Bom ba càng, nỗi kinh hoàng của quân xâm lược

Ðầu năm 1946, khi quân Pháp vào Hà Nội, có một số phân đội xe cơ giới đi cùng: xe tăng 18 tấn có gắn đại bác 40 ly, xe bọc thép bánh hơi gắn đại bác 20 ly, trên các tháp pháo xe tăng, xe bọc thép đều có bố trí súng đại liên; xe bọc thép bánh xích có hai tổ súng 12,7 ly và súng đại liên brown. Ðây là lực lượng cơ động, đột kích lợi hại mà ta sẽ phải đối mặt trong chiến đấu.

Vào cuối tháng 10, sang đầu tháng 11-1946, tình hình trở nên ngày một căng thẳng, quân Pháp đã có những hành động khiêu khích, gây hấn, xe tăng, xe bọc thép cơ động rầm rập trên các tuyến phố. Chúng còn cho máy húc tới san lấp chiến hào, chiến lũy, ụ súng của ta. Vì tránh không để chúng kiếm cớ gây chuyện làm cho tình hình thêm phức tạp, trong khi ta cần thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài, ta đã kiềm chế phản ứng. Cũng trong tháng 11, Cục quân giới Bộ Quốc phòng cấp cho Mặt trận Hà Nội ngót 100 quả bom ba càng, hơn một nửa số bom này được dành cho Liên khu I, nơi có nhiều khả năng phát huy hiệu quả diệt xe cơ giới địch. Bom ba càng cấu tạo theo nguyên lý đạn bom (như đạn ba-zô-ka, B40, B41 sau này), bom có dạng hình phễu, miệng phễu có đường kính 22cm, có vành gang gắn ba càng sắt dài 12cm/càng; đáy phễu là bộ phận gây nổ, gồm: hạt nổ, kim hỏa và chốt hãm an toàn, bom được lắp vào một cây gậy gỗ dài 1,2m. Ðánh bom ba càng phải là những chiến sĩ mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với phương châm diệt được xe cơ giới địch, mà tổn thất thấp nhất về sinh mạng. Muốn vậy, phải giữ được yếu tố bí mật bất ngờ. Khi xuất kích, tiếp cận mục tiêu phải được sự yểm trợ tối đa của hỏa lực, khống chế, vô hiệu hóa hỏa lực trên xe cơ giới và áp đảo tiêu diệt lực lượng bộ binh đi cùng. Ðánh bom động tác phải dứt khoát, tay trái hoặc tay phải nắm (nâng) nơi tiếp giáp đuôi bom và gậy, tay còn lại nắm chắc 2/3 của gậy, mặt bom chếch 45 độ về phía trước, cách mục tiêu 2 - 3m hạ bom ngang tầm vai hai tay lao động bom vào vị trí đã chọn, phải bảo đảm ba càng bom cùng lúc chạm trên mặt phẳng của mục tiêu (xe tăng, xe bọc thép bánh hơi chọn nơi thành bên hông xe, dưới tháp pháo, xe hap-trak nơi thành xe phía giáp cửa lên xuống, sát buồng lái trên nơi gắn thùng nhiên liệu) để bộ phận gây nổ kích nổ chuẩn xác. Bom nổ gây áp lực cháy nổ rất lớn (nhiên liệu và đạn trên xe cùng bị kích nổ), sức ép một phần dội ngược lại phía sau hất người đánh bom bật ngửa xuống đường, tổ cứu hộ phải sẵn sàng ngay lập tức xông ra dìu chiến sĩ đánh bom vào nơi an toàn.

Ngày 18 và 19-12-1946, bộ chỉ huy quân Pháp gửi tối hậu thư, đòi tước vũ khí của các lực lượng tự vệ và yêu cầu ta chuyển giao quyền bảo đảm an ninh thành phố cho quân Pháp đảm nhiệm. Ý đồ mở rộng cuộc chiến tranh ra cả nước đã công khai ngả bài. Phía ta cũng đã sẵn sàng.

Ðúng 20 giờ ngày 19-12-1946 cuộc tiến công bắt đầu, các trận địa pháo binh của ta bất thần dội bão lửa vào những nơi trú quân của địch, bộ đội của ta tràn vào; bị đòn đánh phủ đầu, quân Pháp lúng túng, thiệt hại nặng về người và phương tiện, phải hai, ba ngày sau mới gắng gượng tổ chức các đợt phản kích. Với lực lượng xe tăng, xe bọc thép, chúng cũng nống ra mở rộng khu vực chiếm đóng, nhưng đã bị quân dân Liên khu II, III chặn đánh quyết liệt; một số xe tăng, xe bọc thép bị các chiến sĩ đánh bom ba càng tiêu diệt và đánh hỏng, chúng phải chốt lại ở các cửa ô.

Ở mặt trận Liên khu I, quân Pháp đã nhiều lần mở các đợt đột kích vào các tuyến chiến hào, chiến lũy phòng ngự của ta ở các khu Ðồng Xuân, khu Ðông Thành, khu Ðông Kinh Nghĩa Thục, với ý đồ thọc sâu chia cắt bao vây tiêu diệt từng bộ phận, nhưng đều bị bộ đội ta bẻ gãy, đẩy lui, xe tăng, xe thiết giáp bị đánh cháy, đánh hỏng nằm rải rác trước các trận địa. Ðiển hình trong trận quân Pháp tiến công chợ Ðồng Xuân, chúng chia hai mũi, một mũi đánh chính diện từ đường Hoàng Diệu - Hàng Ðậu có xe ủi, xe húc mở đường, xe tăng, xe bọc thép đi nối tiếp, dùng hỏa lực yểm trợ để bộ binh lao vào. Ngay lập tức các tổ đánh bom ba càng xuất kích, xe cơ giới địch bị đánh thiệt hại nặng: xe tăng Sa-phia, xe thiết giáp bị cháy nổ, xe ủi xe húc bị lật ngửa, bộ đội ta xung phong dùng lựu đạn, thủ pháo, súng trường, súng máy đánh bồi, đánh tiêu diệt, bọn Pháp tháo lui về bên vườn hoa Hàng Ðậu và sau tháp nước. Mũi từ đầu cầu theo đường Trần Nhật Duật tiến đánh phía sau chợ. Chúng dàn xe tăng, xe bọc thép rồi dùng hỏa lực pháo, đại, trọng liên bắn như đổ đạn vào trận địa của ta; hơn một đại đội lê dương lọt được vào bên trong chợ. Cuộc chiến đấu rất ác liệt, bên ngoài các tổ đánh bom lao tới, tiếng nổ dậy đất, những cột khói, lửa liên tiếp dựng lên... Bên trong chợ, bộ đội ta với súng trường lưỡi lê, dao, kiếm, đòn gánh áp sát đánh cận chiến, quần nhau với địch quanh các phản thịt, quầy hàng; lính Pháp với súng tiểu liên trong tay, xoay sở lúng túng bị chiến sĩ ta dồn đánh, hạ liên tiếp. Lực lượng vũ trang của ta, ở các phố gần đấy dồn đến chi viện. Bị thương vong quá nặng, quân địch còn lại gần một trung đội phải theo cửa ngách tháo chạy.

Phan Sử
(Phái viên tác chiến Ðặc khu Hà Nội, 1946)