40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968 - 2008)

Cách mạng tiến công (*)

Bộ Chính trị họp bàn mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968
Bộ Chính trị họp bàn mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968

Thưa các đồng chí,

Trước hết, tôi xin báo cáo với các đồng chí lần này Hội nghị Trung ương chúng ta họp, có một số đồng chí Trung ương bị ốm không đến được, có một số đồng chí bận việc không đến được. Trong Bộ Chính trị cũng có đồng chí bận việc không đến được, một số đồng chí sẽ đến, mai có đồng chí Thọ, đồng chí Dũng sẽ đến báo cáo.

Thưa các đồng chí,

Kỳ này họp Trung ương, đây là vấn đề quan trọng quá, vấn đề lớn quá. Chắc các đồng chí đã đọc nghị quyết của Bộ Chính trị, đã thấy đó là vấn đề lớn quá. Bộ Chính trị chúng tôi đã thảo luận rất lâu, đã thảo luận trong Bộ Chính trị nhiều lần, đã thảo luận với các đồng chí miền Nam mấy lần, với các đồng chí ở Trung ương Cục, ở Khu V và Trị - Thiên. Tất cả các đồng chí đều đồng tình và nhất trí với Bộ Chính trị. Cho nên, nghị quyết của Bộ Chính trị kỳ này đồng thời cũng là nghị quyết của tất cả các đồng chí ở miền Nam đã tham gia ý kiến.

Bây giờ, tôi xin trình bày thêm một số ý kiến về Nghị quyết này.

Trước hết, trong Hội nghị Trung ương lần này, chúng ta đề ra một nhiệm vụ rất lớn là chuyển hướng một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta. Ðể trình bày thêm một số ý kiến trong nghị quyết, tôi xin nói rõ thêm một số tình hình ở miền Nam:

a) Chuyển hướng từ thế phản công chiến lược của địch sang thế bị động chiến lược của địch.

b) Âm mưu của địch.

c) Phương hướng tiến lên của chúng ta và khả năng diễn biến của tình hình.

d) Công tác của miền Bắc.

Chúng ta nhận rằng: trong một cuộc chiến tranh cách mạng hay bất cứ một cuộc cách mạng nào, vấn đề quan trọng là đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, đề ra cho được nhiệm vụ, yêu cầu về chiến lược, sách lược cho đúng. Việc này phải làm đúng thì ta mới thắng được. Kỳ này ta muốn chuyển hướng một nhiệm vụ chiến lược mới, không có cách nào khác, chúng ta cũng phải nghiên cứu tương quan lực lượng để đề ra nhiệm vụ. Nhưng trước khi nói rõ về tương quan lực lượng, tôi xin trình bày một vài điểm về quá trình phát triển của cách mạng miền Nam cho rõ thêm diễn biến của phong trào.

Cuộc cách mạng miền Nam của chúng ta tạm gọi đã trải qua bốn thời kỳ:

- Thời kỳ phòng ngự về chiến lược, năm 1954 ta chuyển quân ra Bắc;

- Thời kỳ đồng khởi ở miền Nam;

- Thời kỳ chiến tranh đặc biệt;

- Thời kỳ từ chiến tranh đặc biệt chuyển qua chiến tranh cục bộ.

Mỗi thời kỳ như vậy, Trung ương đã đề ra những nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng. Chính Trung ương đã đề ra đúng, nên diễn biến qua mỗi thời kỳ mới có thắng lợi như vậy.

Chúng ta biết rằng trong thời kỳ năm 1954, chúng ta ai nấy đều biết rõ rằng không bao giờ hai năm có tổng tuyển cử. Ta đã nói như vậy, không bao giờ ta tin đế quốc lại có thể giao lại độc lập cho chúng ta. Chúng ta không bao giờ tin cái đó đâu. Ta không tin chút nào, khi đó mặc dầu ta tranh đấu cho hai năm tổng tuyển cử, nhưng chúng ta cơ bản không bao giờ tin, vì không có chuyện đó bao giờ cả. Cho nên, trong lúc đó, đứng về miền Nam mà nói, từ thế cầm súng, có chính quyền, bây giờ chuyển tất cả súng ống, chính quyền ra miền Bắc, nghĩa là ta từ thế tiến công chuyển xuống thế thủ, thế yếu rồi.

Trong lúc đó, địch đem toàn bộ lực lượng quân sự vào miền Nam, còn ta đem ra miền Bắc, chính quyền không còn nữa. Như vậy, rõ ràng ta từ thế mạnh, ta thụt xuống thế yếu, mặc dầu ta thắng lợi cả nước và nửa nước, nhưng đối với miền Nam là ở trong thế yếu. Nếu trong lúc đó, ta không biết thế thủ thì cách mạng sẽ tan nát. Cho nên, cách mạng phải biết tiến công, phải biết thế thủ.

Lúc đó, ta chuyển vào bí mật, từ công khai trở lại bí mật; từ đấu tranh quân sự cao chuyển sang đấu tranh chính trị theo kiểu này, kiểu kia, hợp pháp, bất hợp pháp. Như vậy, rõ ràng từ thế tiến công, chúng ta trở lại thế thủ và ta đã biết giữ thế thủ để giữ vững cách mạng là chính, giữ vững thôi, không phát triển. Cố làm thế nào trong giai đoạn đó giữ vững được cách mạng là chính. Trung ương đề ra như vậy.

Tôi còn nhớ lúc đó có nhiều nơi làm không đúng, nghĩa là cứ tiến công lung tung, rồi sau tan nát gần hết, như có một số tỉnh ở Khu V làm rất găng, găng rồi sau không được gì cả. Nhưng những nơi nào biết thế thủ, biết giữ vững lực lượng, biết đi vào bí mật, biết nắm vững vấn đề, giữ vững được lực lượng thì ở nơi đó duy trì được lực lượng cách mạng. Nói như vậy, không phải là ta thế thủ hoàn toàn không phản công đâu, ta có phản công, phản công về chính trị, bằng cách đấu tranh hợp pháp, bất hợp pháp. Cách mạng nói thế thủ, nhưng không bao giờ có thế thủ hoàn toàn đâu. Ðứng về chiến lược chung lúc đó mà nói, chúng ta phải biết giữ lực lượng, nếu không biết giữ lực lượng thì cách mạng sẽ tan nát.

