Bùn phun trào Ninh Thuận không phải núi lửa bùn

NDO - NDĐT- Sau những nghi ngờ về hiện tượng bùn phun trào ở Ninh Thuận trong thời gian gần đây liên quan đến động đất, nhiều người lại cho rằng đó là núi lửa bùn. Tuy nhiên, TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) khẳng định, chắc chắn đó không phải là núi lửa bùn.

Bùn không tiếp tục phun trào

Khẳng định với NDĐT ngày 22-3, ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ - chuyên ngành, Sở KH-CN tỉnh Ninh Thuận cho biết hiện nay năm ụ bùn không còn tiếp tục phun trào nữa. Chỉ vì không may hiện tượng bùn phun trào này lại xảy ra đúng thời điểm vừa xảy ra động đất ở Nhật Bản nên gây ra những tin đồn không hay.

Theo ông Hoành, kết luận sơ bộ của sở đó là một điểm xuất lộ bùn, cần xem xét là tai biến địa chất hay là mỏ bùn khoáng xuất lộ, chứ không liên quan đến núi lửa bùn. Hiện tượng này phù hợp với đới đứt gãy kiến tạo địa chất ở Ninh Thuận.

Ông Hoành còn cho biết, Khánh Hòa cũng từng có xuất lộ bùn ở vùng gò đồi giao tiếp giữa núi và đồng bằng. Ở Ninh Thuận, bốn - năm năm trước tại xã Nhị Hà, huyện Ninh Phước cũng từng xuất lộ bùn và đến nay vẫn còn tồn tại, nhưng tỉnh vẫn chưa có điều kiện phân tích mẫu ở đây. Thêm nữa, nơi này ở xa khu dân cư nên không DN nào đầu tư khai khoáng bùn cả vì không có hiệu quả kinh tế.

Cũng theo ông Hoành, mẫu bùn ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc đang được đưa đi xét nghiệm, khoảng 10 ngày nữa sẽ có số liệu tương đối để kết luận về mặt khoa học. Hiện tỉnh đang nhờ Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước khảo sát sơ bộ và đánh giá nguồn gốc của hiện tượng đó. Nếu đây là khoáng bùn thì sẽ có ích cho nền kinh tế tỉnh nhà, nhưng muốn biết có phải khoáng bùn không thì phải phân tích mẫu, lý hóa, y sinh toàn diện thì mới biết được nó có dùng cho tắm bùn hay không.

Phun trào bùn xảy ra trên đới đứt gãy

Theo phân tích của PGS, TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch Hội Địa chấn châu Á, Tổng thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam, hiện tượng bùn phun trào này xảy ra ở nơi gặp nhau của hai đới đứt gãy: phương đông bắc tây nam và phương tây bắc đông nam. Đó là hai đới đứt gãy Biên Hòa - Tuy Hòa và đới đứt gãy Sông Ba – Nha Trang.

Các đới đứt gãy hoạt động thường kéo theo hiện tượng phun nước nóng hoặc bùn. Hiện tượng đùn đất ở đây, theo PGS Triều đã xảy ra từ thời Pháp thuộc. Báo chí thời đó từng đưa tin về việc hình thành những ụ đất. Trên đới đứt gãy này cũng có các suối nước nóng như Bình Châu, Thạch Bích…

Vì hiện tượng bùn phun trào lần này xảy ra cách Hòn Tro, một nơi từng xảy ra núi lửa bùn vào năm 1923, không xa. Cách đây không lâu, ở Kon Tum đã có hoạt động phun trào của tro khí. Nên PGS Cao Đình Triều cho rằng cũng cần xem xét hình thái cấu trúc của năm hố bùn xem nó có tạo ra hình tròn không và đất ở xung quanh có nâng theo kiểu dạng vòm không thì mới nghĩ đến hoạt động của núi lửa bùn. Còn nếu các hố bùn nằm ở dạng tuyến, hoặc không có biểu hiện hoạt động mạnh, nâng lên dạng vòm thì chắc chắn đó chỉ là hoạt động của đới đứt gãy, không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, người dân không nên làm nhà trên khu vực này. Ông Nguyễn Hoài Quốc, Phó phòng quản lý khoa học, Sở KH-CN Ninh Thuận cho biết, địa phương đã khoanh vùng cảnh báo cho bà con không được đi vào vùng đó.

