Trước Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm chính vụ tiêu thụ cam sành ở tỉnh Hà Giang. Thị trường tiêu thụ cam sành lớn nhất là ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như: Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội. Tuy nhiên, trước Tết năm nay, thường lái tại các tỉnh nói trên hầu như không lên Hà Giang để thu mua cam sành do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, sản lượng cam sành của Hà Giang đã tiêu thụ rất ít so sản lượng cả vụ.
Tỉnh Hà Giang có 8.500 ha cam, trong đó có hơn 7.000 ha cam sành với sản lượng ước 60 nghìn tấn. Vụ cam sành kéo dài từ tháng 11 đến cuối tháng 2 (âm lịch), trong đó chín rộ vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Đến thời điểm hiện tại, dù đã gần cuối vụ nhưng tỉnh Hà Giang mới thu hái và tiêu thụ khoảng 30 nghìn tấn, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng cam toàn tỉnh.
Tại xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, vụ cam năm nay có hơn 900 ha với sản lượng ước tính hơn 11 nghìn tấn. Ông Vi Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, cam sành ở xã đã chín nhưng hầu như các vườn không tiêu thụ được. Sản lượng tiêu thụ nội tỉnh ít, việc tiêu thụ cam cho thị trường truyền thống ở các tỉnh miền bắc không nhiều. Do đó, đến thời điểm này cả xã mới chỉ tiêu thụ được khoảng 40% tổng sản lượng cam cả vụ”.
Không chỉ khó tiêu thụ, giá bán cam sành năm nay cũng rất thấp. Gia đình anh Lã Văn Bắc, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo có 20 ha cam, sản lượng khoảng 200 tấn. Theo anh Lã Văn Bắc, cam năm nay được mùa, mẫu mã đẹp nhưng giá bán lại rất thấp.
Hiện tại, gia đình anh Bắc đã bán được khoảng 40 tấn cam với giá giao động từ 3,5 đến 4 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi héc-ta thu từ 60 đến 70 triệu đồng. Với giá bán này, người trông cam chỉ hòa vốn hoặc có lãi rất ít vì chi phí chăm sóc, thu hái, vận chuyển cho mỗi ha cam từ 50 đến 60 triệu đồng tùy từng vườn. Nếu cam không tiêu thụ được dẫn đến cam rụng thì người trồng cam chịu lỗ sản lượng cam rụng trong vườn.
Tình trạng cam sành khó tiêu thụ, giá bán thấp là thực trạng chung đối với các vùng trồng cam sành ở cả tỉnh Hà Giang không chỉ năm nay mà trong mấy năm gần đây. Ông Giang Đức Hiệp, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cho biết, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cam sành nhưng kết quả đạt được chưa cao. Cam sành Hà Giang chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, trong khi đó, việc bán lẻ ra thị trường phải cạnh tranh với nhiều vùng cam nổi tiếng trong nước, do đó, không chỉ sức tiêu thụ chậm mà giá bán cũng không cao.
Cam đến thời kỳ cho thu hoạch nhưng khó tiêu thụ nên tại nhiều vườn cam ở tỉnh Hà Giang đã xảy ra hiện tượng cam rụng. Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, số lượng cam rụng ước khoảng gần 3.500 tấn, chiếm gần 6% tổng sản lượng cạm toàn tỉnh.
Đi khảo sát thực tế tại các vườn cam có hiện tượng rụng quả tại xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, TS Cao Văn Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi cho biết: “Thời gian chín của cây cam sành Hà Giang cách đây hai đến ba tháng. Cam chín là phải thu hoạch, nhưng do khó tiêu thụ nên người dân để quả chín trên cây đến thời điểm này là quá thời gian thu hoạch nên nhiều vườn xảy ra hiện tượng rụng quả do sinh lý. Tuy nhiên, tỷ lệ rụng quả ro sinh lý không cao. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì người dân vẫn có thể giữ quả trên cây đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 với tỷ lệ rụng thấp, nhưng nếu thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều rồi nắng lên thì tỷ lệ rụng sẽ rất cao bởi khi rụng sẽ xảy ra nấm bệnh có sẵn trong đất, phát tán trên cây”.
Thực trạng cam khó tiêu thụ, giá bán thấp, nhiều vườn cam rụng dẫn đến người trồng cam lao đao. Ông Hoàng Quyết Thắng, Giám đốc HTX cam VietGap thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang cho biết: “Đây không phải năm đầu tiên cam khó tiêu thụ, giá thấp mà kéo dài 3 đến 4 năm nay. Với thực trạng này, nhiều chủ vườn cam sẽ không kham nổi, đứng trước nguy cơ không có để tái đầu tư”.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây ăn quả, cây công nghiệp, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, cam sành không chỉ có sản lượng lớn ở Hà Giang mà còn ở cả Tuyên Quang nên cung đã vượt cầu. Do đó dẫn đến tiêu thụ chậm, giá bán thấp. Trong khi đó đặc điểm của cây cam sành là thời vụ ngắn, thời gian lưu quả trên cây nhanh nên khi chậm tiêu thụ dẫn đến rụng quả. Do đó,về lâu dài, tỉnh Hà Giang không chỉ cần xúc tiến đẩy mạnh mối liên kết giữa người trồng cam với doanh nghiệp chế biến để có đầu ra ổn định mà cần thay đổi cơ cấu giống. Trong đó điều quan trọng nhất là chọn giống cam chín sớm và chín muộn để kéo dài thời gian của vụ cam của tỉnh. Đối với các vùng không phù hợp trồng cam thì nên chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Còn vào thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Giang vẫn đang rốt ráo tìm các giải pháp tiêu thụ cam sành. Những ngày gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã mở gian hàng “giải cứu cam sành” cho người dân, thương lái từ các tỉnh miền bắc cũng đã lên Hà Giang thu mua cam, mỗi ngày cũng có khoảng 50 xe, thu mua hàng trăm tấn. Tuy nhiên, để thu mua hết sản lượng cam sành còn tồn thì thời gian còn rất dài. Do đó, người trồng cam Hà Giang đang “cầu trời” cho thời tiết thuận lợi để cam chín không bị rụng nhiều và mong mỏi cuối vụ giá bán sẽ cao hơn để bù vào sản lượng cam rụng.