Các công bố quốc tế của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tăng hơn 20%

NDO -

Ngày 25-12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Giáo sư Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, năm 2020, Viện tiếp tục là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản. Số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín đạt chuẩn SCI/SCI-E tăng trưởng hơn 20%, với tổng số 2.544 công trình khoa học, trong đó số bài báo quốc tế là 1.613, tăng 36,9% so năm 2019; số bài đăng trên tạp chí quốc tế uy tín đạt tiêu chuẩn (SCIE) là 1281, tăng 44,3% so năm 2019.

Hoạt động điều tra cơ bản là một trong những thế mạnh của Viện. Các kết quả nghiên cứu đã tạo lập nền tảng khoa học cho việc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường ở những khu vực xảy ra các sự cố môi trường và phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương. 

Có thể kể đến như: Điều tra tìm kiếm một số loài thực vật có khả năng kháng virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết (khu vực miền bắc); điều tra đa dạng sinh học, đánh giá tiềm năng hoạt chất sinh học của ngành Rêu tản và ngành Rêu sừng ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam; điều tra hiện trạng phân bố và các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến tính đa dạng của các khu hệ dơi ở một số đảo và quần đảo thuộc Vịnh Hạ Long, Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ và điều tra, đánh giá đặc điểm trầm tích châu thổ ngầm khu vực cửa sông Ninh Cơ và các quá trình xói lở, bồi tụ đới bờ liên quan.

Nhờ tập trung thúc đẩy  nghiên cứu ứng dụng, năm 2020, các nhà khoa học của Viện đã được cấp 41 bằng độc quyền phát minh sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Viện đã triển khai 59 nhiệm vụ, đề tài hợp tác với các bộ, ngành và địa phương.

Các kết quả đề tài có tính ứng dụng thiết thực được chuyển giao cho địa phương, cơ sở sản xuất, như: Chế tạo sản phẩm chữa cháy khẩn cấp dạng chai ném; chế tạo và thương mại hóa sản phẩm sơn chống cháy cho bê-tông; công nghệ lọc sinh học cải tiến cho xử lý khí và mùi chứa hợp chất ni-tơ; sản xuất chế phẩm chức năng CAFETASO hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật từ cây cỏ Việt Nam,...

Bên cạnh đó, Giáo sư Châu Văn Minh chỉ ra một số tồn tại cần có giải pháp thời gian tới. Số lượng bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích của Viện tăng hằng năm, nhưng số lượng sở hữu trí tuệ được ứng dụng triển khai vào thực tiễn cuộc sống còn hạn chế.

Việc thu hút cán bộ trẻ và giỏi về Viện làm việc còn nhiều khó khăn do điều kiện làm việc và cơ chế đãi ngộ, chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình cán bộ trẻ, sử dụng hiệu quả khu ươm tạo công nghệ của Viện để tạo điều kiện hỗ trợ cho các cán bộ trẻ.

Ngoài ra, Viện đặt ra mục tiêu năm 2021, tăng số lượng bài báo, tăng chất lượng các công bố đạt chuẩn quốc tế SCI/SCI-E và Q1 theo phân loại của SCIMAGO, tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.