MCIS-11 gồm phiên khai mạc với chủ đề: “Thực trạng an ninh toàn cầu trong thế giới đa cực”; 3 phiên toàn thể với các chủ đề “An ninh tại khu vực Trung Á và châu Phi: Khía cạnh quân sự”, “An ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, “Hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng: Điều kiện và kỳ vọng”; cùng phiên thảo luận bàn tròn chuyên gia với chủ đề: “Một thế giới - một nền an ninh chung”.
Tại phiên toàn thể 2 với chủ đề: “An ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Đại tướng Phan Văn Giang có bài phát biểu quan trọng.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực năng động và nhiều tiềm năng phát triển, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ toàn cầu, thu hút sự quan tâm của nhiều nước ngoài khu vực, nhất là nước lớn.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhận định, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực năng động và nhiều tiềm năng phát triển, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ toàn cầu, thu hút sự quan tâm của nhiều nước ngoài khu vực, nhất là nước lớn.
Sự quan tâm này, một mặt mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển, song cũng kéo theo sự cạnh tranh địa chính trị và sự cọ xát, đan xen lợi ích chiến lược. Cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia vẫn còn tồn tại; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, nhất là trên biển còn phức tạp; chính trị nội bộ một số nước chưa thực sự ổn định...
Bên cạnh đó, châu Á-Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với các vấn đề an ninh phi truyền thống, có xu hướng ngày càng trở nên nghiêm trọng như thiên tai, dịch bệnh (như đại dịch Covid-19), biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nạn ma túy, buôn người...
Để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống này, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh cần sự đoàn kết, chung tay, góp sức của các nước, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam dự khai mạc Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế Army-2023
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực, cần đến sự tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, thiện chí hợp tác cùng phát triển, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia của mỗi nước, quyền tự quyết của mỗi dân tộc; thượng tôn luật pháp quốc tế, tuân thủ các cam kết khu vực, quan tâm thỏa đáng đến quan ngại an ninh của mỗi quốc gia; kiên trì giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, Việt Nam kiên định nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn; kiên quyết, kiên trì giải quyết xung đột, tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại, bằng biện pháp hòa bình.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn với tất cả các nước trên thế giới, là đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác; cam kết trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế cao cả; luôn mong muốn đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng của thế giới và khu vực.
Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam dự MCIS-11. |
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng, các cơ sở công nghiệp quốc phòng các nước đã ủng hộ và tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, đồng thời thông báo kế hoạch tổ chức Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2024 cùng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mong muốn các nước tiếp tục ủng hộ và cử đoàn tham dự.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự Hội nghị.