Đã hơn 20 năm kể từ ngày Liên Xô tan rã, lễ kỷ niệm 7-11 mới được tổ chức trọng đại đến như vậy tại Nga. Gần 10 ngàn người tham gia buổi lễ diễu hành đều cảm nhận thấy sự cần thiết phải truyền đạt lại cho các thế hệ sau tầm vóc ý nghĩa của cuộc Cách mạng vĩ đại nhất trong thế kỷ 20.
Để đánh giá ý nghĩa của một cuộc cách mạng cần nhìn nhận nó trong cả một tiến trình lịch sử mới có thể tránh được sự phiến diện hoặc cường điệu. Đã có không ít những đánh giá như vậy trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi cuộc Cách mạng tháng Mười Nga xảy ra đến ngày hôm nay. Đặc biệt, kể từ sau khi Liên Xô giải thể, thậm chí không ít người Nga còn tỏ ra hoài nghi về cuộc Cách mạng vĩ đại này với câu hỏi, nước Nga có thể tốt hơn không nếu như mọi thứ không diễn ra như vậy?
Những câu hỏi kiểu như vậy sẽ là bi kịch đối với chủ nhân của chúng, bởi đơn giản là chúng ta không thể thay đổi được quá khứ. Quá khứ luôn cần được phân tích, “mổ xẻ” để có được bài học cho hiện tại và tương lai.
Từ một góc nhìn của đời sống quốc tế, Cách mạng tháng Mười Nga thực sự để lại những bài học vô giá cho nhân loại. Điều này thể hiện trên một số khía cạnh cơ bản sau :
Cuộc cách mạng tháng Mười là hội tụ của rất nhiều điều kiện giúp cho giai cấp công nông thực hiện thành công việc giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản. Trong lịch sử, cũng đã có không ít lần, những người nghèo bị trị giành được chính quyền nhưng hoặc mau chóng bị thất bại hoặc lại bị biến dạng trở thành một phiên bản của những kẻ vừa bị chính họ lật đổ. Nhà nước Xô-viết ra đời thực sự đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại bởi tính chất và cách thức vận hành hoàn toàn khác so với các chính quyền phổ biến hiện tại (mô hình tư bản chủ nghĩa). Chính vì thế, sự hình thành, phát triển và khủng hoảng của nó để lại những kinh nghiệm rất lớn. Từ mô hình xã hội của các nước Bắc Âu đến các nhà nước cánh tả hiện tại ở Mỹ La-tinh; từ lý thuyết “Con đường thứ ba” của các nước Tây Âu đến định hướng “xã hội dân sự” của nhiều nước hiện nay v.v. tất cả dường như đều được rút ra từ mô hình nhà nước Xô-viết.
Đặc biệt, cách thức nhà nước Xô-viết xử lý các vấn đề kinh tế như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, v.v.; những vấn đề xã hội như công bằng, dân chủ, an sinh, môi trường, giáo dục, v.v.; những vấn đề về quản lý từ vĩ mô đến vi mô, v.v. vẫn là một kho tư liệu hết sức quý giá chưa được khai thác đúng mức. Ta hãy lấy mô hình quản lý với vai trò độc tôn của nhà nước được áp dụng trong suốt chiều dài tồn tại của Liên Xô làm thí dụ. Trong xã hội có giai cấp, nhà nước luôn có một vai trò quan trọng không thể phủ nhận, đặc biệt trong những thời khắc cần huy động sức người, sức của của toàn xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để mối quan hệ giữa nhà nước với phần còn lại trong xã hội phát triển hiệu quả và hài hòa nhất là bài toán vô cùng hóc búa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô cũng chính từ cách giải bài toán này.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, hầu hết các nước vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm một mô hình phát triển mới, nhưng có thể do quan niệm là nhà nước Xô-viết là một thất bại nên kho tư liệu quý giá này đã bị bỏ rơi. Đó thực sự là một lãng phí khủng khiếp. Có lẽ đã đến lúc các nhà lãnh đạo EU nên nghiên cứu mô hình quản lý một nhà nước liên bang của Liên Xô (Liên Xô là một tập hợp 15 nước cộng hòa độc lập), biết đâu lại tìm ra phương thuốc hữu hiệu, trước hết, để chữa trị cho căn bệnh nợ công.
Nếu cuộc cách mạng tư sản Anh tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ quốc tế bằng việc thay thế mô hình nông nghiệp bằng công nghiệp – thương mại, thì Cách mạng tháng Mười Nga thực sự là điểm khởi đầu cho mô hình toàn cầu hóa. Hầu hết các đặc điểm như tùy thuộc lẫn nhau, hợp tác – liên liên kết hay xung đột – chiến tranh khu vực, v.v. đều được định hình bắt đầu từ mối quan hệ giữa Liên Xô với phần còn lại của thế giới.
Một nghịch lý đang tồn tại trong đời sống quốc tế là, người ta đang nói rất nhiều về sự thay đổi và cần thiết phải thay đổi (như việc cải cách Liên hợp quốc chẳng hạn), nhưng cách thức ứng xử giữa các quốc gia cũng như xử lý các vấn đề quốc tế thì hầu như lại vẫn giữ nguyên như thời còn Liên Xô. Sự thay đổi có chăng chỉ là thay đổi tên gọi của chủ thể hay gia tăng về số lượng mà thôi. Lý do chỉ có thể hoặc là người ta không muốn thay đổi, hoặc là chẳng ai muốn nhìn lại những bài học mà Liên Xô để lại.
Ta hãy lấy một trong những di sản quan trọng mà cuộc Cách mạng tháng Mười đã để lại – nguyên tắc “chung sống hòa bình”, do Lenin đề xướng. Chung sống hòa bình có thể coi là nguyên tắc ứng xử hữu hiệu nhất trong bối cảnh đối đầu hai cực. Nguyên tắc này đã giúp cho nhân loại thoát khỏi nguy cơ một cuộc thế chiến mới trong nửa cuối của thế kỷ 20. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, về lý thuyết, tất cả đều hiểu nguyên tắc chung sống hòa bình sẽ còn tồn tại cùng với thời gian, đơn giản bởi tính hiệu quả của nó trong quan hệ quốc tế. Trên thực tế, không ít người (cũng xuất phát từ quan niệm Liên Xô đã tan rã) cho rằng, để đảm bảo an ninh cho nhân loại, nguyên tắc này cần phải thay thế bằng những nguyên tắc khác đại loại như “can thiệp nhân đạo”, “bảo vệ nhân quyền” hay “can dự linh hoạt”, v.v. Hệ quả thì chúng ta đã quá rõ, thế giới vẫn đang “nóng” lên từng ngày.
Không biết có phải do người Nga muốn tái hiện lại lịch sử oai hùng của mình qua lễ diễu hành “3 trong 1”, nhưng tác giả muốn khẳng định một điều : Tầm vóc của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga là vô cùng vĩ đại và những gì nó đem lại thực sự vẫn chưa được giải mã hết. Đó là sự thật luôn tồn tại.