Ngày 5-2 Bộ Y tế có quyết định ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi-rút Zika. Theo đó, nhiễm vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền và có thể gây dịch. Bệnh do vi-rút Zika thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong, tuy nhiên vi-rút Zika có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh do vi-rút Zika nhưng bệnh có nguy cơ xâm nhập, cho nên việc chẩn đoán ca bệnh phải dựa trên các yếu tố: triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng cũng như có sự phân biệt với các bệnh có căn nguyên vi-rút (Sốt xuất huyết, Rubella, Sởi, Entero vi-rút...), nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng...
Việc điều trị theo triệu chứng là chính, bao gồm: nghỉ ngơi; hạ sốt bằng paracetamol; bồi phụ nước và điện giải; theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ. Đối với phụ nữ có thai cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi... Hướng dẫn cũng nêu rõ, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, cho nên biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.
* Trước diễn biến phức tạp, cũng như mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm và một số bệnh có thể truyền lây từ động vật sang người, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cảnh báo người chăn nuôi, người tiêu dùng đề phòng hiểm họa khi ăn tiết canh và sản phẩm động vật chưa nấu chín, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), năm 2015, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Các chủng vi-rút cúm gia cầm độc lực cao khác cũng đã được phát hiện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như cúm A/H5N2 tại Ca-na-đa, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Mỹ; cúm A/H5N3 tại Đài Loan (Trung Quốc); cúm A/H5N8 tại Ca-na-đa, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hung-ga-ri, I-ta-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Thụy Điển, Anh và Mỹ; cúm A/H5N9 tại Pháp; cúm A/H7N3 tại Mê-xi-cô; cúm A/H7N7 tại Đức và Anh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế cũng cho biết, đã xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm; trong đó có một số chủng lây truyền sang người gây tử vong cao, khó khống chế. Điển hình là bệnh cúm gia cầm A (H7N9), ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc, đến nay vẫn chưa khống chế được. Mới đây nhất, ngày 11-1-2016, WHO thông báo có 10 ca mắc cúm A (H7N9) tại Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Đông và Giang Tây; trong đó ba trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, theo Cục Thú y, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 1-2016, các cơ quan thú y đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 12 tỉnh, thành phố làm hơn 56 nghìn con gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Bên cạnh đó, các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 cũng đã được phát hiện tại 14 tỉnh, thành phố, buộc địa phương phải tiêu hủy hơn 36 nghìn con gia cầm.
Vi-rút cúm A/H5N1, A/H5N6 đã gây ra nhiều ổ dịch lâm sàng và có tỷ lệ lưu hành rất cao trong đàn gia cầm, nhất là vịt. Những đàn gia cầm này mang vi-rút cúm nhưng vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu của bệnh cúm gia cầm. Do vậy, nguy cơ vi-rút cúm trong đàn gia cầm sẽ lây truyền dịch bệnh cho người rất cao thông qua việc ăn tiết canh, ăn thịt, trứng gia cầm chưa qua chế biến kỹ... Chỉ riêng năm 2015 đã ghi nhận 96 trường hợp mắc bệnh do liên cầu lợn, trong đó có 13 trường hợp tử vong (năm 2015 số ca mắc bệnh tăng 51 trường hợp và số ca tử vong tăng năm trường hợp so với năm 2014). Nguyên nhân chính là thói quen ăn tiết canh, ăn thịt sống và ăn uống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; mặt khác hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Ngoài các ca bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn, Bộ Y tế cũng cảnh báo một số bệnh rất dễ xuất hiện trong dịp Tết Nguyên đán như nhiễm giun sán và các loại vi khuẩn gây ngộ độc khác.
Do đó để chủ động phòng tránh những mầm bệnh có thể truyền lây từ động vật sang người cần thực hiện phương châm "ăn chín uống sôi", không ăn tiết canh động vật, không ăn sản phẩm động vật chưa qua chế biến kỹ, chỉ giết mổ và tiêu thụ động vật có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không giết mổ động vật nghi mắc bệnh hoặc bị chết mà không rõ nguyên nhân; rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch sau khi tiếp xúc với động vật; nếu nghi ngờ bị mắc bệnh hoặc có các dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với động vật hoặc sau khi ăn sản phẩm động vật thì phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn kịp thời.