Núi lửa bùn thường gắn với động đất

Khẳng định đây không phải hoạt động của núi lửa bùn, cũng không liên quan đến động đất được TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đưa ra một cách khá chắc chắn, dựa trên những số liệu đo đạc của Viện tại Ninh Thuận.

“Tôi cho rằng hiện tượng bùn phun trào ở Ninh Thuận không liên quan đến động đất, vì bùn phun trào đã xảy ra nhiều ngày nay rồi thì phải quan sát được động đất ở khu vực đó, nhưng các trạm đo động đất của Viện Vật lý địa cầu chúng tôi không ghi nhận được động đất ở đây mà lại ghi được ở ngoài khơi Phan Thiết, cách đó hàng trăm cây số”, ông nói.

Thêm nữa, “đã là núi lửa thì bao giờ cũng liên quan đến động đất lớn hay nhỏ. Quá trình núi lửa hoạt động thì các dung nham đi từ dưới đi lên, khi đi lên thì nó sẽ phải phá lớp đất đá rắn ở bên trên, chắc chắn sẽ gây ra động đất, chứ không thể chảy ri rỉ như mạch nước được. Núi lửa phun trào kinh khủng lắm”.

Khi phun nó gây ra những tiếng nổ rất lớn, ngay cả những núi lửa đã có họng sẵn rồi, áp lực bên trong nó sẽ đẩy lên như nút chai, khi đun nóng chai lên thì phải bung nắp vậy.

Di chuyển của núi lửa bùn bao giờ cũng kèm theo động đất, không chỉ một trận động đất mà rất nhiều trận khác nhau bởi vì bùn đó từ dưới sâu đi lên thì liên tục gây ra động đất, nếu quan sát động đất lúc đó sẽ thấy tâm chấn của nó nông dần đi, đi theo vị trí của dung nham.

Với hiện tượng ở Ninh Thuận, phải xem bùn ở đó có nóng hay không, nhiệt độ tăng lên không, có khác với thành phần đất đá ở xung quanh hay không. Nếu có những khác biệt thì phỏng đoán xem nó từ dưới sâu đi lên hay chỉ là hoạt động bề mặt. “Theo phán đoán của tôi, có thể điều kiện địa chất thủy văn thay đổi, nước luân chuyển, tạo ra đất đá, bùn và đến chỗ đó có điều kiện thuận lợi thì đẩy bùn nước ra, chứ không hề liên quan đến động đất hay núi lửa bùn”, ông Minh kết luận.


 

Núi lửa bùn tại Hòn Tro năm 1923: Lịch sử ghi lại rằng: Ngày 15-2-1923, nhiều vùng thuộc cù lao Hòn (Phan Thiết) bị chấn động mạnh, nhà cửa nghiêng ngả, người đứng không vững. Những chấn động này kéo dài một tuần liền. Sau đó, khi đi ngang qua cù lao này, thủy thủ trên tàu Vacasamaru của Nhật phát hiện một đám khói đen dựng đứng, kèm theo một cột hơi dày đặc bốc cao hơn 2.000 m cùng với những tiếng nổ mạnh phát ra từng đợt. Ngày 8-3 năm đó, cù lao Hòn phun ra những chất màu xám đen, xám nhạt gồm hơi nước, bùn và đất. Trước mỗi đợt phun, nhiều tiếng nổ phát ra như bom và hỗn hợp bùn đá bật lên sáng lóa. Ngày 15-3-1923, núi lửa đã ngừng phun nhưng hòn đảo còn nóng âm ỉ và đến ngày 20-3-1923, động đất xảy ra, núi lửa phun trở lại. Hòn đảo đó về sau người ta gọi là đảo Hòn Tro.