Ở trong Nam, tôi biết có chi bộ hàng trăm đảng viên, cuối cùng chỉ còn 5, 10 người. Thời kỳ công khai, có chính quyền, người ta vào rất đông. Hồi đó, tôi biết chi bộ đã biết chia thành ba loại đảng viên: loại A, loại B, loại C; loại A là loại phải rút vào bí mật, còn loại B, loại C coi như tan rã. Phải tổ chức lại chi bộ như thế để giữ bí mật hơn, nếu không, tan nát hết. Lúc đó phải làm như vậy. Trong giai đoạn đó, chúng ta đi vào thế thủ, chúng ta biết tổ chức quần chúng, biết tổ chức Ðảng, có vũ trang tuyên truyền, vũ trang tự vệ. Ðó là một điểm mới của ta rút ra từ bài học kinh nghiệm trong thời kỳ bí mật thôi. Trong thời kỳ đó ở miền Nam là giai đoạn biết tổ chức quần chúng trở lại, biết tổ chức Ðảng, biết chuẩn bị phương pháp đấu tranh có vũ trang tự vệ.

Chính nhờ cách làm đó, ta mới giữ được lực lượng cách mạng, tuy còn có nhiều chuyện có nơi bị bắt bớ, nhưng về cơ bản là ta giữ được cách mạng; nếu không giữ được lực lượng cách mạng thì không bao giờ có cuộc đồng khởi đâu. Vấn đề đó rất quan trọng. Ở Huế, 1 vạn đồng chí chỉ còn không đầy 100 đồng chí. Ở khu V, khi công khai có 20 vạn đảng viên, sau này không còn được 1.000, chỉ còn mấy trăm người thôi. Nhưng ở Nam Bộ còn hơn 10 vạn đồng chí, vì biết chuyển hướng phong trào hơn.

Khi ta chuyển hướng phong trào, đồng thời ta tiến công địch hơn nữa, đấu tranh chính trị là làm cho quần chúng hiểu không bao giờ chịu sống dưới quyền của Diệm. Lúc đó nó đã phải chuyển qua một chính quyền phátxít dùng bạo lực, dùng phương pháp hành chính, quân sự, để cai trị; phátxít đây không phải là phátxít thông thường, mà là phátxít với quân sự cai trị, đem từng sư đoàn, lữ đoàn đi cai trị, lê máy chém đi khắp nơi.

Trong thời kỳ địch làm như vậy thì lay chuyển rất dữ trong đảng viên, trong quần chúng. Nhưng Bộ Chính trị và Trung ương Cục nhận định rằng: chính lúc này, Mỹ - Diệm đã thất bại cơ bản về chính trị, nó đã không thể cai trị được một cách bình thường, hoặc theo kiểu phátxít như trước nữa, mà đến nỗi phải lê máy chém đi khắp thôn quê. Ðó là biểu hiện địch yếu, chứ không phải địch mạnh.

Vì vậy, vùng dậy khởi nghĩa đi, có lực lượng trong tay, số vũ trang tuyên truyền tập trung lại mà khởi nghĩa. Ðó là ý kiến đề ra khi đó. Lúc bấy giờ, Trung ương Cục rất đồng tình với việc đánh giá này của Trung ương. Tình hình lúc đó đang hoang mang, 30 vạn thanh niên chạy vào rừng U minh ở, quần chúng đuổi theo cách mạng mà khóc; lúc đó, hoang mang chung trong nhân dân là như vậy. Nhưng Bộ Chính trị, Trung ương ta ngoài này đề ra cho miền Nam là không phải như vậy, chính bây giờ, địch thất bại cơ bản về chính trị, phải biết tập trung lại, bây giờ quần chúng vùng dậy được rồi.

Trước đây, quần chúng có thể muốn hòa bình vì đánh giặc chín năm rồi, khi hòa bình trở lại, ai không muốn hòa bình. Khi đó ta chuyển hướng. Lúc đó chúng tôi tính trong một xã, chỉ có 5 - 10% muốn chống thôi, còn 80% muốn yên thôi; lúc bắt đầu hòa bình, lúc đó ta làm ta sẽ cô lập với quần chúng; quần chúng sau chín năm chiến đấu, họ không muốn bạo lực ngay, nhưng đến lúc nó găng như vậy rồi, tất cả quần chúng đều muốn nổi dậy cả rồi; lúc này vấn đề sống chết đặt ra rồi. Cho nên, Ðảng có thể nêu khẩu hiệu khởi nghĩa được. Chính đưa ra được đúng lúc là quần chúng vùng dậy; đó là cuộc đồng khởi; đồng khởi là cuộc nổi dậy của quần chúng.

Ðồng khởi là giai đoạn thứ hai, là thời kỳ quần chúng nổi dậy cướp chính quyền ở nông thôn, xây dựng lực lượng cách mạng. Từ thế thủ chúng ta đã chuyển qua thế tiến công rồi. Ðây là một bước rất quan trọng, vì trên thế giới chưa có nước nào khởi nghĩa trong lúc trong nước lực lượng phátxít của chúng đang mạnh, dưới chế độ phátxít quân sự mà khởi nghĩa chưa nước nào làm nổi đâu, chưa có đâu. Cái đó ở một số nước to lớn, người ta xây dựng căn cứ dần dần thôi, còn tình hình khởi nghĩa trong một nước phátxít mà quân sự nó mạnh như vậy thì thế giới không dám làm như vậy. Các đảng anh em xưa nay nói cái này khó lắm, không làm được đâu. Miền Nam ta làm được là có một cái đặc điểm riêng, sau này chúng tôi sẽ nói. Ta vùng dậy được vì ta tiếp tục chín năm kháng chiến, vì ta có Cách mạng Tháng Tám, vì có nhiều vấn đề sau này nữa, không phải dễ như vậy. Ðây là đặc điểm của cách mạng Việt Nam ta, không phải dưới chế độ phátxít như vậy, với lực lượng như vậy mà khởi nghĩa dễ đâu. Việt Nam ta làm được là có hoàn cảnh lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám trở lại, không phải chỉ lúc đó mà có đâu, vì đã chia ruộng đất, v.v.

Ðó là giai đoạn hai, giai đoạn này, nếu lúc đó, chệch đi một chút nữa thôi, độ 5, 6 tháng mà không khởi nghĩa, theo tôi hiểu thì tan nát gần hết, phải 10, 20 năm liền chưa chắc đã dậy được, chưa phải 10 năm đâu. Nếu lúc đó làm mà chệch đi thì có thể 10, 20 năm, chưa biết khi nào vùng dậy. Tình hình phức tạp lắm, không phải dễ, bước ngoặt này khó lắm. Lúc đó, ta nhớ rằng trên thế giới, các đảng anh em đều khuyên ta đừng làm, làm rất nguy hiểm... Ðảng ta độc lập, Ðảng ta làm Cách mạng Tháng Tám, ta cũng độc lập. Cuộc cách mạng miền Nam, ta cũng độc lập; ta có cái độc lập của ta; ta thấy được vấn đề, ta làm, ta làm nên. Ðó là giai đoạn hai, quan trọng lắm. Bây giờ ta nghĩ lại cuộc đồng khởi này, ta đồng khởi trong lúc có nửa triệu quân Diệm nó đang chuẩn bị đánh ra miền Bắc; nó đã tổ chức ra quân đoàn để đánh ra miền Bắc. Ở nông thôn, nó phátxít hóa, nó cũng chuẩn bị đánh ra miền Bắc... mà ta vẫn khởi nghĩa.

