ASEAN nỗ lực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động ASEAN đặc biệt về ứng phó với các tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) là sáng kiến của Indonesia với vai trò là Phó Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN đề xuất. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 không chỉ tác động đến các ngành kinh tế, mà đặt ra những thách thức đối với việc làm và sinh kế của người dân ASEAN.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã cùng chia sẻ thông tin về các chính sách, chương trình và nhóm hỗ trợ xã hội của từng quốc gia nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19, dành cho người lao động, đặc biệt các vấn đề liên quan đến tiền lương - thu nhập, việc làm, an toàn và sức khỏe. Đồng thời, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cũng chia sẻ khuyến nghị đối với các phản ứng chung của ASEAN về tác động của Covid-19 trong lĩnh vực lao động và việc làm.
Một nội dung được các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đặc biệt quan tâm, đó là thông qua “Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về ứng phó với các tác động của dịch virus corona 2019 (Covid-19) đối với lao động và việc làm”, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong công tác hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, các Bộ trưởng Lao động ASEAN sẽ hợp tác trong các công việc sau.
Thứ nhất, cung cấp hỗ trợ kịp thời về sinh kế và sức khỏe cho tất cả người lao động, đặc biệt với những người thu nhập thấp và lao động làm trong nền kinh tế phi chính thức, các ngành có rủi ro cao.
Thứ hai, bảo đảm những người lao động bị sa thải hoặc bị thôi việc đều được bồi thường bởi người sử dụng lao động, hoặc được nhận trợ cấp xã hội.
Thứ ba, cung cấp hỗ trợ phù hợp cho người lao động di cư trong khu vực ASEAN.
Thứ tư, chia sẻ các thực tiễn và bài học tốt nhất giữa các quốc gia thành viên về các biện pháp giúp đỡ người lao động, người sử dụng lao động có nguy cơ, nâng cao khả năng phục hồi của họ.
Việc thực hiện các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự chuẩn bị về các chính sách lao động và việc làm trước những tác động bất lợi bởi đại dịch, vấn đề khủng hoảng kinh tế trong tương lai được giao cho các quan chức cấp cao ASEAN về lao động. Việc hợp tác chung được đưa vào Chương trình làm việc của Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2021-2025, để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 26.
Dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới việc làm ở Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị, đặc biệt vào thời điểm các quốc gia ASEAN đang cùng chung tay ngăn ngừa đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ kinh nghiệm về tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam; những biện pháp Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để ứng phó kịp thời với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Chính phủ Việt Nam, với sự ủng hộ đồng lòng của toàn xã hội, đã thực hiện những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Cho đến hôm nay, Việt Nam mới ghi nhận 288 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, gần 90% trường hợp nhiễm virus đã bình phục và đã 28 ngày liên tục không ghi nhận ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng. Từ ngày 23-4, các hoạt động kinh tế và xã hội đã được dần mở cửa trở lại, với trạng thái bình thường mới. Đại dịch đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với Việt Nam nói riêng và tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung. Lao động và việc làm là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xét cả về khía cạnh kinh tế và xã hội.
Việt Nam hiện có hơn 55 triệu lao động có việc làm. Do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Điều này đã tác động không nhỏ tới vấn đề việc làm của người lao động.
Tính đến ngày 30-4, số lao động ở Việt Nam bị mất việc làm là khoảng 670 nghìn người; 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc hoặc bố trí việc làm luân phiên, nhất là những ngành nghề như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Lao động trong khu vực phi chính thức cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và ăn uống. Hơn 80% lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt lao động bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, xây dựng,…phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19.
Để kịp thời ứng phó với những khó khăn này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ trị giá hơn 62 nghìn tỷ đồng(khoảng 2,7 tỷ đô-la Mỹ) để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng thụ hưởng. Trong đó, trọng tâm nhằm hỗ trợ những người lao động và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, giữ được lao động và đứng vững trong giai đoạn hiện nay.
Đây là một gói hỗ trợ chưa có tiền lệ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn chưa từng có này.
Hiện Việt Nam đang tích cực giải ngân gói hỗ trợ này. Ngoài ra, Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề và thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với việc kiểm soát đại dịch tốt, từ ngày 23-4, các hoạt động kinh tế và xã hội đã bắt đầu hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Dự kiến, phần lớn người lao động sẽ sớm quay trở lại làm việc cùng với đà phục hồi kinh tế. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp cần ưu tiên tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị, cần đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động và tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, với mức độ hội nhập kinh tế cao trong khu vực, bất kỳ một vấn đề an ninh, kinh tế hay xã hội của một nước thành viên nào cũng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với các nước thành viên còn lại ở một mức độ nhất định. Tại khu vực ASEAN, mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến nền kinh tế nói chung và lao động, việc làm nói riêng có thể khác nhau giữa các quốc gia song tôi cho rằng việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại thời điểm hiện nay và trong tương lai sẽ giúp chúng ta cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này nhằm bảo đảm sự phát triển và thịnh vượng chung của ASEAN.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, qua kinh nghiệm được các Bộ trưởng chia sẻ, có thể thấy, các quốc gia ASEAN đều có những biện pháp ứng phó kịp thời và quyết liệt để giảm thiểu tác động của đại dịch lên lĩnh vực lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân của chúng ta. Bộ trưởng nhất trí về việc cần xây dựng các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm có tính đến những phản ứng khẩn cấp về an sinh xã hội, quản lý lao động và bảo vệ quyền của người lao động di cư trong bối cảnh khủng hoảng như dịch bệnh, thiên tai…
Với sự quan tâm của Lãnh đạo Cấp cao và các hành động chính sách ở cấp khu vực, Bộ trưởng tin rằng, sẽ sớm cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này, đồng thời cùng thống nhất những giải pháp hiệu quả nhằm khôi phục thị trường lao động trong nước và khu vực. Đây là những giải pháp quan trọng nhằmhiện thực hóa các cam kết được đưa ra trong Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về Covid-19 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường một Cộng đồng ASEAN chăm sóc và chia sẻ và một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn các Bộ trưởng và Tổng Thư ký ASEAN đã ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay để trình Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua vào tháng 6 năm 2020.
Bên cạnh nội dung họp kín giữa các nước thành viên, Hội nghị còn diễn ra cuộc họp mở với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder đã chia sẻ khung khổ chính sách mà ILO đã đưa ra nhằm phòng, chống đại dịch Covid-19 dựa trên các tiêu chuẩn lao động quốc tế với bốn trụ cột: thúc đẩy kinh tế và việc làm; hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc và dựa vào đối thoại xã hội để tìm các giải pháp. Theo đó, các Bộ trưởng ASEAN mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với ILO trong lĩnh vực lao động và việc làm thời gian tới, để giải quyết thách thức mà dịch Covid-19 và các vấn đề liên quan đến tương lai của việc làm nói chung.