“Một nửa Hội đồng không đồng ý phổ biến phim…”
Thông báo của Cục Điện ảnh cho biết, ngày 5-10-2012 Công ty TNHH Hãng phim Chánh Phương gửi Cục Điện ảnh hồ sơ gồm kịch bản phim truyện và giấy tờ liên quan theo quy định của Luật Điện ảnh) đề nghị xin phép hợp tác với nghệ sĩ có quốc tịch Mỹ Charlie Nguyễn thực hiện bộ phim truyện nhựa “Bụi đời Chợ Lớn” tại Việt Nam.
Ngày 26-10-2012 Cục Điện ảnh đã có văn bản giám định kịch bản phim “Bụi đời Chợ Lớn” trả lời Công ty Chánh Phương. Kết luận của văn bản giám định cho thấy, nhà sản xuất đã đưa vào phim cảnh các băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận hàng trăm người thanh toán lẫn nhau trên nhiều đường phố, ngõ hẻm của TP Hồ Chí Minh, không có dân cư, và tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất cứ một lực lượng xã hội nào. Điều này không đúng với bản chất cuộc sống của thành phố và vi phạm một số điều trong Luật Điện ảnh. Kịch bản cũng có một số nhân vật hướng thiện, nhưng thể hiện quá nhạt nhòa, không được khai thác sâu.
Hội đồng duyệt phim cũng yêu cầu hãng phim sửa chữa kịch bản, cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ hoặc phản cảm, loại bỏ một số lời thoại thô tục, hoặc có tính chất kích động bạo lực…
Cục đã đề nghị Công ty Chánh Phương và tác giả tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa kỹ kịch bản và trình Cục Điện ảnh thẩm định lại trước khi đưa vào sản xuất. Tuy nhiên hãng phim vẫn tiếp tục tiến hành sản xuất bộ phim mà không trình thẩm định lại kịch bản theo yêu cầu này.
Ngày 19-3-2013, đơn vị đồng sản xuất bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” là Công ty CP phim Thiên Ngân đã trình bộ phim hoàn chỉnh lên Hội đồng duyệt phim Trung ương thẩm định.
Sau khi xem phim, Hội đồng khẳng định những cảnh chém giết máu me phản cảm vẫn được thực hiện. Những nội dung đã được khuyến cáo trong văn bản giám định trước đây đã không được nhà sản xuất tiếp thu, cắt bỏ và tiết chế trong kịch bản cũng như khi làm phim.
Hội đồng duyệt phim đánh giá: “Những hình ảnh và âm thanh trong phim gây kích động bạo lực đối với người xem và phản ánh không trung thực hiện thực xã hội Việt nam nói chung và đời sống xã hội của người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội đồng duyệt phim cho biết, Hội đồng duyệt phim gồm 9 người, bao gồm các nhà biên kịch, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ… Tại buổi duyệt phim, có một người vắng mặt. Trong số 8 thành viên của Hội đồng, 4 người đồng ý cho phép chỉnh sửa, biên tập, 4 người còn lại không đồng ý cho phổ biến “Bụi đời Chợ Lớn”.
“Đã cố gắng vớt…”
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát khẳng định, Hội đồng duyệt phim đã cố gắng vớt để bộ phim vẫn có thể ra rạp, khi đề nghị các nhà làm phim chỉnh sửa lại. Bà Ngát cho biết, đúng ra theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim, mỗi bản phim khi trình duyệt phải hoàn chỉnh, in nhựa, xong hoàn toàn phần hậu kỳ và phối âm thanh… Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí trong trường hợp phải chỉnh sửa, làm lại, Hội đồng đã chấp nhận duyệt bản in đĩa DVD, thậm chí có những hãng phim chỉ gửi bản bán thành phẩm, chưa xong hậu kỳ và hòa âm, cũng vẫn được Hội đồng duyệt chấp nhận.
Bà Ngát cho biết, gần đây, dư luận phản ứng nhiều về những phim hài nhảm, nhạt của các hãng phim tư nhân vẫn được duyệt phổ biến. Bà Ngát giải thích, dù biết phim nhảm và nhạt nhưng Hội đồng vẫn phải cấp phép cho chiếu bởi vì những phim này hoàn toàn không vi phạm các điều liên quan đến bạo lực, thuần phong mỹ tục trong Luật Điện ảnh. Hơn nữa, các thành viên trong Hội đồng duyệt phim đều có tâm lý muốn “vớt” phim trong hoàn cảnh điện ảnh Việt Nam đang gặp khó khăn như hiện nay, không muốn các nhà sản xuất tiêu tan hàng tỷ đồng đầu tư cho mỗi bộ phim cho nên đều gợi ý chỉnh sửa, trong khi Hội đồng chỉ có chức năng duyệt phim. Bà Ngô Phương Lan cũng khẳng định, Cục Điện ảnh khuyến khích phim sản xuất Việt Nam cho nên đã chọn giải pháp chỉnh sửa phim dựa trên yêu cầu chỉnh sửa kịch bản.
Bà Ngát nói: “Chúng tôi hết sức ưu ái phim Việt. Nếu duyệt bản đã in tráng nhựa, khi phải chỉnh sửa, cắt xén sẽ rất mất công sức và tốn kém cho nhà sản xuất. Trong trường hợp “Bụi đời Chợ Lớn, phim hầu như không có dân mà chỉ có các băng đảng hàng trăm người thanh toán lẫn nhau đẫm máu”. Bà Ngát cho rằng, phim võ thuật cũng quý nhưng phải nhân văn và phải đẹp, những cảnh đánh nhau đầy tính bạo lực như trong phim dễ gây ra phản ứng của chính quyền và nhân dân khu vực Chợ Lớn khi không phản ánh đúng thực tế hiện nay ở đó.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh nói: “Tôi không cho rằng đây là phim hành động bởi vì tràn ngập trong phim là các cảnh bạo lực, kịch bản không cân đối khi không phát triển được theo hướng nhân văn vốn tiềm ẩn trong đó. Làm phim, chúng ta nên có bản sắc, không nên bê nguyên văn hóa của những nơi khác vào, chắc chắn sẽ có những điều không phù hợp”.
Bà Ngô Phương Lan và bà Nguyễn Thị Hồng Ngát tại buổi công bố văn bản giám định về phim Bụi đời Chợ Lớn.