Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh 2/9

Bức ảnh trên Báo Nhân Dân và ký ức người thợ dệt

Trong căn nhà nhỏ, ở một ngõ nhỏ thuộc đường Phan Bội Châu, thành phố Nam Định, bà Vũ Thị Bích Liên nâng niu tờ Báo Nhân Dân, số ra ngày 11/11/1970. Sau hơn nửa thế kỷ, tờ báo đã nhuốm mầu thời gian, nhưng lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm của tuổi thanh xuân đã sống, lao động và chiến đấu đầy lý tưởng của những người thợ dệt như bà.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Vũ Thị Bích Liên (thứ hai từ phải sang) trong tấm ảnh đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 11/11/1970.
Bà Vũ Thị Bích Liên (thứ hai từ phải sang) trong tấm ảnh đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 11/11/1970.

Một ngày đầu thu, trong lúc kiểm kê lại kho báo chí cũ, ông Nguyễn Phi Dũng, một doanh nhân, nhà sưu tầm báo chí có tiếng ở Nam Định ngưng tay, ngắm bức ảnh trên trang nhất Báo Nhân Dân cách đây 52 năm. Đó là ảnh bốn nữ công nhân do tác giả Ngọc Quán (VNTTX) chụp, với chú thích: “Các công nhân trẻ của nhà máy liên hợp dệt Nam Định: Vũ Thị Lưu, Trần Thị Nga, Vũ Thị Bích Liên và Trần Thị Thanh (từ trái sang phải), thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất tiên tiến. Chín tháng đầu năm nay, các chị đã dệt vượt mức gần 24.000m vải, đạt bốn chỉ tiêu tiên tiến và được tặng danh hiệu “Những con thoi nhanh nhất” của nhà máy”.

Vốn là người nặng lòng với quê hương “Thành phố Dệt Anh hùng”, ông Dũng đăng thông tin lên trang Facebook cá nhân, với mong muốn tìm được các nữ công nhân trong bức ảnh để tặng lại trang báo. “Tờ báo rất quý giá đối với tôi, nhưng tôi nghĩ còn quý hơn với các bác thợ dệt, vì đó là ký ức một phần đời của họ”, ông Dũng chia sẻ.

Rất nhanh, những người bạn trên mạng xã hội đã giúp nhà sưu tầm báo chí tìm được địa chỉ của bà Vũ Thị Bích Liên, một trong bốn nữ công nhân trong tấm ảnh. Người thợ dệt trẻ trung năm nào nay đã 82 tuổi, sống một mình nơi con ngõ nhỏ ở đường Phan Bội Châu. Ngay chiều hôm đó, ông Dũng đến thăm, trao tặng bà Liên trang báo kỷ niệm. Bà rưng rưng xúc động, chỉ vào từng người là các chị em đồng nghiệp của mình khi xưa. Thời gian trôi qua đã quá lâu, ai còn, ai mất, giờ ở đâu bà cũng không biết nữa.

Tờ báo được ông Dũng trao tặng là bản gốc. Bà Liên cẩn thận đóng khung, treo trang trọng trên tường nhà, nơi đặt chung những bức ảnh khác, là niềm tự hào một đời gắn bó với nhà máy dệt của bà.

Tuổi đã cao, mái tóc đã bạc như cước, nhưng bà Vũ Thị Bích Liên vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà kể, tấm ảnh được chụp vào thời điểm toàn công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đang ra sức lao động trong phong trào thi đua “Một triệu mét vải vì miền nam ruột thịt”, phục vụ trang phục, đồ dùng cho bộ đội ta kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong ảnh, bà cầm con thoi, giới thiệu với các chị em cùng buồng sản xuất cách bỏ thoi vào máy làm sao để bật cho nhanh. Năm ấy, bà Liên mới 30 tuổi.

