Cân cặp sách tiểu học: Nhiều cặp nặng 4,8 kg

Ruột nặng, vỏ cũng nặng

Còn nhớ cách đây bốn năm, lần đầu tiên, ông Trịnh Quốc Thái - lúc đó là quyền Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học đã đột xuất mang cân xuống các trưởng tiểu học để cân cặp HS. Sự việc này lúc đó đã làm xôn xao dư luận khi được biết mỗi học sinh từ 6 đến 11 tuổi ngày nào cũng phải gồng mình lên vác những chiếc cặp 4-5 kg tới trường.

Mặc dù sau đó Bộ GD-ĐT đã ra văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các sở GD-ĐT với mong muốn làm nhẹ những chiếc cặp của học sinh; năm 2005, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có công văn dành riêng để quy định các loại vở của học sinh tiểu học. Tuy nhiên, những chiếc cặp mà lãnh đạo vụ GD Tiểu học cân được ngày hôm 13-11 vẫn có những cái lên tới 4,8 kg.

Chiếc cặp của em Nguyễn Phương Th - lớp 4G Trường tiểu học Tây Sơn được cha mẹ sắm cho là một chiếc cặp có quai kéo và bánh xe rất... hoành tráng. Riêng vỏ cặp đã cân được 1,3 kg, nhưng bên trong thì cũng không kém phần "long trọng".

Ngoài hai cuốn sách giáo khoa bắt buộc phải mang theo là Toán và Trung Việt thì còn thấy một loạt loại sách vở khác, như: sách tiếng Anh, bài tập tiếng Anh, vở tiếng Anh, vở tiếng Việt, vở lịch sử địa lý, vở Toán, sách lịch sử địa lý, vở ghi đầu bài, túi kiểm tra, vở nháp, hộp bút, hộp đồ dùng học tập, hộp mầu, từ điển tiếng Việt, áo mưa, ô, và một cuốn truyện dày đến hơn 0,6 kg.

Ở một chiếc cặp khác của học sinh lớp này, ngoài hàng loạt sách vở như kể trên cũng thấy có tới bốn cuốn truyện tranh HS mang theo để đọc.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương - quận Ba Đình - Hà Nội, chiếc cặp của HS Nguyễn Thị H. L - lớp 2C cân được trên 4 kg. Khác với chiếc cặp của HS lớp 4 của Trường Tây Sơn, em này không mang theo từ điển hay truyện nhưng đoàn kiểm tra lại ngỡ ngàng khi thấy HS trường này phải mang theo rất nhiều loại vở không hề có trong quy định. Vở bài tập tiếng Việt, vở chính tả, vở tiếng Việt, vở Toán, vở ghi bài, vở dặn dò, vở bài tập đạo đức, vở bài tập Toán, vở luyện chữ, vở Toán - tiếng Việt nâng cao, vở nháp, vở ghi đầu bài tiếng Việt...

Nghĩa là so với quy định đối với học sinh lớp 2 (chỉ cần bốn cuốn vở ô ly) thì HS của trường này có thêm khá nhiều loại vở mà tự nhà trường đặt ra.

Tuy nhiên, những chiếc cặp nặng không phải hoàn toàn do nhà trường quy định thêm nhiều loại sách vở ngoài quy định. Phụ huynh cũng góp phần làm cho những chiếc cặp này nặng hơn rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: Mặc dù họp phụ huynh lần nào chúng tôi cũng luôn yêu cầu gia đình không nên mua cho các cháu những loại cặp mà bản thân nó quá nặng, phải thường xuyên nhắc nhở không cho các cháu mang đồ ăn, nước uống, đồ chơi đến lớp nhưng thực tế thì phụ huynh vẫn chưa ý thức hết được điều này. Bằng chứng là có những gia đình khá giả mua cho con mới học lớp 1, lớp 2 những chiếc cặp một vài triệu đồng giống như những chiếc va-li của người lớn, còn đa số thì cũng đều mua những chiếc cặp, ba-lô vài trăm nghìn đồng/chiếc mà chỉ riêng vỏ của cặp cũng hơn 1 kg.

Hầu như tất cả các trường của Hà Nội đều chuẩn bị sẵn nước uống cho học sinh, nhưng kiểm tra cho thấy vẫn rất nhiều em mang theo bình nước cha mẹ chuẩn bị để đến trường. Tâm lý của phụ huynh ở thành phố hiện nay là thường lo lắng thái quá cho con em mình, cái gì cũng muốn con mình mang theo vì nghĩ: "thừa còn hơn thiếu”.

Rõ ràng, nếu như phụ huynh không chú tâm đến việc soạn sách vở mỗi ngày đến trường của con em, cứ để các em nhồi nhét đủ thứ vào cặp rồi lại vác chúng lên đôi vai bé nhỏ của mình thì quả là rất đáng lo ngại. Có những HS chỉ nặng chưa đầy 20kg mà hằng ngày đã phải mang tới 4 kg cặp tới trường. Không thể nói rằng điều này không ảnh hưởng tới sức khoẻ và sự phát triển về thể lực của các em.

