Các nước châu Âu đối phó cháy rừng và lũ lụt

Theo Roi-tơ, Thống đốc vùng Can-ta-bri-a (Tây Ban Nha) thông báo tốc độ gió 80 km/giờ đã làm bùng lên 70 đám cháy rừng trong khu vực. Theo đó, tình hình cháy rừng rất khẩn cấp và phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ quân đội. Vùng A-xtu-ri-a lân cận cũng thông báo xảy ra 20 đám cháy.

Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha cho biết, nước này đã phải triển khai ba chiếc máy bay phun nước để dập các đám cháy rừng ở miền bắc và trung đất nước do lượng mưa thấp và thời tiết ấm bất thường. Cháy rừng đã phá hoại 54.000 ha đất nông nghiệp và đất rừng tại Tây Ban Nha trong năm 2015.

* Tại Anh, Chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn thảo luận về tình hình lũ lụt lịch sử đang gây hỗn loạn tại miền bắc xứ Inh-lân và xứ Uên ngay trong kỳ nghỉ năm mới. Theo đó, thêm 200 binh sĩ được huy động để bổ sung cho 300 quân đã được triển khai tại vùng thiên tai, hàng trăm nhân viên cứu hộ được đặt trong tình trạng báo động cao. 1.000 binh sĩ dự bị cũng sẵn sàng cho tình huống xấu. Nguy cơ ngập lụt đe dọa các thành phố công nghiệp Lít, Man-che-xtơ và các vùng lân cận.

* Giới chức các bang Mít-xu-ri và Niu Mê-xi-cô (Mỹ) đã ban bố tình trạng khẩn cấp do mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng. Thống đốc bang Tếch-dớt tuyên bố Đa-lát cùng ba khu vực lân cận là khu vực thiên tai. Số người thiệt mạng trong các đợt mưa bão và lốc xoáy tại khu vực miền nam nước Mỹ lên tới ít nhất 43 người.

* Mưa bão tại châu Mỹ diễn biến phức tạp: Trong khi đó, tại khu vực Nam Mỹ, mưa lũ lớn kéo dài trong nhiều tuần kèm theo lở đất khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 170.000 nghìn người phải đi sơ tán. Đây là trận lũ lụt lịch sử trong 50 năm gần đây, do hiện tượng khí hậu En Ni-nô gây ra. Pa-ra-goay là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đợt thời tiết cực đoan này với bốn người thiệt mạng, hơn 140.000 người phải bỏ nhà cửa đi tránh lũ.