Sáng 8/6, phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung, chủ đề đặt ra có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm cao.
Các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề chất vấn ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi, vừa có tính cơ bản, chiến lược lâu dài, mang tính thời sự, cấp bách mà nhân dân và cử tri, nhất là nông dân đang rất quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cho thấy nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, nhìn chung đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm quy định về thời gian, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.
Đã có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó 34 đại biểu đã thực hiện chất vấn, có 4 ý kiến đăng ký tranh luận. Về 19 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn đủ thời gian để trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội gửi văn bản cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nông nghiệp nông dân, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược, là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nêu bật những thành tựu cũng như khó khăn của ngành nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn đã làm rõ thêm thực trạng, tình hình hiện nay và những phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm xây dựng chương trình hành động với các chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; cũng như các Kết luận, Nghị quyết công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngành nông nghiệp cần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ và làm giàu đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản, đáp ứng nhu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, ngành cần xây dựng và quyết liệt triển khai chương trình hành động thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã; chú trọng phát triển quy mô hợp tác xã và tăng nhanh tỷ trọng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, phấn đấu đến hết năm 2025 có 25 nghìn hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp.
Bộ cần khuyến khích hình thành các tổ hợp tác trang trại liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, coi đây là một trong những bước đột phá để phát triển sản xuất quy mô lớn, thay thế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, giữa nông dân với nông dân; giữa nông nghiệp với doanh nghiệp.
Bộ cũng cần nâng cao năng lực dự báo, xác định nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm trục sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Thực hiện các giải pháp đột phá để gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistic nông sản, hệ thống kho lạnh, gắn với vùng xuất khẩu nông sản, gắn với vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản. Xây dựng và triển khai đề án chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…
Ngoài ra, Bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương đánh giá bối cảnh tình hình trong nước và thế giới, nhu cầu trong nước, điều tiết xuất nhập khẩu, vật tư nông nghiệp đầu vào, tăng cường kiểm minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Khắc phục tình trạng thiếu giống, thiếu chủ động về giống, vật tư nông nghiệp; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước, phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón hữu cơ giảm phụ thuộc một phần nguồn nhập khẩu.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, ngành nông nghiệp cần triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, cắt giảm loại hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, không để xảy ra nhũng nhiễu doanh nghiệp trong các khâu cấp phép kiểm dịch thực vật và động vật, phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ.