Bốn dấu ấn đặc biệt của Telehealth

NDO -

Chỉ sau hơn 5 tháng triển khai, Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Bộ Y tế phối hợp cùng Tập đoàn Viettel triển khai đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt.

Hội chẩn tại Bệnh viện Chợ Rẫy với điểm cầu ở Côn Đảo.
Hội chẩn tại Bệnh viện Chợ Rẫy với điểm cầu ở Côn Đảo.

Hơn 1.000 bệnh viện

Sáng 18-4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã khai trương Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel phối hợp Bệnh viện Đại học Y và các bệnh viện vệ tinh triển khai thí điểm.

Tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống khám chữa bệnh từ xa phải có hiệu quả nhân đôi, nhân ba. Điều này đáp ứng được nhu cầu chống dịch và giảm giấy tờ phức tạp, đem lại lợi ích cho người dân, giảm chi phí.

Với những lợi ích to lớn này, đề án đặt mục tiêu hoàn thành kết nối 1.000 điểm cầu trước ngày 15-9.

Bốn dấu ấn đặc biệt của Telehealth -0
 Buổi hội chẩn trực tuyến tại Bệnh viện Nhi Trung ương với chuyên gia tham dự từ Mỹ.

Hơn 5 tháng sau, ngày 11-9, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) chính thức khai trương hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth). Sự kiện này đánh dấu đề án Khám chữa bệnh từ xa năm 2020-2025 đã về đích trước bốn ngày và vượt 5 điểm so với mục tiêu.

Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã và đang nhận ra rằng tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa là xu thế tất yếu của thời đại. Ở Mỹ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (Telemedicine) đang là biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Theo Washington Post, dưới sự thông qua của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ có nhiều chính sách nới lỏng và hỗ trợ phát triển các dịch vụ Telemedicine trên toàn quốc.

Tại Brazil, chi phí hoạt động telehealth trung bình được ước tính là 6 USD, thấp hơn nhiều so với chi phí trung bình cho mỗi lượt giới thiệu bệnh nhân đi đến bệnh viện để khám chuyên khoa là 64 USD. Ước tính, hệ thống này tiết kiệm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng là 20 triệu USD trong thời gian 5 năm.

Từ Mường Nhé đến Cô Tô

Ngày 29-5, GS, TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cười rạng rỡ, hào hứng cùng các đồng nghiệp tham gia buổi hội chẩn trực trực tuyến đầu tiên thông qua Telehealth với 5 điểm cầu.

Ông thừa nhận: “Trước kia, chúng tôi chỉ thảo luận và hội chẩn các ca khó, hiện nay mức độ hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới sẽ tăng lên rất nhiều. Đồng thời, trong cùng một thời gian như thế này, trước kia chúng tôi chỉ hỗ trợ được cho một đơn vị, nhưng giờ một lúc có thể hỗ trợ được 5-6 đơn vị. Nơi xa nhất bệnh viện hỗ trợ là Mường Khương, Sốp Cộp, Mường Nhé, Bắc Nậm”.

Ngày 11-9, cũng tại cơ sở y tế này, các bác sĩ đã hội chẩn cho một bệnh nhi đang điều trị tại trung tâm y tế của huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Em bé 7 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nghi ngờ viêm ruột thừa cấp. May mắn, với sự trợ giúp từ các chuyên gia của bệnh viện nhi, bé được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và tiến triển tích cực sau vài ngày điều trị.

Như vậy, lợi ích to lớn mà hệ thống khám chữa bệnh từ xa đem lại là giúp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa được hưởng dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh và chăm sóc khám chữa bệnh tương tự như ở thành phố.

Bốn bệnh viện hạng đặc biệt

Ngày 23-9, việc khai trương hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã đánh dấu đây là bệnh viện hạng đặc biệt thứ tư tham gia hệ thống Telehealth cùng với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội); Bệnh viện Trung ương Huế. Sự góp mặt của bốn “người anh lớn” chứng tỏ chất lượng của việc khám chữa bệnh từ xa thông qua Telehealth ngày càng được nâng cao và bảo đảm.

Kể từ thời điểm này, Telehealth đã kết nối tới hơn 1.100 điểm cầu với bốn bệnh viện hạng đặc biệt và 27 bệnh viện tuyến trên trong toàn quốc. BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Với công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại do Viettel cung cấp, hệ thống Telehealth là một trong những giải pháp tối ưu giúp các bác sĩ có thể hội chẩn và đưa ra hướng điều trị cho người bệnh”.

GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghĩ Việt Đức cho biết: “Hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ cung cấp một platform để tạo thành một thế giới phẳng trong y tế. Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở bất cứ điểm cầu nào. Hiện nay, đó là bác sĩ tuyến trung ương, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế, trong tương lai, đó sẽ là các bệnh viện, chuyên gia ở nước ngoài”.

Còn TS, BS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định khám chữa bệnh từ xa là nhu cầu tất yếu của xã hội, song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin.

“Nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện cho các chuyên gia được tiếp xúc với nhân viên y tế tại chỗ, nắm chắc tình hình bệnh nhân trong các khu cách ly. Nền tảng trực tuyến cũng giúp bác sĩ tiếp cận với bệnh nhân nhanh hơn, an toàn hơn. Tất cả những điều đó đã nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19”, GS, TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhấn mạnh.

Điều hành những ca phẫu thuật cách xa hàng trăm km

Bốn dấu ấn đặc biệt của Telehealth -0
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chỉ đạo trực tiếp vào một ca phẫu thuật sử dụng công nghệ 3G qua Viettel Telehealth. 

Trong hơn 5 tháng triển khai, thông qua hệ thống Telehealth, các bác sĩ tập trung hội chẩn, tư vấn các ca bệnh phức tạp để hỗ trợ nhân viên y tế tuyến dưới. Thậm chí, nhiều ca mổ khó được ê-kíp cách nhau hàng trăm km thực hiện thành công.

Điển hình, ngày 4-9, tại Trung tâm Khám chữa bệnh từ xa đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), các bác sĩ đã can thiệp trực tiếp vào ca phẫu thuật cho một bệnh nhân ở Quảng Ninh. Người bệnh 60 tuổi được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi mật. Cuộc phẫu thuật này được sử dụng công nghệ 3D - công nghệ mới nhất giúp thầy thuốc nhìn qua hệ thống hình ảnh mà như đang đứng trong phòng mổ.

Trước đó, chiều 6-8, PGS, TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chi viện từ xa cho các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong một ca mổ tim cho bệnh nhi 55 tháng tuổi. Đây là ca điều hành mổ tim trực tuyến từ xa đầu tiên ở Việt Nam.

Như vậy, với Telehealth, các chuyên gia tuyến cuối không cần ngồi trong phòng mổ vẫn trở thành trưởng kíp, kiểm soát chi tiết diễn biến ca phẫu thuật, từng động tác của bác sĩ, đảm bảo khả năng thành công cao hơn. Không những thế, cùng lúc, một ê-kíp bác sĩ đa chuyên khoa có thể cùng nhau hỗ trợ nhiều ca mổ ở nhiều nơi khác nhau.

Rõ ràng, Telehealth đem lại lợi ích cho cả ba đối tượng: Chuyên gia đầu ngành - bác sĩ, bệnh viện tuyến dưới - bệnh nhân. Công nghệ này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, sức lực của bác sĩ, tận dụng nguồn lực cơ sở vật chất ở tuyến dưới, tránh sự quá tải cho các bệnh viện trung ương, đồng thời đảm bảo người bệnh được điều trị tốt nhất.

Mặc dù vậy, công nghệ chỉ là phương tiện. Sự phát triển của công nghệ đã giúp các bác sĩ xóa mờ khoảng cách địa lý. Nhưng điểm cốt yếu để Telehealth có thể phát huy tác dụng, ứng dụng thường xuyên vào việc khám chữa bệnh, đó là xóa dần khoảng cách chuyên môn giữa các bác sĩ. Đó vừa là thách thức vừa là cơ hội để các bác sĩ, bệnh viện tiếp tục phát triển trong thời gian tới.