Khi mơ ước "đặt chân" vào cánh cổng trường đại học khép lại trước ngưỡng cửa cuộc đời chàng trai 18 tuổi, trở về quê nhà, bố anh Phong - ông Trần Xuân Thư, đã quyết định giao lại cho anh đàn ong giống nội với mong muốn con mình có công việc ổn định, ăn nên làm ra để thay ông chăm lo cuộc sống.
Kinh nghiệm còn hạn chế, Phong gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Khi đưa đàn ong đến những nơi có hoa hút mật thì hoa đã tàn. Trở về, ong bị đói, lại cắn nhau chết hàng đàn, vừa không có mật mà đàn ong còn bị giảm. Các giống ong của Phong nuôi chủ yếu là ong nội nên cho năng suất thấp. Bố Phong phải cho con bán cả lợn, gà lấy tiền trả nợ, gom tiền mua đàn ong khác.
Sau chuỗi thất bại, Phong quyết chí vào miền nam học nghề sao cho hiệu quả. "Thất bại dạy tôi nuôi ong lấy mật thì khá dễ, nhưng nuôi số lượng lớn để làm giàu rất khó. Phải am hiểu thời tiết, các vùng địa lý, thấu hiểu được bản chất của con ong, sống với nó như bạn thì mới nuôi nó được", anh Phong cho biết.
Trần Xuân Phong vinh dự là một trong 150 thanh niên nông thôn tiêu biểu cả nước làm kinh tế giỏi, được T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lương Ðịnh Của năm 2014. |
Ðầu năm 2005, anh mạnh dạn vay vốn để mua sắm vật tư, con giống, nâng số lượng đàn ong lên. Ðến năm 2006, thị trường tiêu thụ mật ong dần ổn định, có thu nhập, anh Phong mở rộng mô hình nuôi ong. Nhờ sự ham học và chịu khó tìm tòi, anh Phong đã tìm ra cách lai tạo giữa giống ong vàng của miền bắc với giống ong Ý của miền nam. "Ong Ý miền nam thì lấy mật tốt, nhưng sinh sản chậm và sức chịu lạnh kém. Còn ong vàng miền bắc chống chọi lạnh giỏi, sinh sản tốt nhưng lượng mật lấy được thì không bằng ong Ý. Chính vì vậy tôi đã thử lai tạo hai giống ong với nhau, tạo thành giống ong lai, vừa cho lượng mật cao, vừa chống chọi được với cái lạnh của miền bắc", anh Phong nói.
Sau những năm tháng gian truân, anh Nguyễn Xuân Phong đã ký được hợp đồng chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm với Công ty ong Ðác Lắc. Ðến nay, anh Phong có hơn 1.700 đàn ong, thu hơn 100 tấn mật/năm, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. HTX Phong Thổ do anh làm Chủ nhiệm ra đời với 25 xã viên. Sản phẩm của HTX Phong Thổ đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh trong nước và xuất khẩu sang Mỹ. Anh Phan Viết Xuân, nhân viên nuôi ong của HTX Phong Thổ cho biết: "Trước kia tôi làm thợ xây, thu nhập bấp bênh. Từ khi được anh Phong nhận vào làm, cuộc sống của tôi ổn định hơn, có điều kiện cho các con đi học đầy đủ. Anh Phong là người sống tình cảm, hơn nữa còn định hướng, chỉ dẫn chúng tôi, để sau này có thể tự làm chủ công việc của mình", anh Xuân tâm sự.
Có được ngôi nhà khang trang nhưng đến bây giờ, "chàng thanh niên tỷ phú" đó vẫn tự mình cần mẫn đi đóng gỗ xây nhà ong, làm cầu ong: "Tôi làm việc quanh năm quen rồi. Ðể đàn ong có sản lượng mật đều thì tôi phải cho ong di chuyển đón những mùa hoa ở khắp mọi nơi như: Bình Phước, Sơn La, Hưng Yên, Hà Giang... Giờ chỉ mong sao đàn ong khỏe mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho sản phẩm mật ong của tỉnh Tuyên Quang".