Từ việc FPT trở thành nhà phân phối độc quyền bản quyền truyền hình World Cup 2006:

Ai được hưởng lợi, ai chịu thiệt thòi?

Nguyên nhân là do bấy lâu nay họ vẫn luôn được xem miễn phí trên truyền hình khi mà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vẫn mua hoặc "xin" sau đó phục vụ người hâm mộ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại World Cup 2006 tới đây, chắc chắn khán giả hâm mộ trên cả nước vẫn được xem miễn phí. Tất nhiên, liên quan đến các tổ chức như VTV, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, Truyền hình Kỹ thuật số Việt Nam (VTC) hay các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo trên sóng truyền hình trong thời điểm diễn ra World Cup thì quả thật là bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

FPT vớ bẫm, các đài truyền hình "méo mặt"?

Doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực tin học này đã có cú khai phá thành công với mong muốn trở thành một nhà cung cấp nội dung có bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giải trí. FPT đã đánh bại ba đối thủ Việt Nam và một đối thủ nước ngoài (kinh doanh tại Việt Nạm) với giá 3 triệu USD để giành được quyền độc quyền phân phối trên toàn lãnh thổ Việt Nam tín hiệu của tất cả các sự kiện tường thuật trực tiếp trong khuôn khổ FIFA World Cup 2006 bao gồm Lễ bốc thăm chia bảng (đã diễn ra), 64 trận đấu, lễ khai mạc và bế mạc, Quả bóng vàng FIFA năm 2006 (diễn ra vào đầu năm 2007). Bản quyền độc quyền này bao gồm việc phân phối tín hiệu dành cho mọi phương thức đường truyền: truyền hình quảng bá, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số. Ngoài ra, FPT cũng có quyền phân phối bản quyền tường thuật trực tiếp 64 trận đấu trên hệ thống phát thanh tại Việt Nam.

Sau khi bắt tay với VTV và HTV, FPT đã thống nhất được mức giá mà hai đài truyền hình lớn nhất Việt Nam trả cho mình lần lượt là 2 và 1 triệu USD. Số tiền này được quy đổi thành các spot quảng cáo truyền hình của các doanh nghiệp mà FPT mời gọi được trước, sau và giữa 2 hiệp đấu. Và tất nhiên một kênh truyền hình đang lên khác là VTC không thể thực hiện tham vọng truyền hình trực tiếp từ các SVĐ của Đức cũng như làm các phóng sự bên lề, không khí chuẩn bị... khi họ đã bị cú bắt tay giữa FPT, VTV, HTV hạ knock-out. VTC có lẽ chỉ có thể tự trách mình trước cú áp phe thông minh và đầy tính bất ngờ của kẻ ngoại đạo FPT. Đài truyền hình Bình Dương, một thế lực mới tại khu vực miền nam có lẽ cũng là người chịu thiệt vì họ khó có cửa làm các chương trình về World Cup nếu không có sự đồng ý của "người láng giềng" HTV khi mà tất cả các chương trình truyền hình (tổng hợp, phân tích, bình luận) sau khi trận đấu kết thúc (trong trường hợp họ có lấy lại các nhạc hiệu, hình ảnh của trận đấu mà cả logo của VTV, HTV đi nữa) cũng vẫn là vi phạm bản quyền và sẽ bị FPT đứng ra khởi kiện. Thông tin này đã được đại diện cho FPT khẳng định trong cuộc tiếp xúc với phóng viên báo chí trong chiều qua 17-2. Những "báo nói" như VOV, Đài tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng phải đứng ngoài cuộc các sự kiện của World Cup nếu không có sự cho phép hay nhượng quyền của FPT. Các công ty kinh doanh logo, nhạc hiệu World Cup 2006 cũng phải chấp nhận ra hầu tòa nếu sử dụng những sản phẩm độc quyền này mà không xin phép FPT.

Có nhất thiết phải "gà nhà đá nhau"?

Theo ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc FPT, FIFA sẽ chẳng "ngọng dại" gì mà để các đối tác Việt Nam liên kết với nhau để bỏ giá thầu thấp vì trong năm đối tác tham gia cuộc chơi cân não này có một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và trên thực tế thì họ đã trả giá chỉ thấp hơn chút đỉnh so với giá mà FPT đưa ra. Ông này cũng bác bỏ nhận định cái giá 2 triệu USD là quá đắt so với các kỳ World Cup trước khi cho rằng giá 40.000 USD bản quyền truyền hình World Cup 1998 có được là do nước Pháp chủ nhà ưu đãi, đưa ra mức giá tượng trưng cho một nước nằm trong khối các nước nói tiếng Pháp - Francophonie như Việt Nam. Số tiền tương ứng cho World Cup 2002 là 1 triệu USD cũng không hề rẻ trong bối cảnh tổng số tiền thu được từ bản quyền truyền hình của FIFA năm 2006 là 2 tỷ USD, gấp đôi số tiền thu được của năm 2002". Ông Châu cũng tiết lộ một bằng chứng khác cho nhận định của mình. Đó là nếu tính số tiền mua bản quyền truyền hình trên đầu người (2 triệu USD/80 triệu dân) thì chỉ bằng 1/75 so với một quốc gia khác trong khu vực (Singapore - PV).

Khi được hỏi nếu như Việt Nam cứ lấy lại sóng truyền hình của các nước trong khu vực như Thái-lan, Malaysia sau đó phát chậm 1-2 phút thì FPT cũng không làm gì được các nhà đài, ông Châu cho rằng "công nhận nếu như vậy thì chúng tôi không làm gì được họ. Cả việc họ đến tận nơi làm các ghi chép, phóng sự trước và sau trận đấu cũng không nằm trong phạm vi độc quyền. Khi chúng tôi bỏ ra 2 triệu USD thì có nghĩa là chúng tôi cũng đã mạo hiểm nhưng tôi đánh giá cao VTV, HTV đã cùng với chúng tôi phục vụ công chúng hâm mộ. Và một lý do khác cũng được chúng tôi chia sẻ. Đó là việc mong muốn uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực thể thao được nâng cao khi chúng ta tham gia đấu thầu đàng hoàng và phát sóng công khai mà không hề sợ ai. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia Công ước sở hữu trí tuệ Bern và sắp tham gia Công ước bản quyền truyền hình Brussel nên chuyện xem chùa sẽ không thể kéo dài được lâu".

FPT nói thế thì cứ nói nhưng tất cả những người trong cuộc hay ít nhiều liên quan đến vấn đề này thì đều chung một nhận định: FPT đã thắng lớn trong phi vụ kinh doanh nhanh nhạy này còn các đài truyền hình thì ít nhiều đều bị “choáng”. Còn đối với người hâm mộ thì rõ ràng họ vẫn sung sướng khi được xem miễn phí 64 trận đấu căng thẳng, hấp dẫn ở đỉnh cao của World Cup 2006 trên nước Đức.