Cần chấm dứt việc mua nguyên liệu thuốc lá không lành mạnh

Cần chấm dứt việc mua nguyên liệu thuốc lá không lành mạnh

Vụ mùa 2004-2005, Tây Ninh có khoảng 4.400 ha cây thuốc lá, tập trung chủ yếu ở các huyện Bến Cầu, Châu Thành, Trảng Bàng và một số khu vực phía bắc tỉnh. Ngoài Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, nhiều đơn vị khác cũng tham gia đầu tư cho nông dân trong tỉnh từ  khâu trồng đến sơ chế sản phẩm sau thu hoạch. Năm nay, số diện tích thuốc lá bị nhiễm bệnh do vi-rút có giảm so năm trước, chiếm 39% tổng diện tích gieo trồng, nhưng số phải thiêu hủy chỉ có 4,29%, chứng tỏ công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện tốt. Thế nhưng, cũng do dịch bệnh hai mùa liền, diện tích trồng thuốc lá năm nay chưa thể khôi phục ở mức cao nhất như vụ mùa 2002-2003 (6.200 ha). Vì vậy, lượng cung hụt so với nhu cầu thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu thuốc lá.

Theo chị Tôn Nữ Hiếu Hiền, Trưởng trạm nguyên liệu thuốc lá Tây Ninh 3 (thuộc Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam), Trạm phụ trách khu vực các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, thị xã, với 596 hộ nông dân hợp đồng trồng 576 ha cây thuốc lá. Tùy theo hình thức đầu tư, ngoài phần ứng trước gồm cây giống, thuốc trừ sâu, bệnh... cho cả vụ, mỗi hộ còn được nhận định suất ba triệu đồng/ha để hỗ trợ công lao động thu hoạch, sơ chế, chưa tính phần hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chuyên canh cây thuốc lá và cả trợ giúp 100% thiệt hại trong trường hợp ruộng thuốc lá bị thiên tai, dịch bệnh. Với sự đầu tư này, người trồng thuốc lá chắc chắn có lãi. Nếu trúng mùa như năm nay, mức lãi ròng đạt từ 15 đến 20 triệu đồng/ha, sau hơn ba tháng canh tác. Về giá thu mua, giá thị trường bắt đầu tăng lên từ tháng 1-2005, đến giờ đã ở mức 26.000 đồng/kg thuốc lá loại 1, đối với loại 2 và 3 giảm tương ứng 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thu mua nguyên liệu của Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam lại thấp hơn bình quân khoảng 2.000 đồng/kg các loại. Lý giải điều này, chị Hiền cho biết: Giá của công ty quy định không thể tùy tiện tăng theo thị trường, vì công ty đã bỏ vốn đầu tư cho nông dân rất lớn, cho nên chi phí phải tăng cao hơn. Sở dĩ thị trường một số người thu mua với giá cao để thu hút nguyên liệu là do họ không đầu tư, hoặc có đầu tư nhưng ở mức thấp. Mặt khác, họ còn định mức phẩm cấp nhẹ hơn công ty từ 1 đến 1,5 cấp so với tiêu chuẩn TCN 26-1-02 của Bộ Công nghiệp quy định, nhằm tăng ưu thế cạnh tranh. Hơn nữa, tư thương còn tổ chức thu mua lá tươi ngay trong vùng nông dân đã hợp đồng với trạm, tạo điều kiện cho người trồng thuốc lá vi phạm hợp đồng đã ký. Vì vậy, sản lượng thu mua của trạm 3 bị giảm đến 50% (các trạm 1 và 2 ở Bến Cầu, Gò Dầu cũng tương tự), gây thiệt hại lớn cho công ty và ngành sản xuất thuốc lá nói chung.

Về phía nông dân trồng thuốc lá, họ bán sản phẩm ra bên ngoài là vì muốn có lợi nhuận cao hơn. Ðến vụ thu hoạch, nhiều người có hợp đồng với công ty chỉ bán nguyên liệu đủ để trả nợ vật tư ứng trước, số còn lại khoảng gấp ba lần thì bán cho tư thương. Có khi họ đem đến toàn loại nguyên liệu phẩm cấp xấu, công ty không thể mua được, để lấy cớ bán cho nơi khác. Nếu nhìn nhận sự việc một cách nhất thời, rõ ràng giá cao là điều tốt cho nông dân. Thí dụ: một hộ sản xuất được năm tấn nguyên liệu thuốc lá, chỉ cần chênh lệch 2.000 đồng/kg như trên, thì mức lãi ròng sẽ tăng  thêm được 10 triệu đồng, một con số không hề nhỏ đối với vùng nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp, không phải lúc nào giá cả cũng thuận lợi. Trường hợp giá tụt xuống quá thấp, đơn vị ký hợp đồng bao tiêu vẫn phải mua cho nông dân ở mức giá sàn cố định, tức phải chịu lỗ. Cho nên, khi giá tăng cao, người trồng thuốc lá phá vỡ hợp đồng là không giữ đúng cam kết, là không công bằng. Hiện những điểm thu mua của Công ty nguyên liệu  thuốc lá Nam chỉ biết nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ và tăng cường quản lý sản phẩm mình đã hợp đồng, cùng với việc bám sát, thuyết phục nông dân, kêu gọi tinh thần hợp tác làm ăn lâu dài.

Ðể có thể thực hiện tốt Quyết định 80/2002/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về  "Khuyến khích tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng" và để cây thuốc lá phát triển ổn định, bền vững, tỉnh nên quy hoạch phân vùng nguyên liệu cho từng nhà đầu tư nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp địa phương để thiết lập cơ chế phát triển cho cây thuốc lá, cộng với những hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người nông dân, đầu tư toàn bộ số diện tích được giao và có hỗ trợ nông dân cụ thể khi bị thiệt hại. Nên chăng, trong các hợp đồng giữa nông dân và đơn vị đầu tư, cần có những điều khoản ràng buộc về chế tài rõ ràng để cả hai bên phải thực hiện nghiêm chỉnh những gì đã ký với nhau, để không còn tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra, dẫn đến hậu quả khôn lường bên lãi lớn,  bên thiệt to như đã nêu trên.