Ðó là một giai đoạn. Từ khởi nghĩa đến chiến tranh đặc biệt. Bọn Diệm không chặn nổi khởi nghĩa, cho nên buộc phải chuyển sang chiến tranh đặc biệt. Trước kia, Diệm nắm bộ tham mưu, nay Mỹ nắm lấy để điều khiển, lấy người Việt Nam đánh người Việt Nam thôi, nắm lấy để làm chiến tranh đặc biệt. Ta thấy khi chiến tranh đặc biệt, từ khởi nghĩa tiến lên qua chiến tranh đặc biệt, Trung ương chúng ta đề ra cho miền Nam vấn đề rất lớn là để chống lại cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Diệm. Lúc đó địch có hai vấn đề lớn là "tìm diệt" và "kìm kẹp", nhưng nó kìm kẹp chủ yếu bằng ấp chiến lược. Chúng làm lớn lắm, quy mô lắm; còn các đội quân chủ lực của nó cơ động nhất thì chúng dùng vào tìm diệt, nghĩa là chúng tìm diệt ngay các lực lượng cách mạng mới mọc ra, mục đích của chúng là như vậy.

Lúc đó, trong tư tưởng các đồng chí chúng ta thấy phá ấp chiến lược khó lắm, không phải dễ đâu, mình phá, nó lại làm thôi. Sau trận ấp Bắc rồi, thì ngoài này, Bộ Chính trị, Quân ủy thấy vấn đề khác, thấy nó thua ở ấp Bắc không phải là thua một trận chiến đấu, mà là thua về chiến thuật rồi, tức là nó có tàu bay, xe tăng, thiết giáp, trực thăng... có hàng ngàn quân mà thua. Còn ta, ta chỉ có một tiểu đoàn thôi mà đánh tan được địch, như vậy rõ ràng nó thua về chiến thuật rồi.

Vì vậy, đặt điều kiện là với phong trào chính trị chung lên, phải phá banh ra ấp chiến lược và đồng thời đưa mạnh quân đội lên, đánh các trận lớn, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các đô thị hơn nữa. Chính lúc đó là lúc ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở trong đô thị lên, phá ấp chiến lược và đánh những trận lớn; do đó mà chiến tranh đặc biệt nó bị thất bại. Ðây là một vấn đề rất lớn; nếu lúc đó ta coi thường việc phá ấp chiến lược chẳng hạn và thấy rằng lực lượng quân sự của ta không đánh bẻ gẫy được chúng về chiến thuật, lúc đó mà chần chừ thì chúng ta không thắng được đâu. Ðây là một điểm rất lớn, rất quan trọng trong nhiệm vụ chiến lược đề ra trong giai đoạn đó.

Khi chiến tranh đặc biệt sắp thất bại, Mỹ đưa vào 20 vạn quân, chuyển từ chiến tranh đặc biệt qua chiến tranh cục bộ. Lúc đó Mỹ... cho là nếu nó đưa vào 20 vạn quân, thì ở miền Nam phải đi vào thế phòng ngự thôi, trở lại ba giai đoạn thôi, không có cách nào khác. Nó nghiên cứu kỹ lắm vì nó thấy trên thế giới đã như vậy mà. Ðưa vào hai chục vạn quân để lùi giai đoạn mà... Nhưng Trung ương ta thấy khác, Trung ương ta nói: Không, ta phải đề ra thế tiến công, ta phải đánh thắng. Ðó là điểm khác lắm đấy. Ðề ra tiến công vì ta nhận rằng cách mạng miền Nam đã đấu tranh theo kiểu Việt Nam thế này thì tiến công được.

Qua trận Vạn Tường, có một giá trị rất lớn, cho ta thấy rõ rằng ta có đủ sức mạnh để đánh thắng 9.000 quân Mỹ, ngoài biển chúng có tàu thủy, trên bộ chúng có máy bay, xe tăng; ta chỉ có 2 tiểu đoàn đánh nó mà ta giết được hơn 1.000 tên, ta chỉ chết có 50 người. Rõ ràng là ta đủ sức đánh chiến tranh cục bộ rồi, rõ ràng quá rồi. Thực tiễn cho phép ta có thể 1 đánh 9, đánh 10, mà 9, 10 đây là nói về số lượng thôi, còn về sức chiến đấu trên chiến trường thì nó gấp 20, 30 lần ta. Cho nên tấn công nó được, không phải thế thủ gì đâu. Từ đó đến Bầu Bàng, Dầu Tiếng... Tấn công này quan trọng lắm, chính tấn công đó đã làm nó hoang mang thất bại. Sau này, lần thứ hai, nó đưa thêm vào 20 vạn quân nữa. Không những ta tấn công trên chiến trường cũ, ta lại mở một loạt mặt trận mới, cả ở ngoài phía bắc này, ở Trị - Thiên, nó hoang mang ghê lắm, nó không ngờ ta mở mặt trận Trị - Thiên. Xưa nay, nó tưởng ngoài này ta không thể mở mặt trận được, nó muốn ta đánh theo cách đánh của nó. Ta đã phá vỡ kế hoạch của nó muốn đánh ra miền Bắc; đánh nó hoang mang hết cả. Vì vậy, đến mùa mưa, nó đi vào thế bị động, vào thế thủ, rõ ràng rồi. Những điểm đó, ta không nắm, không mở mặt trận Trị - Thiên thì nguy hiểm.

Hôm nay, ta đánh ở Trị - Thiên..., sức người nhiều hơn Ðiện Biên Phủ. Ở Ðiện Biên Phủ có 4 vạn thôi, bây giờ ta đánh nó với 7 vạn người, vũ khí gấp 3, 4, 5 lần, lại hiện đại hơn... Trận to quá rồi, làm trận này thôi, riêng trong kia không làm nổi như vậy đâu; đây là cả hậu phương miền Bắc này, tất cả mới làm được. Chính mở mặt trận này là phân tán nó, kéo nó ra ngoài này mà tiêu diệt. Ðây là vấn đề chiến lược lớn, cơ bản, để thấy rằng qua từng giai đoạn như vậy chúng ta đều đi đúng đường; từng bước ngoặt một, từng tương quan một, chúng ta đề ra được nhiệm vụ, đề ra được mục tiêu, ta bố trí được lực lượng đánh nó. Cho nên, đến bây giờ đây, ta nhận nó từ thế tiến công chuyển qua thế bị động chiến lược, từ khi vào mùa mưa đến bây giờ. Ðây là nói về chiến lược thôi, rõ ràng là chưa nói về chiến thuật.

