Cải cách nhưng không hạ quy chuẩn an toàn

Nếu phải chờ thêm một năm mới ban hành được thông tư mới, rất nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, tình thế đòi hỏi phải sớm có giải pháp hướng dẫn để không đình trệ sản xuất, kinh doanh và không ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục thuộc lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh Nguyễn Nguyên)
Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục thuộc lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh Nguyễn Nguyên)

Sau Công điện số 220/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an và Bộ Xây dựng đang tích cực rà soát lại các quy định, đồng thời lắng nghe, trao đổi thông tin với doanh nghiệp để từng bước tháo gỡ.

Phân loại rủi ro để áp dụng tiêu chuẩn phù hợp

Trong diễn biến mới nhất về tiến độ thực hiện Công điện của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã thống nhất về một số nội dung của Quy chuẩn Việt Nam 06:2022/BXD (Quy chuẩn 06/2022).

Cụ thể, đối với hồ sơ đã được góp ý thẩm duyệt trước khi Quy chuẩn này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện theo thiết kế đã được thẩm duyệt hoặc góp ý. Trường hợp hồ sơ được góp ý hoặc thẩm duyệt kể từ thời điểm Quy chuẩn 06/2022 có hiệu lực thì phải tuân thủ các quy chuẩn này. Thực tiễn sẽ xảy ra một số tình huống, được Bộ Xây dựng cho ý kiến hướng dẫn giải quyết như sau: Công trình đã thực hiện chỉnh sửa thiết kế phòng cháy, chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo phiên bản quy chuẩn nào thì được áp dụng theo phiên bản quy chuẩn đó. Ðối với công trình đã có văn bản góp ý thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng khi thẩm duyệt hồ sơ muốn áp dụng Quy chuẩn 06/2022 thì cần xem xét cụ thể các thay đổi đó có ảnh hưởng đến hồ sơ thiết kế hay không và ảnh hưởng đến mức độ nào. Thí dụ thay đổi bậc chịu lửa của nhà, dẫn đến thay đổi giải pháp kết cấu từ bê-tông cốt thép thành kết cấu thép, dẫn tới thay đổi cả những yêu cầu khác liên quan đến thoát nạn, cấp nước chữa cháy, đường giao thông cho xe chữa cháy...

Hiện nay, trong số hàng nghìn doanh nghiệp đang bị ách tắc về tiến độ đầu tư hạ tầng vì vướng mắc thủ tục thẩm định hồ sơ phòng cháy, chữa cháy có rất nhiều trường hợp không xác định được phải tuân thủ theo Quy chuẩn 06/2021 hay Quy chuẩn 06/2022 vì có thời gian xây dựng chuyển tiếp giữa hai năm nhưng cơ quan chức năng thiếu các hướng dẫn cụ thể. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết công trình đều tắc ở hạng mục sơn chống cháy và bọc bảo vệ kết cấu chịu lực. Vì theo quy chuẩn cũ, việc bọc dầm, cột... có thể làm bằng cách phun vữa và bọc thạch cao chịu lực mà không cần kiểm định. Nhưng tiêu chuẩn mới không đề cập đến biện pháp thực hiện mà yêu cầu doanh nghiệp áp dụng biện pháp nào thì phải chứng minh, thẩm định khả năng chịu lực của biện pháp đó. Ðiều này khiến doanh nghiệp vừa vướng mắc về kỹ thuật, vừa phát sinh chi phí lớn.

Ðối với sơn chống cháy, quy định cũ không yêu cầu thí nghiệm kết cấu chịu lửa nhưng quy định mới lại đặt ra yêu cầu đối với hạng mục này. Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất có thể thực hiện theo thông lệ tốt của tỉnh Bắc Giang. Ðó là phân loại rủi ro theo nhóm công trình để có ứng xử phù hợp. Doanh nghiệp cũng đề xuất các công trình ở giai đoạn giao thoa giữa hai quy chuẩn chỉ áp dụng kiểm soát chịu lửa theo quy chuẩn mới cho tới lớp tường bao công trình, còn bên trong công trình vẫn áp dụng theo quy chuẩn cũ.

Không để đình trệ sản xuất, kinh doanh

Bộ Xây dựng đã giao Vụ Khoa học Công nghệ phối hợp với các đơn vị chuyên môn khẩn trương tập hợp, tham mưu để trước mắt ban hành hướng dẫn về việc triển khai, áp dụng QCVN 06:2022; tiếp tục nghiên cứu những quy định còn bất cập để chỉnh sửa, bổ sung trong thời gian tới nhằm thực hiện theo đúng tinh thần Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về phía Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng đã thành lập các tổ công tác làm việc trực tiếp với các địa phương, đề xuất xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn liên quan đến công tác đầu tư xây dựng và các công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhận định, việc sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục phòng cháy, chữa cháy cần có thời gian và chưa rõ khâu thực thi tới đây sẽ như thế nào. Trước thực tế này, các doanh nghiệp kiến nghị xử lý sớm một số vấn đề cấp thiết để có thể đưa công trình, nhà xưởng vào sản xuất, kinh doanh. "Không thể hạ quá thấp các quy chuẩn, tiêu chuẩn vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng, chẳng hạn như nguy cơ cao do cháy nổ. Tuy nhiên cũng phải tính toán toàn diện để tạo thuận lợi nhất, không để doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh", bà Thủy nói.

Hiện có hơn 1.600 doanh nghiệp ở Bình Dương và hàng nghìn doanh nghiệp ở Ðồng Nai cũng như nhiều địa phương khác đang bị yêu cầu tạm dừng công trình, không được nghiệm thu hoặc tạm dừng hoạt động. Nếu phải chờ thêm một năm mới ban hành được thông tư mới, rất nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, tình thế đòi hỏi phải sớm có giải pháp hướng dẫn để không đình trệ sản xuất, kinh doanh và không ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất. Tại Công điện số 220, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng phải bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp trông đợi rất nhiều vào kết quả thực hiện Công điện của Thủ tướng.