Vấn đề không phải là bớt đi một vài cuốn sách

Sau cuộc kiểm tra này, ông Phạm Ngọc Định - Phó vụ trưởng vụ GD Tiểu học khẳng định: Thực tế đã đặt ra ba vấn đề cần phải giải quyết: Thứ nhất, là giáo viên của mỗi lớp cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc phối hợp với gia đình nhắc nhở học sinh, mang đủ và đúng các loại sách vở dùng trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, điều quan trọng và có tính vĩ mô là cần đầu tư tốt hơn về điều kiện cơ sở vật chất, có đủ phòng học để học sinh được học 2 buổi/ngày; trang bị hệ thống thư viện của nhà trường vời nhiều loại sách, truyện bổ ích mà học sinh có thể mượn đọc trong giờ giải lao...

Cuộc kiểm tra đã cho thấy, bên cạnh việc chấp hành tốt các quy định về các loại sách vở của Bộ và của Sở GD-ĐT mà HS tiểu học cần mang theo thì những trường có đủ phòng học cho HS học 2 buổi/ngày những chiếc cặp của HS sẽ nhẹ đi đáng kể vì hầu hết đồ dùng học tập của học sinh đều được để lại lớp, không phải mang đi, mang về.

Bà Phạm Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Sơn cho biết: 100% học sinh của trường được học 2 buổi/ngày nên trường yêu cầu giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh, học sinh để lại toàn bộ đồ dùng học tập, chỉ mang những sách giáo khoa cơ bản về để đọc thêm.

Tương tự như vậy, tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản mỗi lớp có một tủ đựng đồ dùng dạy học, cuối giờ học sinh để lại đồ dùng học tập, các loại vở viết, vở bài tập của mình tại lớp. Có một số gia đình còn mua cho con hai bộ sách giáo khoa, một bộ để ở lớp một bộ để ở nhà để học sinh không phải mang đi mang về nhiều.

Ngược lại, những trường không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, mỗi lớp không có một phòng học riêng thì học sinh phải mang đi mang về tất cả sách vở và đồ dùng học tập. Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương là một ví dụ. Bà Vũ Thị Tuyết - Hiệu trưởng trường này cho biết: Khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là không đủ phòng học để học sinh được học 2 buổi/ngày. Toàn trường có 23 lớp nhưng chỉ có 17 phòng học nên các lớp không được học cố định mà phải luân chuyển hàng ngày, chính vì vậy học sinh phải mang theo quá nhiều thứ...

Trường tiểu học Lê Ngọc Hân thì cảnh ngộ còn... bi đát hơn vì vẫn phải chung cơ sở vật chất với trường THCS. Bà Nguyễn Thị Mỹ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đó là khó khăn, bức xúc lớn nhất của chúng tôi hiện nay. Học sinh không thể để lại bất cứ thứ gì tại trường, lại không được học 2 buổi/ngày nên không tránh khỏi việc phải mang theo những chiếc cặp nặng quá mức.

Có một thực tế đáng mừng là học sinh rất thích đọc truyện và những sách khoa học bổ ích, nhiều em đã phải "lén lút" mang theo những cuốn sách như vậy để đọc vào giờ giải lao. Sẽ là một hành động tiêu cực nếu như chúng ta cứ nhất thiết vì sợ cặp nặng mà cấm học sinh không được mang truyện để đọc như vậy dần dần sẽ dẫn đến việc triệt tiêu thói quen đọc sách của học trò. Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: Đang đầu tư để cải tạo lại toàn bộ hệ thống thư viện của trường học với nhiều đầu sách phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học để tránh việc các em phải mang theo tới lớp những cuốn sách tham khảo hoặc các loại truyện như hiện nay.

Ông Phạm Ngọc Định cũng cho rằng: Cần phải chỉ đạo tốt hơn, quyết liệt hơn nữa việc đầu tư vào thư viện trường học. Có như vậy mới khuyến khích được thói quen đọc sách của học sinh mà vẫn bảo đảm cặp của các em không quá nặng do nhà trường không có đủ sách cho học sinh mượn.

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng GD Tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Ngoài sách giáo khoa và vở Tập viết theo quy định của Bộ GD-ĐT các loại vở viết của HS tiểu học từ năm 2005-2006 được Sở GD-ĐT Hà Nội quy định như sau:

Đối với các lớp 1, 2, 3: có 4 quyển vở ô-ly là: Toán, chính tả, tiếng Việt (dùng để ghi các phân môn Tập đọc kể chuyện luyện từ và câu, tập làm văn), vở ghi bài (dùng để ghi các môn và các phân môn còn lại);

Đối với các lớp 4, 5: có 6 quyển vở ô-ly, bao gồm các loại vở như của khối lớp 1, 2, 3 và thêm vở làm bài Tập làm văn, vở khoa học, lịch sử và địa lý.