Trong cuộc chiến tranh cách mạng, vấn đề quan trọng lớn là từng giai đoạn lớn đề ra được nhiệm vụ chiến lược. Ðây là bước ngoặt rất lớn. Rõ ràng là bây giờ địch đã chuyển hướng từ một thế tiến công phải chuyển sang thế bị động phòng ngự, trong giai đoạn phát triển cao nhất của chiến tranh cục bộ rồi. Bởi vì với nửa triệu quân Mỹ, với cách đánh thế này là một đỉnh cao nhất của chiến tranh cục bộ rồi. Nếu đánh qua một chiến lược khác thì khác, bởi vì bố trí lực lượng là theo mục đích yêu cầu; mục đích của nó là chiến tranh cục bộ thôi, không phải đương đầu với một cuộc chiến tranh lớn, to giữa hai phe hẳn hoi.

Với nhiệm vụ quân sự, chính trị ở miền Nam, từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ mốc cao nhất là nửa triệu quân, là khá cao rồi; còn nó lên một triệu quân thì sang chiến lược khác rồi, qua giai đoạn khác rồi. Do đó, ta thấy nó lừng chừng ở giữa. Năm nay, nó nói cả năm đưa sang nhiều lắm là 5 vạn quân, mà 3 tháng gần đây, ta diệt 3 vạn quân Mỹ rồi. Cho nên, nó ở giai đoạn cao rồi, không thể tiến, không thể lui được nữa. Còn ta thì như thế nào? Bây giờ tôi muốn nói tại sao ta thắng về chiến lược, chiến thuật. Ðể nói về điểm này, tôi xin đưa ra vài con số để chứng minh là nó đã thất bại như thế nào, từ chiến tranh đặc biệt đến bây giờ.

Trước kia, đứng về so sánh lực lượng giữa ta và địch:

- 1959 - 1960, khi ta mới bắt đầu khởi nghĩa, quân địch 7, ta 1 (lúc đó không có Mỹ đâu);

- 1960: quân Diệm 10, ta 1;

- 1961: địch 7, ta 1;

- 1962 - 1963: địch 5, ta 1;

- 1965 đến bây giờ: Mỹ vào nửa triệu người nữa, tất cả, đến bây giờ, địch 3, ta 1.

Ðó là con số quân đấy, nhưng về lực lượng cơ động, bây giờ ta 1, địch 0,5; địch thua ta về lực lượng cơ động, nó 1, ta 2, ta mạnh hơn nó. Trên kia nói nó 3, ta 1 là nói cả quân ngụy (60 vạn), nhưng 60 vạn quân ngụy không đủ năng lực bình định thì nói con số để làm gì. Nói 3/1 là nói theo nghĩa đó. Còn nói quân Mỹ làm nhiệm vụ tìm diệt, không làm nổi. Không phải con số đâu, thực chất con số này ta mạnh chứ không phải nó mạnh, chưa nói đến lực lượng cơ động, ta 2, nó 1. Ðấy là nói con số. Còn mạnh ở chỗ trên chiến trường, ai nắm quyền chủ động nữa. Rõ ràng ngay con số như vậy, ngay từ khi quân Mỹ vào, qua hai mùa khô, ta tiêu diệt cả Mỹ - ngụy hơn nửa triệu quân, trong đó hơn 6 vạn quân Mỹ và chư hầu. Lớn biết bao nhiêu mà kể, trong đó ta diệt từng tiểu đoàn, từng chiến đoàn xe tăng của nó, còn địch chưa bao giờ diệt ta 1 đại đội. Hôm nay tôi nói một vài con số để làm cơ sở mà nhận định tình hình thôi. Ngày mai, anh Dũng sẽ báo cáo tỉ mỉ cụ thể hơn.

Như vậy ta mới nói về quân sự, nói vài con số và như vậy rõ ràng đó là về quân sự nó thua rồi. Còn về mặt chính trị, chưa bao giờ địch rối loạn, thua như bây giờ. Về mặt chính trị, ở trong Nam từ xưa đến nay, địch vẫn thua ta, địch vẫn thất bại chính trị cơ bản, chưa bao giờ địch rối loạn như bây giờ. Kỳ này sau bao nhiêu lần đổ lên đổ xuống, địch mới đưa ra được một chính quyền dân sự. Tại sao chúng phải đưa ra chính quyền dân sự? Trước kia, Trung ương đã nói rằng chiến tranh cục bộ của địch nhưng còn mang tính chất chiến tranh đặc biệt, nghĩa là vẫn theo thực dân kiểu mới, do đó, chính quyền là quan trọng; chính quyền đó muốn làm vai trò thực dân kiểu mới phải là chính quyền dân sự mới làm nổi, nhưng địch làm không nổi. Ðây là thất bại lớn lắm, rất lớn.

Chưa lúc nào, mâu thuẫn trong nội bộ nó và quần chúng trong đô thị chống lại chúng mạnh như bây giờ. Còn thất bại của Mỹ rất rõ: trong nước, nó phân tán như thế nào; về kinh tế, rối loạn như thế nào; về quân sự cũng rối loạn, về quân sự ở miền Nam và về quân sự phòng thủ chung trên thế giới; về chính trị rối loạn và bị cô lập; chưa có nước nào bị cô lập ghê gớm như Mỹ bây giờ trên thế giới. Ðến nỗi từ xưa đến nay chưa bao giờ có phong trào quần chúng nổi dậy mạnh mẽ như bây giờ ở Mỹ, quần chúng nổi dậy chống phân biệt chủng tộc như người da đen ở Mỹ, quần chúng đòi cải thiện đời sống. Tình hình này, nay mai sẽ là cuộc đấu tranh gay go nhất của Mỹ, không gỡ được.

Trái lại, còn về ta, không những ta thắng lợi về quân sự, còn thắng lợi về Mặt trận nữa. Mặt trận chưa thành một chính quyền, một chính phủ, trên thế giới chưa bao giờ có Mặt trận nào như vậy được thừa nhận như bây giờ. Trước đây ta có chính quyền, có chính phủ đàng hoàng, có cả Liên Xô, Trung Quốc nữa, ta cũng chưa được công nhận như bây giờ. Bây giờ, Mặt trận thôi mà cả thế giới, số người thừa nhận quan trọng đến như vậy. Vị trí của Mặt trận miền Nam trên lịch sử chưa có bao giờ như vậy. Ðó là vì sao? Vì chính nghĩa về ta lớn quá. Sự thất bại của Mỹ to quá. Tất cả mọi người trên thế giới đều thấy cái phi nghĩa, đều thấy cái kém hèn, đều thấy cái yếu ớt, đều thấy tất cả cái gì xấu xa đều thuộc về phía Mỹ; còn những cái gì đẹp đẽ nhất của loài người, những cái chính nghĩa đều đưa về phía Mặt trận miền Nam, tất cả đều đưa về phía bên này. Thất bại của Mỹ lớn lắm, ta xem báo chí thì thấy rõ.

