Bức tranh "Hào" của Dương Bích Liên đang ở đâu?

Cố họa sĩ Dương Bích Liên.
Cố họa sĩ Dương Bích Liên.

Đó là Hào, một bức tranh thể hiện đầy ấn tượng bộ mặt của cuộc chiến "hủy diệt" với dã tâm của kẻ thù khi đó là "đưa miền bắc trở lại thời kỳ đồ đá". Mặt khác, tác giả cũng ngầm ca ngợi sức sống diệu kỳ của tinh thần dân tộc và con người Việt Nam. Đó là điều mà không phải người ta nhận ra ngay khi tác phẩm mới ra đời, cho nên số phận tác phẩm khá long đong...

Ra đời trên lều bạt của lính

Năm 1972, thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt nhất xuống, họa sĩ Dương Bích Liên vẽ Hào. Đây là một trong số hiếm những bức tranh vẽ về chiến tranh của người họa sĩ vốn duy mỹ và ưa vẽ thiếu nữ, phong cảnh thanh vắng.

Hồi ấy, quán bia ở phố Cổ Tân (cạnh Nhà Hát Lớn) là một nơi "giao lưu" tin tức của văn nghệ sĩ. Mấy nhà văn , nhạc sĩ như Nguyễn Tuân, Văn Cao, đạo diễn Phạm Văn Khoa nghe chuyện Dương Bích Liên mới vẽ xong bức tranh mới, bèn rủ nhau đi từ Cổ Tân về xem . Mọi người trầm trồ trước bức tranh khổ lớn (147-200cm) và ý đồ của họa sĩ. Vì lúc ấy vật liệu vẽ cực hiếm, lại được Hội Mỹ thuật phát theo "khẩu phần" nên các họa sĩ khó có điều kiện để vẽ tranh to.

Ông Nguyễn Tuân, con người lịch duyệt, thấu hiểu sâu sắc không khí văn đàn thời ấy, chỉ vào tranh nói: "Nên thêm vào cái gì đó, cho đỡ mênh mông". Rồi ông gợi ý: "Có thể là những chiếc MIG". Dương Bích Liên hiểu ngay ý nhà văn nói gì. Ông nghĩ một lúc, rồi lấy palet, pha mầu rồi vẽ tại chỗ hai quả tên lửa vào phía xa xa. Rồi ông buông bút cười, nói (bằng tiếng Pháp): "Hai quả tên lửa này là của Nguyễn Tuân, không phải của moa...".

Bắt đầu cuộc lênh đênh


Tác phẩm "Hào".

Đã thêm tên lửa vào rồi, ấy vậy mà bức Hào vẫn "trượt" khi duyệt vào triển lãm năm ấy. Nó được chở về trường mỹ thuật để mọi người "góp ý kiến phê bình"...

Phê bình xong, Hội Mỹ thuật nhắn họa sĩ đến lấy tranh về. Ông Bổng "nháy" phố Hàng Buồm đến đề nghị với họa sĩ rằng sẽ chở tranh về giúp, với điều kiện là cho ông ta mượn một thời gian để xem. Ông Liên đồng ý, thế là ông Bổng cùng người nhà đem... xe bò đến chở bức Hào về nhà.

Lúc ấy, nhà văn Tô Hoài vừa đi Nga về, có biết chuyện bức Hào. Ông đến chơi với ông Liên, tặng bạn một ít sơn trắng, rồi bày tỏ quan điểm của mình về Hào bằng việc đề nghị mua lại Hào. Ông Liên phải viết một cái giấy viết tay để ông Tô Hoài đem đến nhà ông Bổng , mới lấy được tranh về (trước đó ông Bổng không chịu trả).

Đem tranh về, ông Tô Hoài phải gác tạm trong nhà, có khi để cả trên giường vì tranh to quá, treo vướng. Đúng lúc đó ông "bạn vàng" của Tô Hoài là nhà văn Nguyên Hồng đạp xe từ Yên Thế về thăm. Thấy bức tranh, ông Nguyên Hồng khoái quá, bèn hỏi lấy lại được không. Ông Tô Hoài thấy để tranh cũng chật nhà, lại nể người bạn thân, bèn để cho Nguyên Hồng. Ông Nguyên Hồng biếu ông Tô Hoài mấy lít rượu tăm, rồi nhờ xe ô-tô của một đơn vị pháo đóng quân ở gần nhà chở về. Tối đó, hàng xóm kéo đến nhà Nguyên Hồng, vì tưởng sắp có "văn công" (bà con thấy bức tranh to, tưởng là phông sân khấu...).

