Các Kết luận của Ban Bí thư về công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và dân số

Ngày 4-1, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành các Kết luận số 118 -KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; và số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Kết luận 118 của Ban Bí thư nêu rõ: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng; một số lĩnh vực đạt kết quả cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra; Việt Nam là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe...

Sau khi đánh giá những hạn chế, yếu kém, những mặt chậm được khắc phục và chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình hình, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ và tích cực hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết 46; tập trung vào các nội dung sau: (1). Sớm khắc phục những vướng mắc, hạn chế, yếu kém thời gian qua, bảo đảm thích ứng được với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết không để xảy ra các dịch bệnh lớn. (2). Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế (rà soát, thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo đối với tuyến trung ương và tỉnh; nghiên cứu để đổi mới, bảo đảm sự quản lý thống nhất theo ngành dọc và sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đối với tuyến huyện, xã). Tiếp tục tăng chi ngân sách nhà nước cho y tế với tốc độ cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước; ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, cho vùng khó khăn. Chính sách tài chính y tế chuyển từ sự bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước cho hệ thống y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ y tế qua bảo hiểm y tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân..., (3). Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm cho người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm quá tải bệnh viện. Sớm có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, nhất là đối với khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, sớm giải quyết tình trạng bất cập về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực y tế... (4). Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục, thông tin, truyền thông về lĩnh vực này; xử lý nghiêm những trường hợp đưa tin thiếu trung thực, sai sự thật trong lĩnh vực y tế...; tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt các chương trình dinh dưỡng, giảm tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tử vong... (5). Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế và bảo hiểm y tế, cải cách mạnh mẽ thủ tục khám, chữa bệnh nhằm giảm phiền hà cho người dân; đẩy nhanh việc đấu thầu chung thuốc và mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập; quản lý tốt hành nghề y dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý nhập khẩu thuốc, vật tư y tế và thực phẩm chức năng; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

* Về việc thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW (ngày 22-3-2005) của Bộ Chính trị khóa IX (Nghị quyết 47) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, Kết luận 119 của Ban Bí thư nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra; các chỉ báo về thể lực, trí lực và tinh thần của con người Việt Nam có tiến bộ rõ rệt... Sau khi đánh giá những hạn chế, yếu kém, những mặt chậm được khắc phục và chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình hình, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 47; trước hết tập trung thực hiện các nội dung sau:

(1). Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. (2). Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần...; thực hiện tốt các chương trình, biện pháp để nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam. (3). Duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý; bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 đến 120 triệu người từ giữa thế kỷ XXI. (4). Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng, miền... Trước mắt, ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình như hiện nay; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này. (5). Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Nhà nước chỉ bảo đảm các nội dung về truyền thông, quản lý và chi trả cho các nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội...

Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số, bởi hiện nay, Việt Nam cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.