Vụ cựu huấn luyện viên Letard kiện Liên đoàn bóng đá Việt Nam:

Cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm

LĐBĐ Việt Nam thua kiện HLV Letard và phải chịu nộp phạn hơn 200 nghìn USD, đó là bài học quá đắt do tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm và không hiểu rõ, nắm đầy đủ thông tin luật pháp quốc tế. Dư luận đòi hỏi phải có sự xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp liên quan đến vụ việc này, không chỉ gây tổn thất về vật chất mà còn ảnh hưởng đến uy tín của bsong đá Việt Nam trên trường quốc tế.

Những diễn biến

Sau một loạt những trận đấu không thuyết phục của đội tuyển U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Pháp Letard, ngày 21-8-2002, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với huấn luyện viên này trước thời hạn 13 tháng. Những lý do được phía VFF nêu ra gồm: Huấn luyện viên C.Letard không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và đã làm tổn hại đến uy tín của VFF bởi thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam tại LG  Cup 2002. Khi công bố quyết định này, VFF đề nghị sẽ trả thêm cho huấn luyện viên Letard ba tháng  lương, song ông C.Letard đã từ chối. Ngày 4-9-2002, ông trở về Pháp và tuyên bố sẽ kiện VFF vì quyết định sa thải là vô căn cứ và vi phạm các điều khoản chi tiết trong hợp đồng.

Tháng 10-2002, huấn luyện viên Letard chính thức gửi khiếu nại đến Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ vụ việc từ phía VFF, ngày 25-2-2003, FIFA ra phán quyết: VFF chỉ phải bồi thường ba tháng lương cùng các phụ phí (tiền vé máy bay, tiền nhà...) cho huấn luyện viên Letard (tổng cộng khoảng 35 nghìn USD). Tuy nhiên sau đó, ông Letard tiếp tục khiếu nại đến Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS). Ngày 30-9-2004, CAS thông báo quyết định: VFF thua kiện và sẽ phải bồi thường cho huấn luyện viên Letard 197.800 USD cùng khoảng 2.500 USD phụ phí (tương đương 3 tỷ 150 triệu đồng). Nếu không thực hiện phán quyết trước thời hạn cuối cùng (ngày 10-1-2005), bóng đá Việt Nam có thể bị cấm thi đấu quốc tế trong hai năm.

Trách nhiệm và biện pháp thực hiện

Phán quyết của CAS không chỉ gây ra tổn thất lớn về vật chất trong bối cảnh nền bóng đá nước nhà đang thiếu thốn tiềm lực kinh tế để tiến lên chuyên nghiệp hóa, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế.

Với nhiều bất cập từ khi thương thảo  hợp đồng đến quá trình tham gia tố tụng, rõ ràng, đó là tín hiệu báo động về tính thiếu chuyên nghiệp của bộ máy VFF. Nếu hợp đồng được thương thảo một cách kỹ lưỡng và chặt chẽ, nếu phản ứng nhanh hơn trong quá trình tranh tụng, VFF có thể đã không lâm vào tình cảnh bất lợi như trong hiện tại. Ðiều hiển nhiên là, Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đơn vị đại diện cho Ủy ban Thể dục - Thể thao chịu trách nhiệm thương thảo về hợp đồng này, đã không hiểu rõ và nắm đầy đủ thông tin luật pháp quốc tế, dẫn đến hiện trạng này. Ðáng trách hơn, khi đã có thông tin từ phía CAS, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã không báo cáo ngay và đầy đủ cho Ủy ban Thể dục - Thể thao để có giải pháp thực hiện  hợp tình, hợp lý.

Trách nhiệm đó thuộc về Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Vì lợi ích quốc gia, những người hâm mộ bóng đá và dư luận mong rằng Ủy ban Thể dục - Thể thao tỏ rõ chính kiến đòi hỏi sự công bằng của Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế, vì sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam và của nền bóng đá các nước đang phát triển.