Vài tuần trước, sau khi nhận được phản ảnh của báo chí về hiện tượng tràm trồng mới sau khác thác của hộ dân trên địa bàn xã Nguyễn Phích chết hàng loạt, bất thường, nghi giống kém chất lượng…, lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cử ngay đoàn công tác xác minh thực tế, đã có kết quả báo cáo với UBND tỉnh.
Kết quả xác minh khẳng định: Vụ mùa 2015, hộ dân trên địa bàn xã Nguyễn Phích phải thực hiện trồng rừng 150 ha. Đến giữa tháng 10 vừa qua, đã trồng được 63% diện tích. Trong đó, tỷ lệ cây còn sống (tỷ lệ hình thành rừng) đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ cây chết từ 10-15%. Nguyên nhân chủ yếu nắng nóng bất thường.
Đoàn công tác tìm đến tận hai hộ dân mà một số báo phản ảnh nhận tràm về trồng nhưng tràm bị chết. Với hộ ông Huỳnh Văn Huối (ấp 20, xã Nguyễn Phích), rừng tràm gia đình ông đã trồng được năm năm. Và trong năm 2015 này, ông Huối không có khai thác rừng nên không có diện tích đất trống để trồng lại rừng. Còn hộ ông Trần Văn Tý (cùng ấp với ông Huối), có khai thác rừng hai héc ta tràm trong năm 2015, và diện tích phải trồng lại rừng sau khai thác (sau khi trừ diện tích kênh, mương) là 1,75 ha. Ông Tý có hai lần nhận cây giống, tổng cộng 400 bó tràm (tương đương 40.000 cây).
Thời điểm đoàn công tác của Sở NN&PTNT xuống xác minh, ông Tý đã trồng được 1,12 ha (tương dương 270 bó tràm giống), tỷ lệ cây sống đạt khoảng 85%. 130 bó tràm còn lại chưa trồng, ông Tý bỏ cặp bờ kênh lâu ngày, không biết cách bảo quản nên cây giống giảm chất lượng, không bảo đảm cho việc trồng rừng.
Một số báo dẫn lời ông Huối và ông Tý nhận tràm về trồng và sau khi trồng thì cây chết hàng loạt là không đúng. Riêng việc UBND xã sợ dân dùng hết tiền, giữ lại tiền cây giống của một số hộ dân sau khi khai thác rừng là có – ông Lê Văn Hải khẳng định. Ông này cũng cho biết thêm: Trong báo cáo về Sở NN&PTNT và UBND tỉnh, có đề nghị UBND xã Nguyễn Phích ngưng ngay việc giữ lại tiền cây giống của hộ dân trồng rừng, để người dân tự chủ trong việc lựa chọn cây giống, loại hình trồng rừng; chủ động phối hợp các ngành chức năng có kế hoạch hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ để người dân trồng rừng đạt tỷ như mong muốn.