Bây giờ ta xem lại vì sao ta thắng được về chiến lược, chiến thuật? Vì sao ta thắng được về chính trị, quân sự như vậy?

Trước hết, sở dĩ chúng ta đã thắng lợi về chiến lược lớn như vậy mà cả về chính trị nữa, theo tôi nghĩ, chủ yếu nhất, cơ bản nhất là ta đã nắm được phương châm chiến lược tiến công. Cách mạng là tiến công, không tiến công là thất bại. Ta thắng từ khi đồng khởi đến chiến tranh đặc biệt và bây giờ tại sao ta thắng như vậy, nguyên nhân lớn nhất về mặt quân sự mà nói là vì ta nắm được chiến lược tiến công; nếu ta nắm chiến lược phòng ngự, chiến lược cầm cự là sai mất rồi.

Chính ta đã nắm được chiến lược tiến công mới thắng được Mỹ. Bài học này lớn lắm. Khi cần thế thủ lúc đầu thì thế thủ, nhưng cách mạng luôn luôn tiến công. Ðó là chủ nghĩa Mác, đó là chủ nghĩa Lênin, không có cách gì khác. Khi thoái trào thì phải biết thế thủ, còn khi cách mạng đã vùng dậy rồi thì phải biết tiến công, không tiến công là thất bại, lừng chừng là nguy hiểm, là đứng tại chỗ thôi, không tiến lên được. Lịch sử cách mạng là như vậy; bản chất cách mạng là như vậy, không tiến công là không được đâu. Cái này lớn lắm, rất lớn. Ðảng ta đã nắm được như vậy. Cách mạng ta từ đồng khởi đến bây giờ là ta tiến công. Vì đánh giá được lực lượng chính trị, quân sự thế nào mới tiến công, chứ không phải dễ tiến công. Nói tiến công là một loạt vấn đề. Theo tôi hiểu, một là chủ nghĩa Mác - Lênin nói như vậy; Mác nói như vậy về Công xã Pari, không tiến công là thất bại; về sau, Lênin cũng nói như vậy; hai là, dân tộc Việt Nam ta xưa nay vẫn tiến công, ta đọc lại lịch sử sẽ thấy, không thế thủ đâu, lui về là để tiến công thôi, khi mất Hà Nội lui về là để tiến công, không bao giờ thế thủ. Con người Việt Nam đủ sức làm việc này. Ðây là có nguyên nhân của nó. Và chúng ta có vốn cách mạng từ hơn hai mươi năm nay nữa. Tôi cho đây là vấn đề rất lớn. Nếu chúng ta không biết tiến công thì chúng ta không đến giai đoạn như bây giờ đâu, khác lắm rồi.

Chính đế quốc Mỹ tính toán sai về ta chỗ này đấy, nó sai nhiều lắm, nó không hiểu được. Cố nhiên, trong thế tiến công này, từng sách lược một, có khi biết thế thủ cũng có, nhưng mà thế tiến công là chính. Chúng ta đặt toàn bộ thế tiến công này trước hết là ở trên vị trí thế giới đã, tôi chưa nói trong nước vội. Chúng ta đã nghiên cứu, nhận thấy bây giờ ở trên thế giới, cách mạng đang ở thế tiến công, chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Vấn đề này quan trọng lắm, để cắt nghĩa vì sao nó lên từng bước, nó leo thang, nó không đưa ùa nửa triệu quân Mỹ vào một lúc. Chúng ta biết rằng, trên thế giới, giai đoạn này cách mạng đang ở thế tiến công, Mỹ không phải dễ dàng chuyển từ chế độ thực dân kiểu mới sang chế độ thực dân kiểu cũ, nó bị ép, không phải đem quân qua dễ lắm đâu.

Tại sao như vậy? Vì nó đang bị cách mạng thế giới tiến công nó, cho nên nó dùng chính sách thực dân kiểu mới, nghĩa là từ thế tiến công đưa nguyên tử ra dọa người của nó phải chuyển qua thế phản ứng linh hoạt. Phản ứng linh hoạt có nghĩa là thế thủ rồi, rất rõ như vậy. Ðây là điểm rất lớn. Ta thấy Mỹ từ chỗ tiến công, đem nguyên tử mà dọa người ta, đưa vào thế phản ứng linh hoạt, nghĩa là thế thủ rồi, hễ chỗ nào đánh nó thì nó phản ứng lại. Thế thủ đây không phải ý muốn của nó, đây là khách quan của lịch sử thế giới buộc nó. Nó trơ tráo tiến công không được, Cuba ở gần nó, ngay bên cạnh nó mà nó không tiến công được, không phải dễ dàng như vậy. Vì vậy, ở ta, nó mới leo thang từng bước.

Vì tương quan lực lượng trên thế giới kiềm chế, tương quan lực lượng trong nước nó buộc nó phải làm chuyện đó. Vì vậy, ta tiến công từng bước một tiến lên. Nếu nó từ chiến tranh đặc biệt đưa thẳng lên chiến tranh cục bộ thì ta đánh nó khó lắm. Nó tiến công cũng đi từng bước một; cái đó đều có tất yếu lịch sử của nó, không phải tự nhiên đâu. Nếu nó tính trước là nó là nước giầu như vậy, muốn nắm ngay Ðông Nam Á này một cách mạnh đưa ngay lên chiến tranh cục bộ; điều đó trái với tình hình thế giới lúc đó, vì tương quan lực lượng thế giới buộc nó, không cho phép nó làm như vậy. Ở đây, sở dĩ Mỹ từng bước tiến công được, đem được quân vào mặc dầu ta có thế tiến công trên thế giới là do phe ta có lủng củng; nhưng nó tính sai, mặc dầu lủng củng như vậy, nhưng tương quan ta vẫn mạnh hơn. Cho nên, nó tiến công đến đây, nó dám làm lên chút nữa.

