Buồn vui "Kẻ chợ"

Thật ra thì thành ngữ "dân kẻ chợ" hay "người kẻ chợ" hình thành bởi cách gọi của những người lạ lẫm từ xa đến Hà Nội. Dĩ nhiên thế. Chẳng người Hà Nội nào tự gọi mình như vậy, kể cả những người ngồi chợ bán hàng trải qua nhiều đời. Dù không hẳn một định nghĩa, nhưng gọi ai là "dân kẻ chợ" cũng gần như ám chỉ họ là người buôn bán, tháo vát nhưng ít học.

Tiết mục văn nghệ dân gian tại sân khấu chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Ảnh: HOÀNG MINH
Tiết mục văn nghệ dân gian tại sân khấu chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Ảnh: HOÀNG MINH

Mảnh đất Thăng Long từ ngàn xưa đã có tên gọi là "Kẻ chợ". Tên gọi này xuất phát từ nghĩa đen là nơi quanh năm chợ búa buôn bán mà thôi. Dấu vết của nó cho đến bây giờ vẫn còn ở tên gọi hơn 50 con phố trong nội thành bắt đầu từ chữ "Hàng". Những Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Điếu, Hàng Thùng, Hàng Gà, Hàng Cót... từng con phố ấy bắt đầu có tên gọi bởi nó gắn liền với từng phường, hội kinh doanh, sản xuất cụ thể. Truyền thống đặt tên phố như vậy còn tiếp diễn cho đến tận năm Ất Dậu (1945) bằng con phố có tên Hàng... cuối cùng ra đời là phố Hàng Cháo. Năm đói, người ở mạn Phủ Lý, Hà Nam kéo nhau ra Hà Nội làm thuê khá nhiều. Vài người tháo vát mua dụng cụ nấu cháo bày bán ngay trên phố cho người lao động. Tên phố Hàng Cháo từ đấy mà ra và còn lại cho đến hôm nay.

Trải qua nhiều trăm năm Hà Nội, chữ "Kẻ chợ" giờ đây gần như không còn ai dùng nữa. Hà Nội trong khoảng gần trăm năm nay không chỉ là nơi buôn bán đơn thuần mà đã trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Nó cũng là nơi tập trung của nhiều ngành nghề sản xuất và nhiều hoạt động văn hóa, khoa học. Thế nhưng nếu hiểu chữ "Kẻ chợ" như là nơi tập trung chẳng thiếu thứ gì thì Hà Nội vẫn đúng là như vậy.

Mảnh đất nào thì cũng vậy thôi, nó phải phục vụ lợi ích của con người. Cái hạt nhân cơ bản của đất là con người phải tìm cho ra cách ứng xử với nhau và với chính mảnh đất ấy. Người Hà Nội có lợi thế hơn người những nơi khác là đã trải qua hơn một nghìn năm đô thị. Kinh nghiệm ứng xử tích lũy dày dặn qua mười thế kỷ như vậy không dễ gì cho ta nắm bắt được trong thời gian ngắn. Đã thế, những biến chuyển của lịch sử lại đặt ra yêu cầu thay đổi hằng ngày. Có những thay đổi đến tận gốc rễ như sau năm 1954, cuộc cải tạo công thương triệt để đến mức xóa bỏ hoàn toàn kinh tế thị trường. Tất cả các nhà tư sản đều mang tài sản, máy móc, nhà cửa của mình nhập vào công ty hợp doanh. Chỉ đến những năm sau đổi mới, ở Hà Nội mới chính thức bắt đầu khởi động một vòng quay mới của kinh tế thị trường.

Giống như mọi đô thị trong cả nước, Hà Nội thường xuyên tiếp nhận một lượng người nhập cư khổng lồ trong khoảng vài chục năm nay. Nết ăn, thói ở va đập hằng ngày với những điều mới mẻ. Người Hà Nội cả cũ và mới hơn có cách ứng xử nhẹ nhàng thân thiện gần như không bao giờ tạo khoảng cách. Chính vì thế dưới mắt những người mới nhập cư, họ luôn chiếm được cảm tình. Đơn giản bằng cách luôn nhã nhặn lắng nghe và đặt mình vào những hoàn cảnh tương tự. Tất nhiên cũng không thể nói rằng thái độ ứng xử ấy luôn luôn là một chọn lựa tốt. Nó sẽ không tác động trực tiếp vào những đối tượng cần phải uốn nắn. Rất dễ bị hiểu lầm, chí ít là thờ ơ với cái xấu. Câu chuyện "bún mắng, cháo chửi" gần đây xuất hiện ở Hà Nội là một thí dụ như vậy. Rất nhiều người ở nơi khác lên án mạnh mẽ cách cư xử của mấy người bán hàng thô lỗ nhưng người Hà Nội dường như lại im lặng và... chấp nhận?

Người Hà Nội sẽ nói gì khi không còn gì để nói? Mắng chửi nhau ngoài chợ trong thời kỳ kinh tế đất nước còn khó khăn đã từng là nỗi kinh hoàng của thị dân nơi đây. Ngày ấy chữ "Kẻ chợ" được gắn cho Hà Nội cũng không ngoa lắm. Chen hàng, xô đẩy, thậm chí rút guốc tiến công là chuyện xảy ra hằng ngày đã đưa văn hóa ứng xử của người Hà Nội xuống tận đáy. Nhưng rất may, hết thời đói khổ mọi việc lại quay về nếp cũ. Bây giờ rất hiếm khi nghe thấy những xích mích to tiếng ngoài đường. Ai ở Hà Nội đủ lâu sẽ tự biết cách hòa mình vào dòng chảy sinh hoạt điềm đạm của thị dân nơi đây. Thế nhưng có một việc gây nhức nhối cho "người kẻ chợ" bây giờ là cách ứng xử với thiên nhiên, với di sản văn hóa, kiến trúc.

Đầu tiên có thể nhắc tới là nạn rác thải. Không chỉ rác sinh hoạt mà đến cả rác thải từ các công trường xây dựng cũng thường xuyên bị ai đó đổ trộm trên phố. Khách vãng lai vứt rác bừa bãi trên đường, dân bản địa cũng góp phần không kém. Những công viên, vườn hoa, điểm sinh hoạt công cộng là nơi thường xuyên bị vứt rác. Ngày lễ, ngày Tết là thời điểm rác rưởi tràn ngập. Những hồ nước, mương nước, sông ngòi cũng chẳng ai tha. Người vứt rác hình như có tâm lý tùy tiện nếu như nơi đó không phải nhà mình. Và như thế Hà Nội dĩ nhiên cũng không phải của mình?

Cho nên ngoài việc vứt rác còn có chuyện lớn hơn. Đó là những công trình xây dựng không kém phần bừa bãi chỉ nhằm mỗi một mục đích kiếm chác của chủ đầu tư mà thôi. Nhiều di sản văn hóa tín ngưỡng, kiến trúc cũng được tô vẽ sửa sang tùy tiện hướng đến mục đích ngày một to lớn dị thường. Thật ngạc nhiên là chưa có một công trình kiến trúc văn hóa nào mới xây vượt qua được cả về công năng lẫn thẩm mỹ của Nhà hát Lớn Hà Nội, xây từ cách đây hơn một trăm năm (1911). Hình như "văn hóa kẻ chợ" vẫn là thành ngữ sẽ còn được dùng lâu dài nếu như mỗi người Hà Nội không tự nhìn lại mình.