Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất là một dạng thiên tai tuy không thường xuyên xảy ra như bão, lũ, nhưng những tác hại thì vô cùng lớn, cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Một số thảm họa trận động đất đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhân loại.
Tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác, nhưng theo các tài liệu lịch sử cũng như các nghiên cứu cho thấy, mối hiểm họa không phải là hiếm. Theo ghi nhận từ mạng lưới đài trạm địa chấn quốc gia cho thấy, đã có hơn 400 trận động đất có độ lớn hơn 2,5 và rất nhiều những trận động đất nhỏ xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Đặc biệt trong thời gian ngắn vừa qua, từ tháng 7/2019 đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất có độ lớn hơn 2,5 xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là: trận động đất ngày 25/11/2019 có độ lớn M=5,4 tại Cao Bằng; trận động đất ngày 16/6/2020 có độ lớn M=4,9 tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu và trận động đất ngày 27/7/2020 có độ lớn M=5,3 tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Động đất và các dư chấn của các trận động đất đã gây ra sự dịch chuyển đột ngột của mặt đất, những tiếng nổ lớn, kèm theo hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống làm hư hại một số công trình của nhà dân, đơn vị... Người dân hoang mang, lo lắng, xáo trộn cuộc sống, nhiều nơi người dân phải sơ tán ngủ tại ruộng, nương, không dám ngủ trong nhà. Tại Thủ đô Hà Nội, do ảnh hưởng của các trận động đất này, nhiều nhà cao tầng bị rung lắc nhẹ làm nhiều người hoảng sợ.
Cung cấp bức tranh toàn cảnh về mức độ nguy hiểm động đất tại các vùng lãnh thổ của Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực Tây Bắc có độ nguy hiểm động đất cao nhất, thứ hai là khu vực Bắc Trung Bộ, thứ ba là khu vực Đông Bắc, thứ tư là khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ và Khu vực Đông Nam Bộ, thứ năm là khu vực đồng bằng sông Hồng. Khu vực miền Tây Nam Bộ có độ nguy hiểm thấp nhất cả nước.
TS Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, sau các trận động đất xảy ra đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết trong cộng đồng về các kỹ năng nhận diện, ứng phó, tự bảo vệ bản thân. Nhận thức của người dân về động đất đã có những tiến bộ rõ nhờ các phương tiện thông tin phát triển, tuy nhiên những nguồn thông tin không chính thống đã gây ra nhiều hiểu lầm, hiểu sai các thông tin thông báo của cơ quan chuyên môn khiến cộng đồng càng thêm hoang mang.
Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra nếu bảo đảm tính bền vững của các công trình xây dựng và tăng cường hiệu quả giáo dục về các biện pháp phòng, tránh rủi ro động đất cho cộng đồng. Trong đó, tuyên truyền đến người dân để họ nắm được những kỹ năng cơ bản trong phòng, tránh và giải quyết hậu quả do động đất gây ra là hết sức quan trọng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã chia sẻ các kỹ năng phòng, tránh rủi ro động đất. Theo đó, trước động đất, người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng…; học cách bật, tắt ga, điện, nước. Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu kệ trên giường hoặc đèn treo trên trần nhà có thể rơi xuống đầu, cần chui xuống gầm giường hoặc là di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi đã an toàn thì ra ngoài.
Đặc biệt, không sử dụng thang máy, nên sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu không may động đất xảy ra khi đang ở trong thang máy, cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ. Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất .
Sau động đất, người dân cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng. Nếu bị kẹt trong đống đổ nát, cần gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ…
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần là tổ chức duy nhất ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được phép báo tin động đất và cảnh báo sóng thần trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và những vùng có nguy cơ gây ảnh hưởng tới Việt Nam.
Với 13 năm hoạt động, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã khẳng định vai trò của mình như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do động đất và sóng thần trên toàn đất nước Việt Nam. Uy tín của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cũng ngày càng được ghi nhận và đánh giá cao thông qua những đóng góp tích cực vào các hoạt động của Hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần khu vực Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).