Một đời gắn bó nhà máy dệt từ thuở thiếu nữ (năm 1959) cho đến năm 1996, bà đã quen với tiếng máy, tiếng thoi như hơi thở. Bà kể, chỉ sau hơn một năm làm thợ dệt, bà đã trở thành thợ chính đứng máy. Ban đầu đứng sáu máy, rồi tám máy, 10 máy…, sau có giai đoạn một mình đứng đến 30 máy dệt. Những năm 1967, 1968, ngoài bà Liên chỉ có hai người khác của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định làm được điều này. Khi ấy, mỗi ca làm 8 tiếng với bà là cuộc thử thách thật sự về sức lực và trí lực. “Chân phải thoăn thoắt bước giữa dàn máy, mỗi buổi đi bộ hơn 20km. Mắt và tay phải thật nhanh để phát hiện máy lỗi và nối sợi siêu tốc. Chậm một tí là hỏng ngay”, mắt bà Liên như sáng lên khi mô tả về công việc của mình.

Trong tiếng máy đập ầm ầm, người thợ dệt mồ hôi nhễ nhại giữa không gian đầy bụi vải, luôn phải đeo khẩu trang để phòng bệnh về hô hấp. Nhưng những ngày lao động gian khổ đó cũng là giai đoạn đáng nhớ và tự hào nhất với bà Liên. Bà từng nhiều lần đạt danh hiệu thợ giỏi cấp xưởng, cấp nhà máy và thợ giỏi toàn miền Bắc. Bà Liên nhớ lại: “Chồng đi chiến đấu, tôi vừa đi làm, vừa chăm sóc mẹ già, con thơ, vậy nhưng không dám xin nghỉ buổi nào. Đất nước có chiến tranh, những người thợ như chúng tôi lúc đó không biết lấy đâu ra sức lực mà lao động hăng say như thế”.

Những năm 1965-1966, giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc. Đó là khi người thợ dệt phải vừa sản xuất, vừa tự vệ chiến đấu. Súng gác ngay đầu máy, nghe còi báo động là lao ra hầm trú ẩn, sẵn sàng trực chiến. Bà Liên kể, thời ấy, công nhân nhà máy dệt bất chấp nguy hiểm để cứu nguyên liệu sản xuất là các kho bông, sợi. Trong những trận bom ác liệt trút xuống Nam Định, có những người là chị em đồng nghiệp của bà trực tiếp chiến đấu, hy sinh, trở thành liệt sĩ. Đó là những ký ức không thể quên, trong một thời khói lửa mà mỗi người công nhân sống với tinh thần “máy ngừng chạy như tim ngừng đập”, biến những mất mát, đau thương thành động lực lao động, sản xuất.

Ký ức vinh dự, tự hào nhất đối với bà Liên là lần được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Tháng 5/1968, bà là thành viên của đoàn Việt Nam sang Triều Tiên để biểu diễn thao tác, trao đổi kinh nghiệm về nghề dệt. Tháng 11 năm đó, Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng cũng cử người thợ dệt giỏi nhất là Lý Hoa Xuân sang Hà Nội báo cáo kết quả cuộc giao lưu, học hỏi giữa hai phía với Bác Hồ. Tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ ân cần hỏi thăm từng người thợ, trong đó có bà Liên. Rồi khi biết hoàn cảnh, Bác bảo người cảnh vệ lấy gói kẹo làm quà để bà mang về cho con nhỏ. “Lúc cả đoàn ra trước Phủ Chủ tịch để chụp ảnh lưu niệm, thấy tôi đứng tay không, Bác lại nói chú cảnh vệ lấy cho tôi bát hoa hồng, cầm chụp ảnh cho đẹp” - bà Liên mắt long lanh xúc động.

Năm tháng trôi qua, những ký ức của người thợ dệt ngày nào lại dội về sống động nhờ cơ duyên “gặp lại” chính mình trong tấm ảnh trên trang nhất Báo Nhân Dân. Bây giờ, khu đất nhà máy dệt năm xưa đã thành khu đô thị khang trang, sầm uất. Mỗi khi đi qua, bà Liên vẫn tự hình dung trong đầu về góc nhà xưởng nơi mình từng gắn bó, bâng khuâng nhớ tiếng còi tầm, tiếng máy dệt, những âm thanh thân thuộc khôn tả với biết bao nhiêu thế hệ người thành Nam…