Bộ trưởng Công thương cam kết xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu vi phạm

NDO -

Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên về nhóm vấn đề liên quan điều hành giá xăng dầu; công tác quản lý thị trường; xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19…

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)

Chung quanh vấn đề trọng tâm được nêu thẳng thắn khi các đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến chất vấn hiện tượng "găm" xăng dầu; tư lệnh ngành Công thương khẳng định sẽ đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép các doanh nghiệp "găm hàng".

“Nguồn cung không bao giờ thiếu”

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, thời gian qua, giá dầu thế giới cao, nguồn cung trong nước thiếu hụt do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm sản lượng sản xuất, từ đó, phụ phí mỗi thùng dầu nhập khẩu tăng 2-3 lần so với năm 2021.

Các doanh nghiệp đầu mối giảm chiết khấu cho các đại lý, giá bán tại một số đại lý không đủ bù chi phí, từ đó, một số cửa hàng xăng dầu tư nhân găm hàng, treo biển hết xăng chờ tăng giá. Giá bán lẻ tăng cao nhất 8 năm qua, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp trong thời gian tới để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong nước?

Trong nội dung trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến là do đứt gãy nguồn cung ở một số nước có sản lượng lớn và tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine làm cho thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn, biên độ giá dao động từ 40-60%.

Trong bối cảnh đó, nguồn cung trong nước lại gặp khó khăn do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ cung ứng 35-40% sản lượng dầu trong nước mỗi tháng, giảm sản lượng đột ngột từ 100% công suất có lúc giảm xuống chỉ còn 55%. Bộ trưởng cho biết, trong 3 tháng qua cũng chỉ sản xuất được khoảng 80% công suất.

Ngay từ đầu tháng 1 năm nay, Bộ chủ động tham mưu cho Chính phủ và yêu cầu tất cả doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu phải nhập đủ sản lượng.

Bộ trưởng Công thương cam kết xử lý nghiêm  doanh nghiệp xăng dầu vi phạm, không bao che -0
 Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Về giá, ông Diên cho biết, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính điều hành theo đúng quy định của pháp luật, 10 ngày/lần và bám sát diễn biến giá thế giới. Biên độ giá thế giới tăng từ 40-60%, nhưng biên độ giá của chúng ta từ 29-40%, tức là cận dưới của giá thế giới.

Cho biết gần đây khi giá tăng phi mã, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết xem xét giảm thuế môi trường để góp phần làm giảm giá xăng dầu trong nước, giúp phục hồi kinh tế và không làm tăng PCI, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin thêm, công tác thanh kiểm tra tích cực được triển khai.

Số liệu báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, cả nước có 17 nghìn cửa hàng bán lẻ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 và đã xử lý số cửa hàng vi phạm.

Trong phần chất vấn, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) hỏi: “Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới ngày 1/3 so với đầu năm biến động từ 44,01-60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 29,4-39,56%. Vậy quá trình điều hành giá xăng dầu đó có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới là nhờ vào sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu. Theo Bộ trưởng, nếu không trích từ quỹ xăng dầu từ 500-1.500 đồng/lít trong quá trình điều hành thì chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới.

Cho rằng trong bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc duy trì quỹ bình ổn là vô cùng quan trọng, theo ông Nguyễn Hồng Diên, quỹ bình ổn có hạn, thực tế bây giờ chỉ còn trên dưới 600 tỷ đồng.

Ông cho biết thêm khi quỹ không còn thì Chính phủ cũng đã có Nghị quyết đề nghị Quốc hội cho giảm thuế môi trường, hy vọng sẽ giải được bài toán này...

Thanh tra các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu

Về câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) tranh luận lại: “Tình hình hiện nay nguồn cung không thiếu, giữa vai trò của các nhà máy lọc dầu của ta có tác dụng như thế nào để chủ động điều hành bình ổn giá? Ngoài quỹ bình ổn giá thì Bộ trưởng đề xuất vấn đề gì căn cơ, ổn định hơn, quản lý số lượng xăng dầu đưa ra thị trường trong nước?”.

Cùng quan tâm nội dung này, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề,  không chỉ các đại lý bán lẻ xăng dầu găm hàng mà dư luận còn cho rằng đại lý còn nhỏ lẻ, họ nói không có xăng dầu để mà bán, phải chăng “việc găm hàng từ tuyến vĩ mô?”.

Bộ trưởng Công thương cam kết xử lý nghiêm  doanh nghiệp xăng dầu vi phạm, không bao che -0
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)

Bộ trưởng Công thương khi trả lời bày tỏ chia sẻ với nội dung của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng đây là ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung xăng dầu trong nước.

Theo Bộ trưởng, giả định các nước có nhà máy lọc dầu đi chăng nữa thì giá xăng dầu của nước đó không áp dụng chính sách thuế hoặc quỹ bình ổn thì cũng không làm gì có giá chênh lệch quá xa so với thế giới.

Bộ trưởng cho rằng, khi nào sản lượng lấy từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cung ra thị trường bảo đảm theo cam kết thì sẽ dừng cho nhập khẩu xăng dầu, còn bây giờ không cho nhập thì rất khó khăn.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn là Bình Sơn và Nghi Sơn. Nhà máy Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35% tổng lượng xăng dầu trong nước; Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.

Về vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng cho rằng, "chủ yếu là vấn đề tài chính". Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là một bên trong liên doanh; đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng Công thương cam kết xử lý nghiêm  doanh nghiệp xăng dầu vi phạm, không bao che -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: DUY LINH) 

Tập đoàn đang phối hợp các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ dầu thô của Kuwait, trong bối cảnh biến động giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh.

"Chỉ khi nào có cam kết chắc chắn trước Bộ Công thương rằng nguồn ở Nhà máy Nghi Sơn ra thị trường bảo đảm thì chúng tôi mới cho dừng nhập khẩu xăng dầu. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan xử lý triệt để", Bộ trưởng Công thương cho biết.

Về nội dung hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng khẳng định, qua thanh tra của 16.800 cửa hàng bán lẻ, có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố về kỹ thuật, có nơi găm hàng chờ tăng giá.

Giải thích câu chuyện có nơi nói không có hàng vì họ nhập nguồn từ Nhà máy Nghi Sơn nên khi nhà máy đột ngột giảm nguồn cung thì không dễ đi nhận hàng đầu mối khác-nhưng trên thực tế số lượng này không nhiều; Bộ trưởng cho biết chỉ đạo kịp thời chia sẻ nguồn cung từ hàng nhập khẩu và nguồn từ Nhà máy Bình Sơn nên chỉ sau một vài ngày đã khắc phục được.

Về giá, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, 10 ngày/lần và bám sát diễn biến giá thế giới. Biên độ giá tăng của thế giới là 40-60% nhưng biên độ của Việt Nam chỉ 29-40%. Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã điều hành rất linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu, dù số dư Quỹ không lớn nhưng đã cố gắng đưa ra mức hỗ trợ từ 500-1.500 đồng/1 lít xăng dầu, vì thế giá xăng dầu đã giảm.

Gần đây, khi giá tăng, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giảm thuế bảo vệ môi trường để góp phần giảm giá xăng dầu trong nước, giúp phục hồi kinh tế.

(Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên)