Khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, rất nhiều người dân nước Anh đã ca ngợi sự cống hiến của bà cho đất nước suốt 54 năm qua.
Là người lãnh đạo một nền quân chủ lập hiến lâu đời và đứng đầu các nước khối Liên hiệp Anh, trong đó có Australia, Kenya và Canada, bà còn được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. |
Trong khi đó, ở một nơi khác trên thế giới, nhà vua Nepal Gyanendra đã thu hút sự quan tâm của báo chí bởi một cách cai trị hoàn toàn khác.
Sau hai tuần diễn ra biểu tình bạo lực quy mô lớn phản đối việc nhà vua Nepal giành lấy quyền lực từ chính phủ được bầu cách đây 15 tháng, ông đã chấp nhận trao lại quyền lực cho nhân dân.
Nhưng người ta còn phải chờ xem liệu Nepal có quay trở lại nền quân chủ lập hiến một cách hoà bình hay không.
Vậy bí quyết thành công của một nền quân chủ hiện đại là gì?
Các nhà sử học gợi ý rằng bài học chủ yếu cho các hoàng gia dường như là trao quyền lực cho nhân dân càng sớm càng tốt.
Giáo sư Denis Judd thuộc trường Đại học tổng hợp Luân Đôn nói, đây là bài học mà nền quân chủ ở Anh đã học được sớm hơn hầu hết các nước khác, sau vụ hành quyết vua Charles I năm 1649.
Vua Charles I, nạn nhân đầu tiên của quyền lực nhân dân. |
Sau 11 năm gián đoạn, khi nền quân chủ đã được lập lại, hoàng gia Anh qua thời gian đã chấp nhận một vai trò chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, và như vậy hoàng gia Anh đã tồn tại được qua nhiều thế kỷ trong khi các nước châu Âu khác đã chuyển sang chế độ cộng hoà.
Ông Judd nói, người dân không chấp nhận những kẻ chuyên chế, cho dù đó là những người sáng suốt. Họ muốn có chính quyền vững mạnh nhưng họ muốn có một chính phủ mà họ có thể sa thải sau một số năm hoạt động.
Ông nói: Với một nhà vua, để thay đổi chế độ, người ta phải đợi cho đến khi nhà vua đó chết, trừ phi có một cuộc cách mạng bạo lực.
Các nhà vua Anh, cũng như giới quý tộc Anh, rất giỏi trong việc nhượng bộ và chia sẻ một phần quyền lực để duy trì đặc quyền về tài chính và địa vị.
Giáo sư luật quốc tế Surya Subedi của trường đại học Leeds, đồng ý rằng việc cố bám giữ quyền lực có thể dẫn đến sụp đổ chế độ.
Giáo sư Subedi nói, việc nhà vua Nepal Gyanendra nắm quyền trực tiếp, gây ra các cuộc biểu tình bạo lực làm chết nhiều người, là “không khôn ngoan” và đã gây thiệt hại rất lớn cho nền quân chủ nước này.
Việc nắm toàn quyền của nhà vua Gyanendra đã đảo ngược quyết định của anh trai ông là Birendra, bị hoàng thái tử lúc đó giết hại cùng cả gia đình năm 2001, là thành lập chế độ quân chủ lập hiến sau khi xảy ra cuộc nổi dậy của dân chúng năm 1990.
Vua Gyanendra nói ông phải nắm toàn quyền để dập tắt cuộc nổi loạn của quân phiến loạn, và ông cam kết làm mọi việc trước hết vì lợi ích của nhân dân.
Giáo sư Subedi nói: Ông đã hứa rất nhiều mà không thực hiện được, do vậy người dân ngày càng bị vỡ mộng. Sự tin cậy và ngưỡng mộ mà dân chúng dành cho nhà vua đã bị giảm sút nhiều.
Họ nhận thấy các nước khác phát triển thế nào, dân chúng các nước làm ăn phát đạt ra sao, và nhận ra nền quân chủ không phục vụ cho lợi ích của nhân dân, chỉ còn là một gánh nặng.
Giáo sư Judd cũng đưa ra một sự liên quan giữa sức mạnh kinh tế của đất nước và tài sản của nhà vua.
Ông nói: Nếu một nhà vua chuyên chế có thể mang lại cuộc sống tốt hơn cho thần dân của mình thì nhà vua đó có cơ hội tồn tại.
Ông đưa ra ví dụ của những ông vua ở các nước vùng Vịnh nhiều dầu lửa, những người đã biết cách làm hài lòng dân chúng bằng việc bỏ tiền xây dựng các công trình hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng.
Vua Mswati III của Swaziland. |
Trái lại, nhà vua chuyên chế duy nhất đang nắm quyền ở châu Phi, vua Mswati III của Swaziland, đã bị phê phán về lối sống xa hoa với 13 bà vợ trong khi nhiều người dân còn phải sống khổ cực.
Giáo sư Judd nói các nhà vua trong các chế độ quân chủ lập hiến ở châu Âu có lẽ là những người thành công nhất trong việc thích ứng với yêu cầu hiện đại bằng việc tách ra khỏi di sản dòng dõi của mình.
Ông nói, nhiều thành viên hoàng gia ở châu Âu còn làm những công việc tương đối bình thường, và một xu hướng gần đây của các hoàng tử là cưới vợ thuộc tầng lớp bình dân, thể hiện một cái nhìn thực tế về tương lai.
Thái tử Na Uy Prince Haakon phá vỡ truyền thống hoàng gia, cưới một phụ nữ đã có con. |
Đôi khi những sự thay đổi của chế độ quân chủ là do các yếu tố bên ngoài chứ không phải là yếu tố bên trong.
Năm 1947, hiến pháp Nhật Bản, được soạn thảo sau chiến tranh thế giới thứ hai dưới sự chỉ đạo của lực lượng quân đội chiếm đóng Mỹ, quy định hoàng đế Nhật Bản chỉ được giữ một vai trò hoàn toàn mang tính lễ nghi.
Việc này xảy ra một năm sau khi hoàng đế Hirohito tuyên bố trước công chúng rằng ông cũng là người bình thường chứ không phải là thần thánh gì cả.
Tiến sĩ Hiroko Takeda thuộc trường đại học Sheffield nói: Một số người đã cảm thấy rất khó chấp nhận điều đó.
Người dân Nhật Bản hy sinh trong cuộc chiến tranh vẫn tin rằng nhà vua của họ là thần thánh.
Tiến sĩ Takeda nói thêm: Đám cưới của hoàng thái tử năm 1959, tức nhà vua Akihitô hiện nay, với một phụ nữ ngoài hoàng tộc, và xu hướng hiện đại hoá gia đình hoàng tộc diễn ra sau đó đã khiến người dân Nhật Bản quen dần với sự thay đổi này.
Nhưng có lẽ các nhà vua nên nhìn vào Thái-lan như một trường hợp điển hình của việc duy trì chế độ quân chủ lập hiến một cách vững chắc.
Nhà vua trị vì lâu nhất thế giới, vua Bhumibol Adulyadej sẽ kỷ niệm 60 năm lên ngôi vào tháng sáu tới, được đông đảo người dân Thái-lan kính trọng.