Cà Mau lan tỏa yêu thương mùa “đại dịch"

Những lúc khó khăn, ngặt nghèo…, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc lại tỏa sáng. Tại vùng đất cuối cùng cực nam tổ quốc, những việc làm san sẻ yêu thương trong mùa đại dịch làm lay động lòng người…

Các phần cơm “O đồng” hoàn thành vào 10 giờ 26 phút sáng 10/7.
Các phần cơm “O đồng” hoàn thành vào 10 giờ 26 phút sáng 10/7.

Những phần cơm san sẻ yêu thương

Sáng 13/7, nằm heo hút trong trục đường 19 tháng 5 (phường 8, TP Cà Mau), dân trong vùng thấy xuất hiện điểm phát cơm từ thiện, tên gọi “Bếp ăn 0 đồng”.

Ở đó, nhóm bạn trẻ, đoàn viên, giáo viên… cùng chí hướng đang cặm cụi vô bọc từng xuất cơm miễn phí cho dân nghèo tại địa phương. Đây cũng là ngày đầu tiên nhóm bạn trẻ thực hiện công việc nêu trên, với tổng số khoảng 250 phần cơm.

Cà Mau lan toả yêu thương mùa “đại dịch”… -0
Lực lượng tình nguyện “Bếp ăn 0 đồng” đóng hộp đồ ăn miễn phí trước khi chuyển đến người dân. 

Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, UBND phường 8 huy động lực lượng tình nguyện đến “Bếp ăn 0 đồng” nhận cơm, rồi toả ra nhiều hướng để chuyển đến tận nhà cho người dân. Các đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do mất việc, hộ gia đình cách ly y tế có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Tiếp nhận phần cơm nghĩa tình từ “Bếp ăn 0 đồng”, cụ bà Trần Thị Cúc, 76 tuổi, sống neo đơn ở khóm 1, mừng như gặp lại người thân: “Lúc khó khăn thế này mà các cháu nấu cơm mang đến tận nhà tôi rất cảm động”.

Gần đó, cụ bà Nguyễn Thị Liên, 70 tuổi, bị khuyết tật ngồi xe lăn, cũng nhận được phần cơm đầu tiên từ “Bếp ăn 0 đồng”. Cụ Liên xúc động: “Mấy ngày nay tạm ngưng đi bán vé số nên không có thu nhập, đang lo cái ăn thì các cháu mang cơm đến. Quý lắm các cháu ơi, một nắm khi đói bằng một gói khi no”.

Để hoàn thành 250 phần cơm cấp phát cho dân nghèo trong sáng 13/7, nhóm bạn trẻ đến từ Đoàn cơ sở Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương chi nhánh Cà Mau phải chuẩn bị từ chiều tối đến khuya hôm trước. Các em phân loại, sơ chế trước những thực phẩm tiếp nhận từ các nhà hảo tâm. 5 giờ sáng hôm sau, các em chia nhau các phần việc chế biến.

“Bạn thì xào rau, cũ, bạn thì lo nấu cơm, bạn chuyên kho thịt, số khác thì rót gia vị bỏ vô bọc… Nhờ phân vai từ trước nên các phần việc “chạy” trơn chu” - Bí thư đoàn Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau, Trịnh Huỳnh An, chia sẻ và cho biết: “Bếp ăn 0 đồng” duy trì vào thứ 3 và 5 hằng tuần, mỗi lần từ 200-250 phần cơm miễn phí. Khi có thêm nguồn hỗ trợ sẽ nâng công suất lên từ 300-350 phần cơm, góp phần san sẻ yêu thương đến những gia đình khó khăn đang trật vật xoay xở do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chủ tịch UBND phường 8 Trần Quang Vinh, thông tin: “Để bảo đảm đúng đối tượng, chúng tôi rà soát từng hộ gia đình thường trú, tạm trú ở các khóm, sau đó lên danh sách có địa chỉ rõ ràng. Các phần cơm miễn phí được lực lượng tình nguyện là các đoàn thể tại địa phương tiếp nhận, sau đó vận chuyển đến tận nhà dân, nhằm bảo đảm công tác phòng dịch, không tụ tập đông người”.

Lan tỏa tinh thần tương thân tương ái

Cà Mau lan toả yêu thương mùa “đại dịch”… -0
 Lực lượng tình nguyện chia nhau vận chuyển các phần cơm “0 đồng” đến dân nghèo địa phương.

