ND - Trên địa bàn huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có ba lâm trường là Tân Phong, Tân Thành, Hàm Yên và một trạm thực nghiệm giống cây lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy. Ba lâm trường có hơn 400 cán bộ công nhân viên, quản lý diện tích rừng hơn 20.000 ha. Xuất hiện tình trạng lấn đất rừng tới vài nghìn ha.
Những diện tích này, cũng được sử dụng để trồng rừng. Phó Giám đốc Lâm trường Tân Phong Nguyễn Duy Tính cho biết, lâm trường được giao đất rừng ở địa bàn sáu xã, trong đó năm xã thuộc huyện Hàm Yên và một xã thuộc huyện Yên Sơn. Qua số liệu rà soát chưa đầy đủ thì người dân các xã đã lấn chiếm tới gần 1.000 ha.
Xã Hùng Ðức có diện tích đất rừng bị lấn chiếm nhiều nhất. Chủ tịch UBND xã Lý Văn Kim thừa nhận, người dân đang sử dụng hơn 500 ha đất lâm nghiệp đã được giao cho Lâm trường Tân Phong. Vì sao người dân phải lấn chiếm đất rừng như vậy? Ông Kim cho biết, toàn xã có 7.994 nhân khẩu, ở 23 thôn.
Qua rà soát xã có 4.197 ha rừng sản xuất, nhưng người dân thiếu đất để trồng rừng. Trong khi đó, Lâm trường Tân Phong có hai đội Hùng Ðức A và B đóng trên địa bàn với 21 công nhân, quản lý tới 2.400 ha. Ông còn cho biết, hiện nay công nhân lâm trường khi được cơ quan giao khoán đã đi thuê dân với những cách tính rất bất hợp lý, chính vì vậy đã gây ra những bất bình trong nhân dân.
Anh Lý Văn Quý, thôn Cây Thông, bức xúc, năm 1994, gia đình anh liên doanh cùng lâm trường trồng 1ha cây keo. Tháng 11-2006 thì khai thác. Ðội Hùng Ðức đưa người vào thiết kế khai thác chỉ tính có 37 m3 cây đứng.
Thấy quá thiệt vì toàn cây to, đường vanh (chu vi) nhỏ nhất là 40cm, lớn nhất tới 120cm, nên tôi xin tự khai thác nhưng không được. Giá cũng bất hợp lý, nếu theo thị trường thời điểm đó thì thấp hơn tới vài trăm nghìn đồng/m3. Trước kia, khi bắt đầu trồng, họ chi cho dân 2 triệu đồng, nay khai thác xong, họ bảo được 39,9 m3 và chi thêm cho 4,1 triệu đồng nữa, thiệt quá!
Tương tự như anh Quý, các anh Bàn Văn Dưỡng, Triệu Văn Lượng cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cây Thông Tướng Văn Thành cho biết, cách làm của lâm trường, người dân thấy không chấp nhận được. Vì vậy bà con mới tự mua cây về trồng. Thế nghĩa là sao? Tôi hỏi.
Anh Thành trả lời: Khi lâm trường khai thác xong, người dân cứ tự lên cuốc hố, bỏ phân rồi trồng cây của mình xuống. Nhiều nhà còn chẳng đợi lâm trường khai thác xong đã lên cuốc hố xí phần, đợi khai thác xong là trồng cây ngay. Thế có nhiều người làm vậy không? Tôi hỏi. Nhiều lắm, gần hết thôn đấy, còn nhà mình vì "nể" xã nên mãi mới làm, chỉ được 0,2 ha. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở thôn Cây Thông mà ở nhiều thôn của Hùng Ðức như thôn 700, Ðèo Tế, Khuôn Ẻn,...và ở nhiều xã của Hàm Yên.
Anh Thành còn cho biết, vào vụ trồng rừng năm nay, cán bộ lâm trường vào phổ biến, nếu liên doanh thì ứng cho 1.300 cây giống, 200 kg phân vi sinh và 3,6 triệu đồng/ha, người dân tự trồng và chăm sóc, bảo vệ tới khi thu hoạch thì lâm trường lấy 50 m3. Khoán thế thì không thể nhận được, vì mỗi ha ở đây thường chỉ được 60m3, người dân nhận đất trồng rừng sống bằng gì?
Bí thư Huyện ủy Hàm Yên Trần Ngọc Thân cho biết, việc giao quá nhiều đất rừng cho các lâm trường là điều bất hợp lý, như ở xã Yên Lâm có vài nghìn nhân khẩu, nhưng chỉ có 70 ha ruộng, đất trồng màu không có, còn đất rừng đều thuộc lâm trường, khiến cuộc sống của bà con rất khó khăn. Huyện có hơn 2.000 hộ nghèo chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, trong đó nghèo vì thiếu đất sản xuất là hơn 30%. Mở mắt ra là thấy rừng, ở rừng phải sống dựa vào rừng, nhưng người dân không có đất rừng để sản xuất thì làm sao mà thoát đói, nghèo được?
Trả lời những thắc mắc của người dân, Phó Giám đốc Lâm trường Tân Phong Nguyễn Duy Tính cho biết, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra ở các đội để xem thực trạng ra sao. Còn về giá thu mua gỗ nguyên liệu là do Tổng công ty Giấy quy định, nên lâm trường không thể làm khác được. Theo ông Tính, cần tiến hành đánh giá hiện trạng đất của lâm trường, từ đó quy hoạch lại và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc quy hoạch vùng nguyên liệu để các lâm trường chủ động trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thực hiện các kế hoạch phát triển lâu dài. Nhưng một thực tế là các công đoạn trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng từ lâu đã khoán cho dân, song quyền lợi của người dân không được bảo đảm.
Vì vậy, cần phải tính toán cách thức giao đất rừng cho dân sở tại, để người dân có điều kiện phát triển kinh tế bằng chính những thế mạnh của địa phương mình. Từ đó, các lâm trường phải có cách thức liên doanh thích hợp, giữ được vùng nguyên liệu và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Vấn đề này cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.