Các tỉnh tăng cường nỗ lực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT – Sáng 9-6, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau xác nhận, mẫu bệnh ở xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) gởi xét nghiệm vào ngày 7-6 vừa qua cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi (DTHCP)...

Các phương tiện đường bộ lưu thông vào Cà Mau phải qua các hố khử trùng đặt tại các trạm kiểm dịch. (ẢNH: HỮU TÙNG)
Các phương tiện đường bộ lưu thông vào Cà Mau phải qua các hố khử trùng đặt tại các trạm kiểm dịch. (ẢNH: HỮU TÙNG)

Trước đó vào ngày 7-6, ngay khi phát hiện một trong hai con lợn của gia đình có biểu hiện bất thường, nghi bị DTLCP, bà Lương Thị Kiểu (ngụ xã Trần Hợi) đã báo với chính quyền địa phương nhằm có biện pháp can thiệp, xử lí. Kết quả gởi xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng Bảy trên đàn lợn của gia đình bà Kiểu dương tính với DTLCP. “Tôi nuôi có hai con, dùng thức ăn tại địa phương nhưng lợn vẫn mắc bệnh, hổng biết nguyên nhân từ đâu” – Bà Kiểu, cho biết.

Tính luôn địa bàn xã Trần Hợi thì đến sáng 9-6, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát hiện bốn ổ DTHCP trên địa bàn bốn xã thuộc bốn huyện ven biển, tổng đàn lợn đã tiêu huỷ là 116 con.

Virus DTLCP có khả năng tồn tại rất mạnh nên biện pháp an toàn sinh học vẫn là chính. Vì thế, người dân không dùng thức ăn thừa chưa qua nấu chin để cho lợn ăn; không sử dụng nước sông, rạch để tắm lợn và nấu thức ăn cho lợn. Trong sử dụng thức ăn tổng hợp, bà con cũng không mua thức ăn trôi nổi, bởi thức ăn này có thể được lấy lại từ vùng có dịch bệnh – ông Nguyễn Thành Huy, khuyến cáo.

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang khẩn trương thực hiện các giải pháp đồng bộ, cấp bách nhằm khống chế và hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh đã khép kín vành đai chống dịch, qua đó kiểm soát và vệ sinh, tiêu độc gần như 100% lượng phương tiện đường bộ khi lưu thông vào tỉnh Cà Mau, kể cả phương tiện có hoặc không có vận chuyển gia súc, gia cầm.

Mặc dù rất quyết liệt trong công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán thịt lợn nội địa, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, qua kiểm tra gần đây tại một số điểm có dịch, vẫn còn trường hợp hộ dân không biết gì về DTLCP, và cũng không biết các biện pháp phòng chống dịch, mặc dù cán bộ cơ sở vẫn vào phun hoá chất đều đặn. “Điều này thật khó tin nhưng có thật, chứng tỏ một số nơi ở cơ sở không thực hiện nghiêm, không làm tốt công tác chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là công tác tuyên truyền” – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, quan ngại.

Từ thực tế còn tồn tại ở cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống DTLCP các cấp trong tỉnh, nhất là những người đứng đầu từng ngành, từng địa phương tăng cường kiểm tra sát xao, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và chịu trách nhiệm trước cấp trên một khi để dịch bùng phát.

* Ngày 8-6, tại tỉnh Trà Vinh, cơ quan chức năng xác nhận xuất hiện thêm bốn ổ dịch tả lợn châu Phi.

Các tỉnh tăng cường nỗ lực phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

(ẢNH: ĐẶNG VĂN BƯỜNG)

Tại xã Huyền Hội, huyện Càng Long, dịch bệnh phát triển ra thêm hai ổ dịch mới tại hai hộ ở ấp Cầu Xây với số lượng 26 con. Dịch bệnh lan đến huyện Cầu Ngang, hai ổ dịch mới: tại ấp Thuận Hiệp, xã Thuận Hòa 23 con và tại ấp Long Hanh, xã Long Sơn 24 con. Dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng.

Ngày 03-6, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở tỉnh Trà Vinh được ghi nhận tại hộ bà Lê Hồng Dân, ấp Giồng Mới, xã Huyền Hội, huyện Càng Long; với tổng đàn 15 con lợn.

Nhằm phục vụ việc bắt giết động vật trước khi tiêu hủy khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, UBDN tỉnh Trà Vinh đã chấp thuận chủ trương cho Sở NN-PTNT tỉnh sử dụng kinh phí sự nghiệp của ngành gần một trăm triệu đồng để mua chín máy bắt, giết động vật tự động.

* Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Trà Vinh

* Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở các địa phương