Còn ta tiến công nó, ta gắng lên chút nữa. Ðiều đó có nhược điểm của phe ta. Thế tiến công của cách mạng thế giới cho phép cách mạng Việt Nam tiến công, nhưng ta tiến công già dặn như vậy vì Việt Nam ta là một nước đặc biệt mạnh, ta có cái mạnh khác, ta dám đánh Mỹ, không phải Mỹ nhất thiết phải vào nửa triệu quân ở miền Nam đâu. Nếu phe ta không có lủng củng, nhất trí với ta là một, thì nó thua từ chiến tranh đặc biệt thôi. Tình hình như vậy, ta có thể tiến công thật sự, nhưng nó bị yếu đi, cho nên địch có đà lên được.

Ta cũng nắm lấy đó mà tiến công. Nếu trong lúc này không phải là người Việt Nam, nghĩa là một dân tộc đã làm ba cuộc cách mạng, thì không thể thắng như thế này đâu, mà "Mỹ sẽ thắng". Không phải lúc nào chiến tranh nhân dân cũng thắng cả đâu. Ở Mã Lai, chiến tranh nhân dân thất bại; ở Hy Lạp thất bại; ở Huk (Philíppin) cũng đã thất bại... ở Mã Lai, đâu có lên cao như thế này. Ở Philíppin lên cao lắm, đánh gần thành phố mà vẫn thất bại. Còn chúng ta, chúng ta đã làm Cách mạng Tháng Tám, đã kháng chiến. Chúng ta đặc biệt lắm. Việt Nam ta có 30 triệu người, - 10 triệu người không làm nổi đâu -, có nửa nước xã hội chủ nghĩa... Tất cả cái đó cộng lại mới làm được, rõ ràng là ta đưa vào Nam 20 vạn người, không phải dễ đâu, không có chủ nghĩa xã hội thì làm sao được. Nếu Việt Nam chỉ có 10 triệu người thì không làm được; nếu nhỏ quá thì không làm được đâu. Ta không thể nói độc đoán nhỏ thế nào cũng làm được cả đâu, phải có sức lực thế nào, có phe ta giúp đỡ thế nào, không có phe ta không được đâu, phải có những điều kiện của nó. Ðó là điểm lớn, chúng ta đã đánh giá đúng thế tiến công trên thế giới. Ðiểm này, anh Nguyễn Chí Thanh khi còn sống rất thú vị; khi ở miền Nam, anh ấy nói Việt Nam là tiến công, không có ba giai đoạn đâu.

Chúng ta đã vận dụng thế tiến công này khác; ta tiến công cả ba vùng chiến lược: miền núi, nông thôn, đô thị; tiến công cả đô thị, nhưng tương quan lực lượng từng vùng khác nhau. Ðã là tiến công, phải toàn diện, nhưng về phương pháp tiến công có khác nhau. Ðồng thời nói tiến công ở ta có nghĩa là công nông là chủ lực dưới quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân. Không phải chỉ có nông dân là chủ lực, chúng ta có công nhân, nông dân là chủ lực.

Vì vậy, chúng ta khác hẳn. Và ta hiểu tiến công như vậy cho nên phương pháp của ta là quân sự, chính trị song song. Về quân sự, lực lượng nó 7, ta 1, thì nói làm gì. Ta hiểu bạo lực ở đây là cả bạo lực chính trị. Ta nói chính trị ở đây không phải chính trị là cơ sở, mà là lực lượng chính trị, là đội quân chính trị mạnh lắm. Có vậy lực lượng ta mới mạnh gấp 5, gấp 10 nó. Khác hẳn, hai cái: quân sự, chính trị cùng tiến lên. Bởi vậy, ở nông thôn, vừa khởi nghĩa, vừa công kích. Vừa rồi, 2/3 ấp chiến lược, ta đã công kích và khởi nghĩa. Chúng ta dùng lực lượng quân sự và chính trị mới phá được. Ở Mã Lai dùng quân sự không thôi, không được.

Chính chúng ta đã đề ra ba vùng chiến lược. Ngay khi đặt vấn đề, ba năm nay chúng ta đã bao vây các đô thị rồi, như Sài Gòn có ba lực lượng quân sự bao vây nó, ở bên trong là lực lượng địa phương từng tiểu đoàn một, ra ngoài là lực lượng trung đoàn, ngoài nữa là lực lượng sư đoàn rồi. Mấy năm nay, đang chuẩn bị rồi. Nếu ta không đặt vấn đề như vậy thì 2, 3 năm nay ta đã không đưa về mấy tiểu đoàn. Ðề ra tiến công đô thị, cho nên ta mới làm việc đó.

Nói tiến công có nghĩa là phải có mục đích cách mạng là gì, phương pháp cách mạng là gì? Lực lượng cách mạng là công nông. Trong giai đoạn hiện tại mà nói, tôi cho rằng nước nào cũng vậy, cả thế giới đang làm cách mạng tiến công. Nói tiến công cách mạng là phải nói giai cấp vô sản, giai cấp công nhân, không có thì không có tiến công, vì trong giai đoạn hiện tại, giai cấp nông dân phải đi theo giai cấp công nhân mới có tiến công, không có cách nào khác. Nếu đi với giai cấp tiểu tư sản như ở Nam Dương, Ấn Ðộ thì không thể có tiến công. Chỗ này quan trọng đối với công tác chỉ đạo. Mấy năm nay, ta nắm vững, nếu không thì không thể có được như ngày nay. Vì ta đặt khác. Ðó là vấn đề bố trí chiến lược chung.

Nhưng còn về nhiệm vụ chiến lược quân sự, mấy năm nay Tổng Quân ủy đề ra những điểm rất đặc biệt Việt Nam. Ðứng về chiến lược quân sự, đề ra chúng ta thắng ở đâu, phải biết làm chủ ở đấy, giành quyền làm chủ. Nếu chỉ đặt vấn đề tiêu diệt thôi mà không đề ra vấn đề làm chủ thì không về bao vây Sài Gòn được, ta không đem quân về bao vây đô thị được, để tiêu diệt địch. Một là, khẩu hiệu của chúng ta là: "một tấc không đi, một ly không bỏ", không thì không lãnh đạo như vậy được.

Chúng ta không dang ra, chúng ta quyết giành quyền làm chủ, khác cơ bản lắm. Do đó, cho nên ta sử dụng tốt ba thứ quân một cách rất linh hoạt, rất đầy đủ. Hai là, Việt Nam ta đứng về quân sự mà nói, chúng ta phản đối một quả đấm, phải có nhiều quả đấm... Chúng ta có nhiều vùng chiến lược, nên chúng ta phản đối một quả đấm, phải có nhiều quả đấm. Ðây là nói về chiến lược, nếu chúng ta chỉ có một quả đấm, chúng ta sai nghiêm trọng lắm.

