Chiều 8/11, sau khi nghe Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, kiến nghị.
Đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về nước
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó khoảng 125 triệu liều đã được bàn giao. Từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về nước để phục vụ công tác chủng ngừa miễn phí cho người dân.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết ngày 7/11/2021, Việt Nam đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine.
“Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine được tiêm nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần”, Bộ trưởng cho hay.
Trước đề xuất của một số đại biểu về đẩy nhanh tự chủ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3 và 1 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2, cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới, từng bước tiến tới chủ động nguồn cung vaccine trong nước.
Giải trình băn khoăn của đại biểu về chất lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng khẳng định trong thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Theo đó, Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng về xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới. Ngoài ra, các đề án 47, 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Bộ trưởng Nguyễn Thành Long cho biết, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và đang trong đợt thứ tư. Đáng chú ý, đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước đó.
“Đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, có khả năng tăng nặng bệnh, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, các chủ trương, giải pháp, quyết sách đã được triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng nêu rõ.
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ về chuyên môn y tế, giãn cách, tăng cường giãn cách, an sinh, an ninh và an toàn trật tự xã hội, đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…đã cơ bản kiểm soát được số ca nhiễm, số ca tử vong. Dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng, một số bài học đã được rút ra từ công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua. Cụ thể, sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia công tác phòng, chống dịch đã phát huy được thế mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, huy động mọi tầng lớp nhân dân cả nước đồng lòng chống dịch với ưu tiên đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Bên cạnh đó là những kinh nghiệm quý báu với các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà, xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động, trung tâm hồi sức tích cực.
Ngoài ra, chiến lược phòng, chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch. Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế hiện cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.