Cho đến gần đây, lịch sử lâu nay vẫn ghi nhận việc con người bắt đầu vẽ tranh trong các hang động ở châu Âu. Điển hình là bức tranh nghệ thuật trong hang Chauvet ở Pháp có niên đại 37.000 năm.
Nhưng vài năm trước, một nhóm các nhà khoa học bắt đầu biết đến những bức tranh hang động ở Indonesia và thấy rằng chúng có tuổi đời nhiều hơn hàng nghìn năm trước.
"Bức tranh ít nhất 40.000 tuổi, đó là một khám phá rất, rất đáng ngạc nhiên", Adam Brumm, một nhà khảo cổ học tại Đại học Griffith của Úc nói. Ông và các đồng nghiệp của mình đã sử dụng kỹ thuật phân tích chuỗi uranium để xác định tuổi của các bức tranh. Bức tranh tượng trưng lâu đời nhất trong những phân tích đó là một hình ảnh nổi bật của một con bò hoang dã.
Những tác phẩm này đã được người dân địa phương trên đảo Sulawesi biết đến trong nhiều năm, nhưng người ta cho rằng chúng không thể có từ lâu đến thế.
Kể từ khi điều này được tiết lộ, nhà khảo cổ Brumm cùng với các nhà khảo cổ học Maxime Aubert và Adhi Agus Oktaviana đã tìm kiếm thêm các hình ảnh nghệ thuật trong các hang động này. Năm 2017, họ đã tìm thấy một bức tranh ngoạn mục ghi lại cảnh săn bắn trải dài khoảng 16 feet (gần 5 mét) của một bức tường trong hang động. Và sau khi thử nghiệm, họ kết luận đó là nghệ thuật tượng hình lâu đời nhất của con người hiện đại thuở ban đầu. Họ đã công bố phát hiện này trên tạp chí Nature.
Bức tranh kể lại một cuộc chiến hỗn loạn, mô tả những con trâu rừng và lợn rừng bị săn đuổi bởi những thợ săn nhỏ bé với giáo và dây thừng.
Bức tranh được tìm thấy trên đảo Sulawesi mô tả một khung cảnh phức tạp của một cuộc săn bắn. Ảnh: Nature.
"Nhân vật trong bức tranh có vẻ là con người, nhưng dường như họ có một số đặc điểm của loài động vật", nhà khảo cổ Brumm nói. Một nhân vật có cái đầu giống chim, và nhân vật khác có đuôi. Ông nói rằng những nhân vật nửa người nửa động vật này có thể báo hiệu niềm tin tôn giáo ban đầu, bởi vì chúng chỉ ra rằng con người cổ đại có thể tưởng tượng ra những điều họ chưa từng thấy.
"Chúng ta không thể biết nó có liên quan gì đến tâm linh hay không, nhưng ít nhất chúng ta có thể nói rằng những nghệ sĩ đó có khả năng khái niệm hóa niềm tin của con người vào tôn giáo, vào sự tồn tại của siêu nhiên," ông Brumm nói.
Con người hiện đại đánh giá thấp năng lực của tổ tiên
Nhà khảo cổ Brumm cũng cho rằng những khám phá ở châu Á cho chúng ta biết về khi nào và ở đâu con người bắt đầu tạo ra nghệ thuật tượng hình. Có một số thí dụ cũ hơn về việc con người tạo ra các dấu hiệu đơn giản hơn, như ngoằn ngoèo hoặc vòng tròn.
"Tôi nghĩ rằng những khám phá đã xuất hiện trong vài năm qua cho thấy sự hiểu biết của chúng ta về con người cổ xưa vẫn còn giới hạn”, ông nói thêm.
Còn bà Genevieve von Petzinger, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Victoria nói: "Tôi nghĩ chúng ta đã đánh giá quá thấp năng lực của tổ tiên chúng ta”.
Bà cho rằng những bức tranh hang động lâu đời nhất ở châu Âu và châu Á có những điểm chung. Và bà nghĩ rằng thậm chí những bức tranh cũ hơn cuối cùng sẽ được tìm thấy ở nơi cả hai nhóm có chung nguồn gốc.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng tổ tiên của chúng ta đã biết làm nghệ thuật trước khi họ rời khỏi châu Phi," bà von Petzinger phán đoán.
Mặc dù không phải tất cả mọi người trong lĩnh vực này đều đồng ý và không có nghệ thuật hang động tượng hình nào ở châu Phi lâu đời hơn các tác phẩm của Indonesia, nhà khảo cổ Brumm cũng cho rằng ông có cùng cảm giác như vậy.
Tuy nhiên, các bức tranh hang động ở Indonesia đang xuống cấp nhanh chóng và các nhà khoa học không biết tại sao. "Đó là một phần di tích rất quan trọng trong lịch sử của con người. Tuy nhiên, nó thực sự sụp đổ trước mắt chúng ta", Brumm nói.
Nhà khảo cổ Brumm và các đồng nghiệp đang cố gắng tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Ông đưa ra giả thuyết vì nhiệt độ cao hơn trong các hang động do biến đổi khí hậu đang gây hại cho bức tranh nghệ thuật. Ông Brumm cho biết sự xuống cấp đang có tốc độ khoảng một inch (2,5cm) mỗi hai tháng khiến công việc khảo sát của họ cấp bách hơn bao giờ hết.