Cặp song nữ vàng đao, kiếm

Cặp song nữ vàng đao, kiếm

Bị sốt vẫn giành huy chương vàng

SEA Games 22 và 23, khán giả các trận đấu wushu khó mà quên được hai VĐV Việt Nam có thần thái đặc biệt thu hút. Một nữ võ sĩ có ánh mắt sắc như dao cau, tràn đầy quyết tâm chiến thắng, Nguyễn Thị Ngọc Oanh (24 tuổi) và em gái Nguyễn Thị Mỹ Đức (20 tuổi), cô gái có cặp mắt to trong veo cùng với những động tác dẻo dai và khéo léo.

Vậy mà, không ai biết khi tham dự SEA Games 23, Mỹ Đức vừa qua một cơn sốt thương hàn, được điều trị cấp tốc tại Bệnh viện Saint Paul Hà Nội. Trước ngày cùng đội tuyển wushu Việt Nam lên đường đến Philippines, Đức vẫn phải truyền dịch. Dù được ban huấn luyện cử hẳn một bác sĩ chăm sóc riêng, Đức vẫn bị những cơn đau dạ dày hành hạ do kháng sinh điều trị phát tác. Ngày xuất trận, cô còn rất mệt nhưng vẫn mang về cho wushu Việt Nam tấm huy chương vàng đầu tiên nội dung Thương thuật. Ngày hôm sau, Mỹ Đức lại gặt hái tấm huy chương vàng Trường quyền.

Kỳ SEA Games 22, Mỹ Đức cũng gặp "rủi ro" tương tự. Một tháng trước khi khai mạc Giải, Mỹ Đức liên tục sốt cao do virus; miệng lúc nào cũng khô đắng do cơ thể thiếu nước. Vào trận, khi cơ thể chưa kịp hồi phục, nữ VĐV này vẫn đoạt 3 huy chương vàng. Cho đến ngày hôm nay, có được bảng thành tích 7 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 3 huy chương đồng tại các giải đấu khu vực, châu lục và thế giới chỉ trong vòng 5 năm, Mỹ Đức đã nếm trải những giờ phút vinh quang và cũng không kém phần nhọc nhằn như thế.

Chị của Đức, Ngọc Oanh, cũng là một võ sĩ giàu thành tích: huy chương vàng Giải thế giới 2003, 3 tấm huy chương vàng, 3 huy chương bạc trong các giải đấu cũng đoạt huy chương bạc nội dung Nam đao tại SEA Games 23. Năm 2004, cả hai chị em đều được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.

Ngoài đấu trường, hằng ngày, người hâm mộ wushu vẫn thường thấy hai chị em Oanh-Đức đi đâu cũng có nhau. Điểm đến của họ thường là... Bệnh viện Saint Paul, để phục hồi chấn thương giãn dây chằng đầu gối và mắt cá chân sau những ngày luyện tập quá sức. Riêng Đức còn phải điều trị thêm cả bệnh dạ dày.

Kết thúc mỗi giải thi đấu, cường độ luyện tập cho các vận động viên wushu được giảm. Khoảng thời gian hiếm hoi này, Oanh - Đức lại lao vào học. Trong năm nay, Oanh vừa hoàn thành khóa học Tại chức Đại học Thể dục thể thao, còn Đức đang theo học năm thứ 2. Chỉ còn hai ngày cuối tuần, thứ 7 và chủ nhật, họ mới được về căn nhà ngoại ô Hà Nội để trò chuyện với bà và bố mẹ. Khi đó, hai chị em rất thích nấu nướng thay mẹ. Tuy nhiên, vì quen ăn cơm tập thể, nên hai chị em tự nhận "phải giở sách dạy nấu ăn mỗi khi vào bếp". Thêm một điểm chung trong dự định tương lai của hai võ sĩ này: họ đều muốn trở thành những huấn luyện viên môn wushu và cùng mở một cửa hàng kinh doanh thời trang.

Cặp nữ kiếm thủ tuổi 20

Cuối năm, trời Hà Nội có ngày mưa, rét dưới 10oC. Vậy mà, đội tuyển kiếm quốc gia vẫn luyện thể lực ngoài trời từ 5 giờ sáng. Cặp nữ kiếm thủ song sinh xuất sắc của đội Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyễn Thị Lệ Dung, dù vóc dáng "liễu yếu đào tơ" nhưng lại chưa bao giờ vắng mặt. Hoài Thu có khuôn mặt trái xoan, cười bảo: "Tập thể lực ngoài trời là đương nhiên, và chưa thấm tháp gì". Nói rồi cô vén tay áo, cho xem gần chục vết xước vì tập kiếm chém đến giờ vẫn chưa kịp liền da.

Hai chị em Thu và Dung vừa bước sang tuổi 20, không phải là con nhà "võ" nòi mà bố mẹ chỉ làm nghề nông ở huyện  Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Môn đấu kiếm hoàn toàn lạ hoắc với cả hai chị em, cho đến một hôm các HLV về tận trường THPT của các cô để tuyển chọn VĐV. Vì tò mò, hai chị em đã xin dự tuyển. Tuy nhiên, đợt đó cả hai cô đều trượt vì còn thấp, lại gầy yếu; thậm chí không thực hiện được động tác chống đẩy. Nhưng cú rớt này không làm Thu, Dung nhụt chí làm "kiếm sĩ". Hai chị em bảo nhau luyện tập chăm chỉ hơn, nhắc nhau ăn khỏe hơn nên đến tháng 11-2001, khi các huấn luyện viên quay lại tuyển chọn, hai chị em Thu Dung cùng đạt tiêu chuẩn và trở thành VĐV đấu kiếm.