Chúng ta có nhiều vùng chiến lược, chúng ta phải căng địch ra mà đánh, nghĩa là chúng ta phải có nhiều quả đấm. Nói như vậy để mà nói trình độ quân sự của Ðảng ta đánh thắng Mỹ đã trở thành chiến lược theo kiểu Việt Nam, đến mức như vậy, không phải chúng ta chỉ theo kiểu cũ, chúng ta biết vận dụng khác lắm. Nếu không, chúng ta không thể thắng được nửa triệu quân Mỹ. Cái đó không giống Liên Xô, Trung Quốc, mà là của Việt Nam, không những không giống mà còn có điểm trái ngược với Liên Xô, Trung Quốc. Cái này là Việt Nam đã tổng kết từ mấy chục năm nay, tổng kết từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, nếu không thì không thắng được đâu.

Ðứng về chiến lược, chúng ta có những điểm khác như vậy. Về chiến thuật, chúng ta có sáu phương thức tác chiến, mới lắm, sáng lắm, hăng lắm, sáng vô cùng, nó làm đảo lộn tất cả chiến thuật của Mỹ. Ngay chuyện đánh hậu cứ địch, ta diệt hàng ngàn máy bay, theo kiểu này xưa nay thế giới chưa có chuyện như vậy đâu. Tôi nói mấy chiến thuật lớn: chiến thuật đặc công, đánh giao thông, đánh hậu cứ..., đây là đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt lắm mới làm được như vậy. Không có sáu phương thức này, không áp dụng đúng thì không thể thắng Mỹ được. Cái này đặc sắc Việt Nam, chỉ con người Việt Nam, kinh nghiệm Việt Nam và chỉ ở Việt Nam mới làm được chuyện này.

Vừa rồi, tôi nói chuyện với mấy đồng chí Trung Quốc, gần đây ở vùng đồng bằng, chúng tôi tập trung nhiều lắm là hai tiểu đoàn, mà diệt được một tiểu đoàn Mỹ, đánh chín tàu lớn Mỹ với 100 súng lớn mà chỉ có bốn người thôi, lạ lắm, các đồng chí đó không hiểu nổi... Ðánh chín tàu Mỹ với cả 100 súng lớn nhỏ, chỉ có bốn người đánh thôi mà đánh thắng được, ta không mất gì cả, sao lạ lùng như vậy, đáng lẽ phải một sư đoàn mới đánh nổi, không phải ít đâu. Chiến thuật của ta đặc biệt như vậy. Chúng ta có chiến thuật của ta, chiến thuật đặc biệt lắm.

Vì lý do gì ta đã thắng về chiến lược, chiến thuật? Vì về quân sự, chúng ta đã tổng kết được kinh nghiệm Việt Nam, chúng ta đã đề ra được đường lối quân sự Việt Nam. Ta có đường lối quân sự Việt Nam, ta có đường lối chiến lược chiến thuật Việt Nam và cái đó hợp với người Việt Nam, ta làm được việc này.

Cho nên, hai năm nay, ta tiêu diệt nửa triệu quân Mỹ và chư hầu, mà nó quy mô đến nỗi trên thế giới chưa có trận nào gay gắt như bây giờ, chưa có vùng nào đánh như Vĩnh Linh bây giờ. 16.000 chuyến B52 đánh ta. Thế giới có chuyện đó đâu. Ðiều đó chứng tỏ nếu chúng ta không có nhiệm vụ chiến lược, chiến thuật, không có đường lối quân sự đúng, thì chúng ta không có thắng lợi như bây giờ đâu. Kết luận lại, tại sao ta thắng về chiến lược, chiến thuật đi đến bắt đế quốc Mỹ phải từ thế phản công qua thế bị động phòng ngự. Ðó là thắng lợi về đường lối chính trị của ta trong thế tiến công và là thắng lợi cả về đường lối chiến lược quân sự, chiến thuật quân sự của ta trong thế tiến công.

Chúng ta đã thấy địch sau khi leo thang từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, đến nay đã tới mức cao rồi. Nó nói "bình định", "tìm diệt", nhưng vẫn như cũ thôi, không có thêm gì cả. Sở dĩ như vậy là do chúng ta đã thắng lợi về chính trị chung, về chiến lược, chiến thuật và bây giờ đến mức ta thấy Mỹ không còn có phương hướng tiến lên rõ, mà phương hướng rút lui thì thế nào cũng không được. Tại sao như vậy? Âm mưu của Mỹ như thế nào? Nếu muốn tiến lên, hơn hai năm nay, Mỹ bị tiêu diệt 26 vạn, năm nay đưa vào 5 vạn, 5 vạn có nghĩa lý gì. Nếu muốn chống cự lại ta, phải đưa vào 20 vạn mới được, chống cự thôi, không phải thắng; đưa thêm 20 vạn, không phải 5, 10 vạn, nhưng Mỹ vấp phải nhiều khó khăn.

Chỉ có trước đây địch nói đưa quân vào trong 6 tháng, nay phải cố đưa vào nhanh hơn, chứ chưa có phương hướng gì rõ lắm. Chỉ sợ cũng không đưa nhanh được thôi.

Nhưng vì sao nó chưa rút lui, sao bế tắc thế này nó chưa rút?

Trước hết, ta phải thấy âm mưu cơ bản của Mỹ thế nào, vị trí của đế quốc Mỹ trên thế giới như thế nào, trong vùng Ðông Nam Á như thế nào, âm mưu của nó như thế nào. Xưa nay ta đã nói Mỹ là tên sen đầm quốc tế, muốn làm bá chủ hoàn cầu, vị trí của nó là như vậy. Mặc dầu vị trí đó bớt đi không thể làm được, không làm được như trước, nhưng mà với một nước to như Mỹ, vị trí làm tên sen đầm quốc tế vẫn y nguyên, vẫn chưa bỏ. Ðặc biệt vùng Ðông Nam Á này, nó thấy ở đây lực lượng cách mạng của chủ nghĩa xã hội, lực lượng  cách  mạng  Việt Nam, cách mạng Trung Quốc phát triển, lực lượng của phong trào độc lập dân tộc đang phát triển, nguy cơ mất cả Ðông Nam Á.

