Bộ luật Hồng Đức không chỉ là bộ luật chính thức của Việt Nam dưới thời Lê mà còn được các triều đại khác sau này sử dụng cho đến hết thế kỷ thứ 18. Qua nghiên cứu những quy định về tố tụng, giới nghiên cứu cho rằng, Bộ luật Hồng Đức là thành tựu pháp luật của triều vua Lê Thánh Tông so với các triều đại trước đó và cả về sau này. Điểm nổi bật nhất có thể thấy là tinh thần cải cách pháp luật để nâng cao pháp trị, quản lý xã hội hiệu lực, hiệu quả. Điều đó được thể hiện trong nhiều nội dung trong quy định của bộ luật. Ý nghĩa to lớn của tư tưởng cải cách pháp luật được đánh giá như nhân tố quyết định, tiên quyết tạo nên triều đại phong kiến nhà Lê huy hoàng, thịnh trị. Cuộc cải cách đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá.
Nhiều nhà khoa học chỉ ra, trong quá trình soạn thảo Bộ luật Hồng Đức, nhà Lê đã kế thừa pháp luật bên ngoài, kế thừa hình thư đời Lý, đời Trần một cách sáng tạo cho phù hợp điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thời kỳ đó. Có thể nói, xu hướng hưng thịnh của chế độ phong kiến nhà Lê, lòng nhân ái của các vị vua lỗi lạc như Lê Thánh Tông và quần thần của một triều đại đang lên cũng là yếu tố làm cho những quy định về luật tố tụng hình sự trong Bộ luật Hồng Đức mang trong mình nhiều yếu tố tiến bộ.
Những tài liệu nghiên cứu lịch sử cho thấy, Vua Lê Thánh Tông khẳng định với quần thần: Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo, và đặt luật để trừ kẻ gian, sao dung được bọn coi thường pháp luật. Các tài liệu nghiên cứu trình bày tại cuộc hội thảo khoa học vừa qua khẳng định điều đó không chỉ được thể hiện trong cách thức tổ chức của bộ máy nhà nước, trong tuyển bổ quan lại, trong thực hiện quản lý nhà nước mà còn thể hiện rất rõ qua các văn bản pháp luật, đặc biệt thể hiện qua Quốc triều hình luật. Theo ngôn ngữ hiện đại, có thể thấy tinh thần "thượng tôn pháp luật" đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử phát triển của Việt Nam.
Theo PGS, TS Hoàng Thị Minh Sơn, nguyên Trưởng khoa Pháp luật hình sự, Trường ĐH Luật Hà Nội, những quy định về tố tụng hình sự trong Bộ luật Hồng Đức tuy chưa đầy đủ và hoàn chỉnh nhưng ngày nay vẫn còn giá trị cao trong thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập kinh tế sâu rộng. So với những quy định trước đây, những quy định về pháp luật tố tụng hình sự trong Bộ luật Hồng Đức thể hiện chặt chẽ, có tác dụng ngăn chặn việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, lộng hành, vô pháp, thiếu công bằng trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời, đề cao hơn trách nhiệm của các quan tòa trong việc xử án. Đó là phải tôn trọng và tuân thủ những quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, những quy định về tố tụng trong Bộ luật Hồng Đức đã thể hiện tư tưởng vượt trước của các nhà lập pháp thời Lê trong việc nhận thức các nhóm nguy cơ. Đó là: nguy cơ phải chịu rủi ro, oan ức của nhóm người yếu thế gồm bị cáo, bị can, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, với nguy cơ lạm quyền, lộng quyền từ phía chủ thể tiến hành tố tụng - đại diện cho uy quyền và sức mạnh cưỡng chế của nhà nước luôn có thể xảy ra trong quá trình tố tụng…
Rõ ràng, giá trị lập pháp của Bộ luật Hồng Đức như là một phương tiện, công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý xã hội, trị vì đất nước với những tư tưởng lập pháp rất gần với tư tưởng pháp luật hiện đại. PGS, TS Hoàng Thị Minh Sơn cho rằng, mặc dù được ra đời cách đây nhiều thế kỷ nhưng giá trị của Bộ luật Hồng Đức về kỹ thuật lập pháp thì lại như một hằng số đang liên quan trực tiếp đến những vướng mắc của hiện tại, rất đáng suy ngẫm, kế thừa. Việc nghiên cứu quy định về tố tụng trong Bộ luật Hồng Đức không những giúp ta lý giải một cách sâu sắc về pháp luật, mà còn góp phần quan trọng để bổ sung những cơ sở lý luận cần thiết đối với quá trình xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay.
Tư tưởng đức trị và pháp trị trong đạo trị quốc, an dân của Vua Lê Thánh Tông đã gợi mở một số bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là cần tiếp tục khẳng định và tuân thủ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” trong toàn bộ công việc quản trị quốc gia, từ xây dựng chính sách, pháp luật đến thi hành chính sách, pháp luật. Theo đó, không một ai nằm ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật, nhất là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý xã hội của Nhà nước, quản trị quốc gia mà còn là công cụ để nhân dân làm chủ, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước… Mặt khác, cần tiếp tục phát huy vai trò và giá trị truyền thống, tốt đẹp của đạo đức trong quản trị quốc gia. Trước tiên cần xác định một phương hướng căn bản để phát huy vai trò của đạo đức trong quản trị quốc gia ở Việt Nam là tập trung vào các giá trị đạo đức nhân bản của dân tộc, của lối sống có nghĩa có tình, thủy chung, nhân ái, bao dung có vai trò thúc đẩy phát triển xã hội. Pháp luật hiện đại phải đáp ứng nhu cầu đổi mới, xây dựng đất nước, kiến tạo xu thế hội nhập với bên ngoài.