cầu nối giữa học sinh và gia đình; giữa học sinh và đội ngũ thầy cô và cán bộ trong trường; là người gần gũi nhất, phân tích giúp các em và cùng các em đẩy lùi tệ nạn xã hội ra xa trường học…
Công tác phòng, chống bạo lực học đường đang được toàn xã hội quan tâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống bạo lực học đường với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng chống bạo lực học đường; tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường vào các hoạt động giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa; xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục; nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục; kiểm tra, giám sát và xử lý về bạo lực học đường… Nhưng để các giải pháp triển khai có hiệu lực, hiệu quả, cần cả xã hội chung tay phòng, chống bạo lực học đường; nhất là việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật ở nhà trường phải được đặt lên hàng đầu, bởi hiện nay ở nhiều cơ sở giáo dục chưa làm tốt việc này.