Để không bị trả về sau thời gian thử thách 6 tháng, Thu và Dung đã "nghiến răng" quần thảo trên sàn tập với cây kiếm dài 1,1 m, nặng 7 lạng rưỡi, trong khi mỗi cô chỉ nặng... 45kg. Tay run, hoa mắt, toàn thân đầm đìa mồ hôi, xây xước bởi các đường kiếm tấn công và khó chịu trong lần áo giáp nặng trịch như đeo đá, nhưng ước mơ theo nghiệp đấu vẫn không tắt. Để khắc phục nhược điểm "nhẹ" cả về trọng lượng và đấu pháp, hằng ngày hai chị em vẫn nán lại luyện tập cho đến khi cổ tay và hai đầu gối mỏi nhừ; toàn thân đau nhức như bị ong châm.

Chưa đầy bốn năm nhập cuộc, cặp nữ kiếm thủ Nguyễn Thị Hoài Thu và Nguyễn Thị Lệ Dung đã gặt hái những thành tích mà các kiếm thủ nam cũng phải nể phục: Tại SEA Games 22, Dung giành một huy chương vàng cá nhân và một huy chương vàng đồng đội. Tại SEA Games 23, Dung giành một huy chương vàng cá nhân và một huy chương vàng đồng đội; Thu được một huy chương vàng đồng đội, một huy chương bạc cá nhân. Tháng 1-2005, tại giải vô địch Đông-Nam Á, Dung đoạt một huy chương vàng cá nhân, một huy chương vàng đồng đội; Thu mang về một huy chương vàng đồng đội, một huy chương bạc cá nhân. Tới tháng 7-2005, tại Giải vô địch châu Á, hai chị em Thu-Dung lại đoạt huy chương đồng cá nhân...

Nước mắt và ước mơ

Hai chị em Oanh - Đức có tính cách trái ngược nhau: Oanh mạnh mẽ và sắc sảo, Đức lại e dè và nhút nhát. Chính vì vậy, trong thi đấu, Ngọc Oanh chọn sở trường của mình là Nam quyền (nam đao, nam côn, thái cực quyền, thái cực kiếm), đòi hỏi động tác thể hiện dũng mãnh, uy lực còn Mỹ Đức lại thành công ở nội dung Trường quyền (đao, côn, kiếm, thương) với những động tác kỹ thuật mềm dẻo, khéo léo.

Ngoài đấu trường, họ lại đều rất mau nước mắt. Trong tập luyện, chỉ một động tác bật nhảy và xoay người trên không, tập nhiều lần không được, hai chị em lại ngồi xụp xuống khóc khiến các HLV phải đến vỗ vai, động viên. Trong những kỳ thi đấu liên tiếp, chuyện áp lực thành tích, kéo dài thời gian luyện tập cũng làm hai chị em mệt mỏi, căng thẳng. Còn tại các giải đấu, hầu như năm nào hai chị em cũng "nước mắt lưng tròng" khi biết các trọng tài xử ép, không công bằng với các VĐV wushu của Việt Nam.

Với Thu - Dung thì khỏi nói, hai kiếm thủ "vàng" dáng dấp "tiểu thư" đến giờ vẫn nhiều lần phải khóc một mình vì... đau lúc tập động tác đâm xoạc, hay những cú chém mạnh của các nam VĐV. Ít ai biết, ngày đi học hai cô cũng suốt ngày tốn nước mắt vì bị con trai lớp trên bắt nạt; nay mặc dù rất "lì đòn" trong thi đấu nhưng họ lại sợ mọi cuộc chiến đời thường: sợ va chạm với các nữ kiếm thủ cùng đội, sợ đôi co để rồi cảm thấy bị tổn thương. Thu và Dung tâm sự, các cô hoàn toàn hài lòng khi chọn con đường "đao kiếm". Bởi nhờ quá trình tập luyện và thi đấu, họ trở nên dũng cảm, mạnh mẽ hơn và còn học được tính kiên trì, sự bình tĩnh, phong cách linh hoạt.

Thu-Dung và Oanh-Đức tiết lộ, là các nữ vận động viên, việc mà họ cảm thấy khó khăn nhất không phải là lập thành tích mà lại là... tìm người yêu. Đã hơn một lần, họ được các chàng trai đến bắt chuyện làm quen; Nhưng ngay sau khi biết các cô là võ sĩ cấp quốc gia, các chàng đều trở nên lóng ngóng rồi... trốn biệt. Đến nay, Mỹ Đức xinh là vậy nhưng vẫn chưa tìm được ý trung nhân, còn cả Thu và Oanh đều "gật đầu" với... đồng nghiệp.

Mặc dù cùng là dân thể thao, biết thông cảm và chia sẻ những khó khăn, nhưng các cặp VĐV "lỡ dại" yêu nhau luôn bị các HLV kiểm soát "nhất cử nhất động" trong cự ly gần, để bảo vệ thành tích thi đấu. Với vẻ ngoài mềm yếu, Dung đã "hớp hồn" được một chàng làm du lịch. Nhưng chuyện yêu đương cũng không suôn sẻ chút nào. Vì nàng luôn phải sống tập trung cùng đội, nên rất hiếm khi họ có điều kiện gặp mặt. Còn trước các giải đấu, họ chỉ có cách tâm sự qua internet và điện thoại.

Mùa xuân đến, sau những trận đấu quyết liệt Thu - Dung, Oanh - Đức lại cùng lắng lòng mình nghĩ về tương lai. Với các cô, những đỉnh cao thể thao chưa đủ mang lại hạnh phúc. Như mọi người phụ nữ, các cô cũng cần có tình yêu, cần một người bạn đời để che chở, cảm thông, chia sẻ những nỗi nhọc nhằn trong đời sống. Và họ luôn khát khao được làm người vợ, người mẹ, sau khi đã là VĐV "giàu" huy chương.