Bức tranh ngự ở nhà Nguyên Hồng một thời gian, thì bắt đầu bong tróc. Vì vật liệu thiếu, nền tranh được lót quá mỏng nên sơn không "ăn" với toan. Nguyên Hồng phải đem ra sân kho HTX phơi. Sau đó, ông xuống Hà Nội, kể lại chuyện với Tô Hoài. Ông Tô Hoài bảo là thôi cứ đem quách tranh về Hà Nội "cho Liên nó sửa", chứ biết làm thế nào?! Thế là một lần nữa, ông Nguyên Hồng lại nhờ xe pháo đưa tranh từ Yên Thế về Hà Nội.

Khoảng gần năm 1975, khi sắp thống nhất đất nước, bức tranh được sửa rồi bị quên trong xấp tranh của họa sĩ đến vài năm sau. Sau giải phóng mấy năm, ông Nguyễn Trường ở phố Quán Thánh đến tha thiết đề nghị mua lại Hào. Ông Trường có đưa ra một phong bì, bảo họa sĩ rằng đây là "tháng lương của em". Nhưng họa sĩ không nhận mà bảo ông Trường đến quán của bà Xuân béo phố Hàng Buồm mua rượu Tây về uống (tiếng là rượu Tây, nhưng là rượu "tạp chủng" của các đầu bếp ở đại sứ quán rót "lận" còn thừa trong các buổi tiệc tùng, rồi trộn lẫn chai nọ vào chai kia đem bán ra ngoài. Thời đó thế đã là "sang" lắm!).

Ông Nguyễn Trường đem tranh về một thời gian thì ông Ngô Luân (là giám đốc XUNHASABA) đến chơi, thấy bức tranh bèn đo bằng gang tay, rồi gạ ông Trường mua lại tranh Hào về để "che chỗ khuỷu cầu thang nhà ông cho khỏi gió", và "thêm tý mỹ thuật" (nói thế, nhưng thực ra ông Ngô Luân biết thừa đây là tranh Dương Bích Liên).

Ông Ngô Luân mua tranh với giá 8.000 đồng và đem về để che gió ở chỗ khuỷu cầu thang thật. Sau này, có một ông đại tá kiêm tùy viên văn hóa đại sứ quán Cuba đến chơi, ông Ngô Luân giới thiệu bức tranh, bình thêm rằng đây là tranh của một họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, đội mũ sắt, thắp đèn đầu, vẽ dưới cơn mưa bom bão đạn của giặc Mỹ. Ông đại tá người Cuba thích quá, hẹn rằng nhất định phải để lại tranh này cho bảo tàng Che Guevara của Cuba. Ông Ngô Luân hứa sẽ chỉ để lại tranh này cho "nhân dân Cuba anh hùng", rồi sau đó giữ gìn bức tranh rất kỹ.

Lúc này là cuối những năm 1980, đầu 1990, tranh pháo đã bắt đầu có giá. Năm 1989, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn từng đề nghị mua bức Hào với giá 6.000 USD (một cái giá rất cao thời đó), nhưng ông Ngô Luân vẫn nhớ ông đại tá Cuba nên không bán. Vì ông đại tá Cuba không quay lại, nên năm 1995, trước khi mất Ngô Luân đành bán Hào cho một nhà buôn tranh Việt kiều ở Singapore là ông Hà Thúc Cần, với giá 15.000 USD (mất 3.000 USD phí môi giới) .

Nguyên bản tranh có ba bức, một bức phác thảo bằng pastel, một bức bột mầu, và một bức sơn dầu (bức phác thảo bằng pastel không có hai quả tên lửa) thì nay bức bột mầu đã mất. Ông Hà Thúc Cần mua được tranh Hào rồi, để ở Thủ Đức, có thể ông ta cũng từng đem bức tranh ra nước ngoài để sửa. Khoảng năm 2001 - 2002, ông Cần bị ốm. Trước khi chết, ông này bán đi rất nhiều tranh của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có bức Hào.

Theo nguồn tin từ Trần Hậu Tuấn và Nguyễn Hào Hải, hai tác giả của cuốn sách Dương Bích Liên (NXB Mỹ thuật ấn hành), thì hiện Hào đã về tay ông chủ gallery Apricot trên phố Hàng Bông. Người này cất biệt tranh, không cho ai xem, chụp ảnh, cũng không tiết lộ giá mua bao nhiêu. Năm 2003, khi đi làm cuốn sách trên, hai tác giả có đến gặp chủ gallery này, đề nghị chụp lại tranh nhưng không được chấp nhận. Bức ảnh tranh sơn dầu Hào in trong sách là chụp lại từ bộ phim Sắc vàng lặng lẽ (bộ phim nói về cuộc đời họa sĩ Dương Bích Liên), khi đó tranh còn ở nhà ông Ngô Luân.

Giới hâm mộ mỹ thuật hy vọng, tại cuộc triển lãm sắp tới về họa sĩ Dương Bích Liên, ông chủ gallery Apricot có thể thay đổi suy nghĩ và qua đó mọi người sẽ có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm lớn này của nền mỹ thuật Việt Nam.