Ngoài “Bếp ăn 0 đồng” đi vào hoạt động sáng 13/7, đại diện chính quyền phường 8 cho biết, UBND phường sẽ đưa vào một bếp ăn từ thiện vào 14/7, đặt tại Điểm trường Mầm non Hoa Mai (khóm 1, phường 8), quy mô khoảng 300 suất cơm miễn phí/ngày.

Các phần cơm sẽ được lực lượng tình nguyện mang đến tận nhà cấp phát cho người dân, nhằm chia sẻ khó khăn đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lao động mất việc trên địa bàn  TP Cà Mau.

Tinh thần “nhường cơm sẻ áo” được nhân dân Việt Nam duy trì qua nhiều thế hệ cho đến nay. Tinh thần ấy càng được hun đúc, phát huy cao độ trong những lúc khó khăn, ngặt ngèo. Nhân dân Cà Mau ở nơi tận cùng cực nam Tổ quốc cũng không ngoại lệ.

Trong mùa dịch Covid-19 và ảnh hưởng bởi hạn hán, bão lũ năm 2020, ngoài hỗ trợ tiền, có rất nhiều tấn hàng hóa, quần áo, nhu yếu phẩm đã được các nhà hảo tâm quyên góp, vận động rồi chuyển đến đồng bào miền trung.

Tại địa phương, một số cây “ATM gạo” cũng được ra đời, cấp phát miễn phí đến người dân đang gặp khó. Trong đó, “ATM gạo” đầu tiên xuất phát từ UBND phường 8.

Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau Tăng Vũ Em, cho biết: Không chỉ phường 8 mà trên địa bàn TP Cà Mau đã hình thành khá nhiều bếp ăn từ thiện kiểu “0 đồng”. Bà con gom góp tiền, nhu yếu phẩm rồi bỏ công chế biến, sau đó mang đến cấp phát cho những người đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. “Trong sáng 13/7, bên phường 5 cũng có một bếp ăn từ thiện đi vào hoạt động, do gia đình hộ dân phát tâm, đã phát được hơn 70 suất cơm miễn phí cho người nghèo” - đồng chí Tăng Vũ Em, chia sẻ.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo vệ an toàn sức khoẻ cho người dân và cộng đồng. Chung tay trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặt” ấy là sự hưởng ứng tích cực từ các đoàn thể xã hội, các tổ, cá nhân và các nhà hảo tâm.

Bởi thế, mới có chuyện cụ bà ở miệt rừng U Minh đập heo đất để dành lâu ngày của mình ủng hộ hết cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 của tỉnh. Đó cũng là nghĩa cử cao đẹp của các cụ già neo đơn sống nương nhờ tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, dành phần lớn tiền tiết kiệm để ủng hộ Quỹ vaccine.

Trong khi đó, Hội phụ nữ các cấp thì quyên góp tiền mua vãi, bỏ ngày công may khẩu trang cấp phát miễn phí cho dân nghèo. Còn tổ chức đoàn nhiều nơi trong tỉnh Cà Mau thì góp tiền mua vật liệu làm khẩu trang kiếng chống giọt bắn để cấp phát miễn phí cho lực lượng phòng, chống dịch ở cơ sở…

Gần đây hơn, một nhóm chị em phụ nữ ở xã Tạ An Khương Nam (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) tự đi giăng lưới, gom được hàng trăm cân cá tươi, sau đó bỏ ngày công chế biến được hơn 100kg cá khô và đóng gói gởi lên cho công nhân nghèo tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang bị ảnh hưởng vì nhà máy tạm ngưng hoạt động.

Bằng nhiều cách thức và hành động khác nhau, nhân dân Cà Mau đang chung tay, góp sức cùng chính quyền địa phương và cả nước sớm vượt qua đại dịch.

Những việc làm đã qua tuy nhỏ nhưng rất thiết thực, đặc biệt vào những lúc khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái từ nghìn đời nay của dân tộc Việt Nam  - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau Phan Mộng Thành, chia sẻ.

"Sau phường 8, chính quyền  TP Cà Mau sẽ triển khai tiếp mô hình bếp ăn từ thiện kiểu “0 đồng” ở phường 6 và xã An Xuyên, với khẩu hiệu: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu đã ổn xin nhường lại cho người khó”. Để các “Bếp ăn 0 đồng” duy trì hoạt động hiệu quả, chính quyền TP Cà Mau và những người làm công tác từ thiện rất mong sự chung tay kết nối của các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ nhu yếu phẩm: Gạo, rau cũ quả, gia vị và cả khẩu trang, nước khử khuẩn."

Phó Chủ tịch UBND  TP Cà Mau Tăng Vũ Em

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19