Nhiều vị trí bị hằn lún, hư hỏng
Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới) dài gần 64 km, quy mô bốn làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/giờ. Không chỉ rút ngắn được gần 20 km so với quốc lộ 3 cũ, thời gian đi từ Hà Nội lên Thái Nguyên cũng được rút ngắn từ gần 3 giờ xuống chỉ còn khoảng 1 giờ. Sau hơn hai năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh vùng núi phía bắc, nhất là các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn. Hiện nay, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được bàn giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình 238 trực tiếp quản lý, bảo trì.
Trong quá trình khai thác, sử dụng, tuyến đường đã bị hằn lún, hư hỏng tại một số vị trí thuộc gói thầu PK1B và PK2. Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án (PMU2) Lưu Việt Khoa, đơn vị đại diện chủ đầu tư công trình cho biết, giữa tháng 5 vừa qua, các đơn vị chức năng liên quan đã tiến hành kiểm tra hiện trường toàn tuyến, thống nhất các biện pháp khắc phục hằn lún. Nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thành lập Tổ giải quyết hiện trường, khảo sát, quan trắc diễn biến hằn lún của mặt đường bê-tông nhựa đến hết mùa nắng nóng năm nay.
Đối với các đoạn có vệt hằn lún sâu hơn 2,5 cm, nhằm bảo đảm an toàn khai thác, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 thực hiện cào bóc và thảm lại lớp bê-tông nhựa mới có chất lượng cao hơn, dài tổng cộng gần 2,4 km, phấn đấu hoàn tất trước ngày 30-6 tới. Những đoạn bị hằn lún đã tiến hành sửa chữa, cào bóc tạo phẳng nhưng chưa bảo đảm êm thuận và mỹ quan, PMU 2 yêu cầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đề xuất phương án khắc phục, thi công lớp tạo phẳng, nhằm bảo đảm tuyệt đối ATGT; đồng thời, PMU 2 phối hợp nhà thầu và Công ty 238 thi công thử nghiệm lớp phủ mỏng micro-surfacing, liên danh tư vấn Nhật Bản cũng cử chuyên gia sang phối hợp xử lý hằn lún. Kết thúc giai đoạn bảo hành, nhà thầu cam kết sẽ hoàn trả kết cấu theo đúng thiết kế ban đầu.
Xe quá tải hoành hành
Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình 238 Lại Huy Xuân, từ khi được giao tiếp nhận việc quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường, công ty đã tăng cường nhân lực tuần tra, kiểm soát; tổ chức đóng các điểm người dân mở tự phát; đồng thời, tuyên truyền vận động người dân ven tuyến tham gia bảo vệ các hạng mục công trình, giữ gìn trật tự ATGT. Vì vậy, tình trạng các đối tượng trộm cắp thiết bị trên đường, người dân trèo rào, hoặc cố tình đi xe máy vào đường cao tốc,… đã giảm hẳn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hiện tượng vi phạm tải trọng của xe ô-tô kinh doanh vận tải có diễn biến phức tạp.
Ủy ban ATGT quốc gia nhận định, thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh phía bắc, xe ô-tô chở vật liệu xây dựng, phế thải công trình, hàng đông lạnh, gỗ,… có dấu hiệu vi phạm tải trọng có chiều hướng gia tăng, gây mất trật tự ATGT, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, khiến dư luận và người dân bức xúc. Đương nhiên, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng không là ngoại lệ. Trên hệ thống các tuyến quốc lộ hướng tâm về Thủ đô Hà Nội, hiện chỉ còn quốc lộ 3 (cũ) và đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chưa thu phí, lưu thông thuận lợi, vì thế thời gian qua, lưu lượng phương tiện tăng cao đột biến.
Phó Tổng Giám đốc PMU 2 Lưu Việt Khoa cho biết: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến nay vẫn chưa được bố trí hệ thống kiểm soát tải trọng. Vì thế, PMU 2 đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, bố trí hệ thống kiểm soát tải trọng các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như hạn chế các nguy cơ gây mất ATGT; đồng thời, tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện tại toàn bộ mạng lưới đường kết nối, như quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh, các điểm kết nối ở nút giao Sóc Sơn, Yên Bình, Sông Công và Tân Lập.
Khảo sát trên tuyến cao tốc này, chúng tôi nhận thấy xe tải hạng nặng (loại ba trục và trên bốn trục) lưu thông với mật độ khá dày, nhiều xe có biểu hiện chở quá tải. Các xe tải nặng thường tập trung lưu thông từ chiều tối đến sáng sớm hôm sau, vừa tránh nắng nóng có nguy cơ gây nổ lốp, vừa tránh lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát. Xe chở quá tải cũng là một trong những nguyên nhân chính tàn phá kết cấu mặt đường, gây ra hiện tượng hằn lún. Theo kết quả đếm xe của Công ty 238 tại Trạm thuộc lý trình km 26 + 500, chỉ trong ba ngày (từ mùng 5 đến 7-5), đã có hơn 1.100 lượt xe tải loại ba trục và hơn 2.800 lượt xe tải loại bốn trục lưu thông.
Khi chúng tôi phản ánh thực tế hiện tượng trên, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện giãi bày: Theo quy định, khi phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc, không được phép dừng đỗ gây mất ATGT. Về lâu dài, cơ quan quản lý đã quy hoạch 67 trạm kiểm soát tải trọng tự động tại các tuyến trọng điểm, nếu phương tiện nào chở quá tải sẽ tiến hành xử phạt “nguội”. Tuy nhiên, trạm cân tự động này đòi hỏi đầu tư lớn (khoảng một triệu USD/trạm) nên trước mắt, nếu xảy ra hiện tượng xe quá tải, lực lượng chức năng sẽ sử dụng trạm cân lưu động tại các nút giao.
Trong thời kỳ cao điểm nắng nóng như hiện nay, khi lượng phương tiện có dấu hiệu chở quá tải tăng cao, khiến nguy cơ xảy ra hằn lún đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được dự báo sẽ trở nên phức tạp, việc khắc phục, xử lý càng khó khăn và tốn kém hơn. Mặc dù công trình này còn đang trong quá trình bảo hành, các hư hỏng phát sinh hiện nay vẫn do nhà thầu thi công chịu trách nhiệm khắc phục, nhưng nếu các lực lượng chức năng không kiểm soát, can thiệp kịp thời và quyết liệt, sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội. Vì thế, cơ quan chức năng cần sớm khảo sát, bố trí hệ thống kiểm soát tải trọng phương tiện, nhằm ngăn ngừa xe quá tải tàn phá đường cao tốc, góp phần thực hiện chủ trương kiểm soát tải trọng của Chính phủ một cách hiệu quả.