Ta còn nhớ Eisenhower đã nói nếu mất Ðông Nam Á thì mất cả bao nhiêu nguyên liệu của nó, rất rõ. Tôi còn nhớ hội nghị Sớcsin và Rudơven với Stalin lúc đó muốn trung lập hóa Ðông Dương, sau nó bỏ đi. Mỹ đã đề ra vấn đề trung lập hóa Ðông Dương từ khi còn Stalin. Vấn đề Ðông Dương quan trọng như vậy đấy, lúc đó Trung Quốc chưa thắng lợi, Việt Nam chưa thắng lợi, nó đã đặt vấn đề như vậy, nó để cho Liên hợp quốc nắm tức là nó nắm. Vị trí Ðông Dương nằm giữa hai khối: 500 triệu người ở Ấn Ðộ, 700 triệu người ở Trung Quốc, Nam Dương 100 triệu người. Thị trường này lớn lắm. Vấn đề thị trường không gì hơn là người. Người mua hàng, người tiêu dùng. Thị trường tư bản là người, không có gì khác nữa. Ðất đai là để lấy nguyên liệu. Anh làm 8 giờ rồi, nó bán hàng cho anh để bóc lột anh nữa. Ðối với tư bản đấy là quan trọng lắm. Không phải chỉ nguyên liệu, đất đai thôi đâu mà là vấn đề người, vấn đề thị trường người này nữa.

Ðó là vị trí của nó trên thế giới, ở Ðông Nam Á là như thế. Sau khi thất bại ở Ðiện Biên Phủ, nó lập khối SEATO là để nắm vấn đề này, rồi một số tổ chức khác ở Liên hợp quốc nữa, giữa các nước như Úc, Mã Lai, Nam Dương... nhiều lắm, không phải ít đâu. Với vị trí quan trọng như vậy, Mỹ đã đem sang nửa triệu quân, cuộc chiến tranh này có lẽ là cuộc chiến tranh to lần thứ ba của Mỹ, hai cuộc đại chiến trước là to nhất. Mỹ bây giờ dùng lực lượng quân đội hơn nửa triệu quân, lớn nhất từ sau đại chiến thứ hai đến nay. Nếu Mỹ thua ở Việt Nam có nghĩa là Mỹ thua cả về quân sự, chính trị, kinh tế, thua toàn diện ở Việt Nam. Uy tín quân sự không còn, địa vị kinh tế không còn, có nghĩa là vị trí của nó bị lung lay.

Còn về chi của nó, một năm nó tiêu 30 tỷ, chưa đến nỗi sao, còn có thể đưa được 5, 10 vạn người vào, nó cố giữ không được thua, vì thua thì sập lớn, sập toàn bộ chiến lược của nó trên thế giới. Tình hình là như vậy. Nhưng thắng thì nó không thắng được. Nó đoán sai ta và đoán sai lủng củng của phe ta. Âm mưu chủ yếu bây giờ là nó muốn duy trì một vài năm, nó thấy nó có nửa triệu quân, nó 3, ta 1, phe ta còn lủng củng, chưa có chuyện gì lắm. Nó muốn giữ nhùng nhằng qua 1968-1969, tổng tuyển cử xong, tổng thống mới lên, có quyền hạn rộng rãi, sẽ tính toán. Cho nên nó cố gắng đừng thua nữa. Nó cho là nó có thua cũng thua đến mức nào đó thôi, ta đánh nó có thắng cũng chẳng thắng được. Bộ đội ta có tiêu diệt nó nhưng không được mấy, đánh vài trận rồi còn phải chuẩn bị. Nó biết chủ lực của ta có một số nhược điểm, vận chuyển khó khăn, tập trung khó khăn, đánh binh đoàn không phải dễ. Nó tính toán như vậy. Nó nói đánh ở Việt Nam, phải đánh ba cuộc chiến tranh: quân sự, chính trị, phá hoại miền Bắc. Nhưng nó không hiểu chính trị là thế nào đâu, âm mưu của nó không phải đánh ra miền Bắc. Nó thấy mùa mưa vừa rồi, ta đánh nó, nó cho là ta đánh mức nào thôi, chưa phải mạnh lắm. Nó cho mùa mưa là mùa chính của ta, mùa khô là mùa của nó; hai mùa khô qua, nó đánh ta trước. Nó không ngờ mùa khô này ta lại đánh nó trước. Gần đây nó hoang mang, nhưng nó chưa đoán hết lực lượng quân sự, chính trị của ta đâu.

Vì vậy, mục đích của Mỹ là cố duy trì tình hình này. Nó cho là phe ta chưa làm gì nó; Liên Xô giúp ta đến mức nào thôi, nó biết Liên Xô chưa dám giúp nhiều nữa; Trung Quốc thì bận. Tất cả điều kiện ấy làm cho nó có âm mưu như thế. Nếu trong lúc này, theo tôi nếu có hội nghị quốc tế cả phe họp lại, có cả ta, Liên Xô, Trung Quốc..., thì có lẽ nó khác rồi. Nhưng lúc này không họp được.

Vì vậy cho nên âm mưu cơ bản của Mỹ hiện nay như vậy. Ðúng như Nghị quyết 12 của Trung ương đã nhận định, nó cố duy trì tình trạng này trong năm 1968, có thua phần nào thôi, đừng thua lớn, có thua thì thua ít thôi để rồi tổng tuyển cử xong..., cố gắng đừng thua lớn.

Vì vậy, ta phân tích tình hình ta thắng, nó thua, nó có âm mưu này. Cho nên Bộ Chính trị kỳ này nghiên cứu ta có khả năng thắng, phân tích tình hình thấy ta có khả năng thắng âm mưu này của nó, đạt tới mục đích như Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương đã đề ra.

Muốn làm được việc đó, bây giờ đã có điều kiện, là phải chuyển qua một chiến lược mới như Hội nghị Trung ương đề ra.

Bây giờ, chúng tôi trình bày những điều kiện nào, tiền đề như thế nào?

Muốn thắng nó, làm sập nó dữ, không phải đánh thường thường như bây giờ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn đó là chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa, có khả năng đè bẹp ý chí xâm lược của nó; làm nó tan rã thật sự, nó phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta, vì nó thua, không còn cách gì khác nữa.

Ðiểm này, trước hết tôi nói đến tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Ðây là chủ trương ta đề ra một nhiệm vụ mới, Trung ương ta đề ra rồi, nhưng thời cơ lúc nào thôi. Mấy năm nay, đánh giặc đều theo hướng đó, không phải bây giờ đâu. Mấy năm nay các vùng đô thị đều bố trí lực lượng để chiếm dần dần. Hai, ba năm rồi, từng bước một lấn xuống đô thị. Ðó là hướng chiến lược chung.

Cho nên ta đã làm chủ từng vùng trong đô thị. Mùa mưa vừa rồi, ta đã đánh hơn 40 thị trấn, thị xã lớn nhỏ. Ðó là chuyện mới, ta đánh vào Huế và nhiều thị trấn khác. Tình hình xưa nay, ta đã chuyển hướng như vậy từng bước để tiến lên.

Trước hết, ta quan niệm tổng công kích, tổng khởi nghĩa như thế nào, những tiền đề gì đặt cho ta làm chuyện này?

Chúng ta cho tổng công