Bài 2: Giải pháp tăng thu nhập cho lao động ngành thủy lợi
Tính đến nay, cả nước có 101 đơn vị khai thác công trình thủy lợi, trong đó có 85 công ty TNHH một thành viên, sáu ban, bảy trung tâm và ba chi cục thủy lợi làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vừa và lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng.
Nguy cơ mất an toàn hồ chứa
Cục phó Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Khanh cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ cũng như nỗ lực của các địa phương, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu mét khối trở lên đã được sửa chữa bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, qua báo cáo của địa phương và kiểm tra rà soát, cả nước còn 337 hồ chứa hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp. Bên cạnh đó, nhiều vùng hạ du đang dần hình thành các khu đô thị, thành phố khiến hành lang thoát lũ của các hồ thủy lợi bị thu hẹp lại.
Bình quân các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng mới phát huy được khoảng 80% năng lực theo thiết kế. Còn nhiều hệ thống công trình thủy lợi chưa được khép kín, hoàn thiện, thất thoát nước nhiều. Quá trình phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa gia tăng chuyện xả nước thải vào hệ thống thủy lợi làm chất lượng nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Nhiều công trình đầu tư từ những năm 1960, 1970 không đủ kinh phí để bảo trì, sửa chữa nâng cấp nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn.
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam Nguyễn Minh Huệ cho rằng, hệ thống thủy nông Đồng Cam xây dựng đã gần một thế kỷ, qua nhiều năm vận hành, khai thác, bị tác động của thiên tai làm một số công trình hư hỏng, xuống cấp; một số hồ chứa bị bồi lắng, dung tích không bảo đảm như thiết kế ban đầu. Nguồn vốn xây dựng, sửa chữa nâng cấp kênh mương và quản lý, vận hành cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và điều tiết lũ hằng năm là 3.480 tỷ đồng. Nhưng giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi vẫn “ổn định” hơn 10 năm nay.
Trong khi đó, các khoản chi phí như: Lương cơ sở, tiền lương tối thiểu vùng, tiền điện, nhiên liệu, vật liệu bảo trì, bảo dưỡng công trình... đều tăng. Điều này đã làm công ty rất khó khăn về cân đối tài chính trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, công ty có nhiệm vụ cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, doanh thu gần như 100% từ ngân sách nhà nước. Năm 2023, công ty được hỗ trợ gần 36 tỷ đồng cho dịch vụ công ích thủy lợi, trong đó chi tiền lương và phụ cấp lương gần 25 tỷ đồng, còn lại khoảng 11 tỷ đồng không đủ để vận hành, bơm tưới, bảo trì…
Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Lê Văn Hòa cho biết, năm 2022, kinh phí duy tu sửa chữa công trình của công ty có khoảng 12 tỷ đồng, trong khi nhu cầu tối thiểu là 20 tỷ đồng. Công ty phải ưu tiên các dự án khẩn cấp hoặc công trình nào hỏng mới sửa. Ông Hòa chia sẻ:
“Theo kế hoạch, một máy bơm khoảng 3.000 giờ phải sửa chữa, bảo dưỡng nhưng do thiếu kinh phí nên các máy bơm đó vẫn phải chạy khiến độ bền của máy giảm và nguy cơ hỏng cao. Chúng tôi vừa thống kê năm 2024 sẽ có 250 công trình cần duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhưng công ty chỉ phê duyệt 160 công trình vì không đủ kinh phí”. Từ năm 2015 đến nay, công ty chưa xây dựng mới được công trình nào.
Còn theo Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Kim Bảng Nguyễn Văn Tĩnh, với diện tích phục vụ gần 5.000 ha đất sản xuất, mỗi năm xí nghiệp cần hơn 10 tỷ đồng để sửa chữa nhưng năm nay chỉ được bố trí 2 tỷ đồng. Trạm bơm Quế 1 huyện Kim Bảng với chín máy được xây dựng từ những năm 1990 đến nay đang hỏng hai máy nhưng không có tiền sửa. “Nếu sửa thì cần một tỷ đồng/máy, số tiền quá lớn đối với chúng tôi. Vì vậy, trạm bơm hiện nay chỉ chạy được 60 đến 70% công suất”.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam Nguyễn Văn Chiến chia sẻ: “Với mức cấp bù miễn thu thủy lợi phí theo quy định tại Nghị định số 67/2012/NĐ-CP không đổi hơn 10 năm nay, trong khi đó các khoản chi phí hằng năm liên tục tăng, nhất là chi phí tiền lương cho người lao động trong thời gian qua chưa được cải thiện, chưa đáp ứng mức sống tối thiểu đã tác động đến đời sống người lao động”. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có bảy công ty thủy lợi, tất cả đều khó khăn.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An Tạ Duy Hiền, thẳng thắn nói: “Nguồn thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị chủ yếu từ hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Trước đây, tiền điện hằng năm của công ty chỉ từ 4 tỷ đến 5 tỷ đồng nhưng mới đây đã tăng lên 11 tỷ đồng/năm. Một số công trình trọng điểm như cống Nam Đàn, cống Bến Thủy xây dựng đến nay đã gần 87 năm, xuống cấp trầm trọng nhưng không có kinh phí để sửa chữa...”.
Sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách cho ngành thủy lợi
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Hệ thống luật pháp về thủy lợi cơ bản đầy đủ, tuy nhiên có những nội dung còn chưa phù hợp với đặc thù của ngành nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn. Trong đó như: Cơ chế giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (quy trình, thủ tục, mức), do đó khó có thể khuyến khích xã hội hóa hoặc PPP trong lĩnh vực.
Quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi nói riêng nhiều điểm chưa rõ ràng, nên việc các doanh nghiệp chủ động liên doanh, liên kết khai thác, sử dụng tài sản công rất hạn chế; pháp luật về quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước quy định rất nhiều nội dung, yêu cầu phải thực hiện nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn; việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các công trình thủy lợi còn nhiều khó khăn”.
Qua ghi nhận ý kiến từ nhiều chuyên gia, nhà quản lý hệ thống thủy lợi các địa phương, trước mắt Cục Thủy lợi cần chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức khảo sát đánh giá kết quả triển khai Luật Thủy lợi và các quy định về tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Từ đó, kiến nghị cụ thể việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó có pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá, cơ chế tài chính, pháp luật về doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp...
Bộ Tài chính cần chỉ đạo cơ quan liên quan trực thuộc đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan tới tài chính, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, cơ chế tài chính thúc đẩy cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác và xã hội hóa, PPP thủy lợi… làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật. Các công ty khai thác công trình thủy lợi cần xây dựng chiến lược và quyết liệt thực hiện đổi mới hoạt động.
Trong đó tập trung rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức doanh nghiệp bảo đảm tinh gọn, tiết kiệm, hiệu quả; đào tạo, tuyển dụng, bố trí nguồn nhân lực lao động phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển của đơn vị; rà soát các loại hình sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác nhằm tăng nguồn thu; nghiên cứu phát huy tiềm năng khai thác tổng hợp, đa mục tiêu các công trình thủy lợi giúp tăng nguồn thu, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; vận hành hoạt động của công ty khai thác công trình thủy lợi đúng nghĩa doanh nghiệp.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16/12/2023.