Các thị trường mới nổi lên cần chuyển trọng tâm sang hướng nội

Các thị trường mới nổi lên cần chuyển trọng tâm sang hướng nội

Raghuram Rajan từng sang thăm Việt Nam hồi tháng 9-2006 với tư cách Cố vấn kinh tế, Giám đốc Viện Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và nêu nhận xét cho rằng, với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, Việt Nam có thể được coi như một nền kinh tế mới nổi lên ở châu Á.

Bài báo viết: Rất nhiều nhà bình luận kinh tế đang mong chờ các thị trường mới nổi lên thực hiện được tăng trưởng nhu cầu quốc nội nhằm bù đắp thiệt hai do kinh tế Mỹ suy thoái gây ra. Trên thực tế, tiêu dùng quốc nội ở một số nước, kể cả Trung Quốc, hiện đang tăng lên. Đồng thời chính phủ các nước châu Á và Trung Đông cũng đang trở lại với lĩnh vực đầu tư công cộng trước đây bị coi nhẹ. Bất cứ sự tăng trưởng nào của nhu cầu quốc nội – nếu không muốn dẫn đến các kiểu thắt cổ chai (bottlenecks) và mức lạm phát cao hơn – thì tất phải kèm theo sự chuyển đổi từ kiểu hướng ngoại sang hướng nội. Điều đó có nghĩa là đồng nội tệ của các thị trường mới nổi sẽ lên giá, và trong mấy năm tới, trọng tâm sản xuất sẽ từ những hàng buôn bán (traded goods) như áo dệt kim và sản phẩm điện tử chuyển sang những thứ hàng không trao đổi được như bất động sản và dịch vụ y tế.

Muốn thực hiện chuyển đổi từ hướng ngoại sang hướng nội, cần thực thi nhiều chuẩn tắc quy chế hơn trước. Thị trường lao động phải linh hoạt hơn, mà nếu ngành kinh doanh những thứ hàng không trao đổi muốn đạt được tăng trưởng và có lãi thì phải hủy bỏ sự quản chế kiểm soát thị trường sản phẩm. Cùng với việc ngày càng có nhiều nguồn vốn đổ vào lĩnh vực nhà đất, ngành tài chính tiền tệ cần phải rất thận trọng nhằm tránh tình trạng sau thời kỳ phồn vinh thì lại rơi vào cảnh ảm đạm suy thoái. Điều đó có nghĩa là phải tiến hành nhiều cải cách hơn và giám sát sít sao hơn. Sau cùng, chính quyền cần đáp ứng nhu cầu lớn hơn của đầu tư công, dưới điều kiện không vi phạm kỷ luật tài chính.

Trong vài năm tới, tăng trưởng tương đối cao của các thị trường mới nổi lên sẽ làm cho các thị trường này có sức thu hút lớn hơn các nước công nghiệp; các nhà đầu tư sẽ chuyển tiền vốn vào đây, nhất là đầu tư vào các ngành hàng không trao đổi được. Điều đó sẽ gây khó khăn cho ngành tài chính và ngân hàng nhà nước của các thị trường mới nổi lên. Một mặt do đồng nội tệ có giá quá cao nên các cố gắng chuyển đổi chiến lược từ hướng ngoại (dựa vào xuất khẩu) sang hướng nội (dựa vào nhu cầu quốc nội) sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, việc can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm hạ giá đồng nội tệ sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát.