- Thể Công rớt hạng, lần đầu tiên sau 24 năm có giải VĐQG và lần đầu tiên sau 50 năm thành lập, hẳn là ông buồn lắm?
- Đấy là một cú sốc quá lớn với một người đã gần như gắn bó tất cả đời mình với Thể Công. Thực ra tôi không bất ngờ, bởi đấy là chuyện đã được dự báo từ trước, nhưng tôi vẫn đau đớn vì biết đấy mà không thể làm gì được để chặn đứng cái ngày buồn ấy. Hôm Thể Công thua SLNA 1-8, tôi phải nghe đến vài chục cú điện thoại. Chia sẻ có, trách móc có. Nhưng sức một ông lão bảy mấy tuổi như tôi thì có làm được gì. Đêm ấy, tôi gần như thức trắng, bởi những kỷ niệm về một thời Thể Công oanh liệt, hào hùng dồn dập hiện về trong tâm trí. Tôi gần như muốn khóc mà không sao khóc nổi.
- Ông đã dự cảm thấy đại họa ấy như thế nào?
- Mấy năm gần đây, Thể Công thi đấu chật vật chỉ để cố gắng trụ hạng. Không ít lần tôi đã gặp các anh bên Cục Quân huấn, Trung tâm TDTT Quân Đội và CLB Thể Công, tiếc rằng không lần nào có cơ hội góp ý thật thẳng thắn về vấn đề này. Tôi không thể tự chạy đến xin việc. Mà hình như người ta cũng chẳng muốn nhờ. Đầu năm nay, ngay trong lễ xuất quân tôi đến bắt tay từng chiến sĩ - cầu thủ mà lòng cứ canh cánh một mối lo không tên. Rồi cùng với những kết quả bết bát của đội, mối lo sợ ấy cứ thế lớn dần, lớn dần...
Lịch sử Thể Công Thành lập: ngày 23-9-1954 với tên gọi Thể Công (Đoàn Công tác thể dục thể thao Quân đội). Từ 1975 mang tên CLB TDTT Quân đội (Gọi tắt là CLB Quân đội). Từ năm 1998 đổi lại là Thể Công. Đơn vị chủ quản: Trung tâm TDTT Quân đội, thuộc Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu. Website: www.thecong.vze.com - do các CĐV xây dựng. Các cầu thủ xuất sắc: - Trương Tấn Bửu, Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường, Trần Văn Khánh, Nguyễn Hồng Sơn... Siêu cúp Việt Nam: vô địch 1999. Giải VĐQG: + VĐ: 1981-82, 1982 – 83, 1987, 1990, 1998. + HCB: 1984, 1986, 1989 + HCĐ: 1992, 1993 - 94, 2000 - 01 + Vô địch hạng A miền Bắc: 1955; 1956; 1958; 1974; 1975; 1976. |
- Nghe nói trong quá trình thi đấu lủng củng ấy lãnh đạo Thể Công từng tìm đến ông và mời về làm cố vấn?
- Vâng. Nhưng vấn đề là có thành tâm hay không mới quan trọng. Anh Kiều (nay là cục phó cục Quân huấn Đinh Kiều) có tới gặp tôi cả thảy hai lần. Lần đầu trước Tết nói sơ sơ. Lần thứ hai sau Tết 10 ngày đặt vấn đề chính thức. Nhưng tôi đáp rằng tôi chỉ nhận lời nếu có thực quyền chứ tôi không chi nhận một cái hư danh. Các anh ấy hẹn về báo cáo cấp trên rồi sẽ trả lởi sớm. Từ ngày ấy đến nay bao lâu rồi nhỉ? Và Thể Công cũng đã rớt hạng mất rồi. Thế mà tôi vẫn chưa hề nhận được dù chỉ một lời hồi đáp qua điện thoại. Vậy, anh bảo tôi phải làm gì? Chạy đến xin người ta đồng ý giao việc cho mình?
- Dường như một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sa sút của Thé Công đến từ đội ngũ quản lý. Đúng vậy không, thưa ông?
- Người ta cứ nói rằng Thể Công không kịp chuyển mình để theo kịp các CLB khác trong xu thế chuyên nghiệp là vì cơ chế. Không sai, nhưng cơ chế ở đâu ra, chẳng phải chính là tự chúng ta hay sao? Nếu thực sự giỏi và tâm huyết, đội ngũ cán bộ quản lý của Thể Công đã phải làm được việc quan trọng là tham mưu cho cấp chủ quản và Bộ một hướng đi một phương pháp làm phù hợp với tình hình mới. Làm sao có thể yêu cầu lãnh đạo Bộ Quốc phòng phải am hiểu rành rọt những vấn đề mang tính chuyên môn của bóng đá kia chứ. Cán bộ quản lý thiếu tâm huyết, không thực sự sống chết vì Thể Công thì làm sao họ có thể làm gương cho cấp dưới, nhất là các cầu thủ. Tôi không có ý chê các anh Thế Anh, Cao Cường, Phan Văn Mỹ hay Quản Trọng Hùng, bởi khi còn là cầu thủ thì họ là những nhân tài hiếm có của BĐ Việt Nam. Nhưng không phải cứ cầu thủ giỏi thì có thể làm quản lý, HLV giỏi. Bị đặt nhầm chỗ, họ làm sao có thể cho kết quả tốt được. Ngẫm ra thì họ đáng thương hơn là đáng trách, phải không anh?
- Bởi rớt hạng mà trong dư luận có nguồn tin rằng Thể Công có thể bị giải thể, nghĩa là tượng đài của BĐ Việt Nam sẽ sụp đố vào đúng thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập, ông nghĩ sao?
- Bản thân tôi cũng có nghe phong thanh chuyện này. Trời đất ơi, Thể Công đâu chỉ là một đội bóng mà người ta định giải thể nó! Suốt 50 năm qua, Thể Công là biểu tượng cho sức sống của thể thao quân đội, là niềm tự hào của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ vận động viên; là niềm vinh quang của bóng đá Việt Nam, là niềm vui - nỗi buồn của người hâm mộ. Nếu thông hiểu lịch sử của Thể Công, thì có thể nói, Thể Công là một binh chủng đặc biệt của QĐNDViệt Nam, một phần của lịch sử Quân đội việt Nam. Bộ Quốc phòng mà định xóa Thể Công khác nào cắt đi một bộ phận trên cơ thể Quân đội Việt Nam!
- Vì sao lại gọi Thể Công là một "binh chủng đặc biệt" của QĐND Việt Nam, thưa ông?
- Đấy là cách dùng từ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và trở thành tôn chỉ hoạt động của Thể Công. Tôi nhớ ngay sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp thu chi thị của T.Ư Đảng, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác thể dục thể thao Quân Đội (gọi tắt là Thể Công). Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi ấy đã nhấn mạnh: chiến sĩ quân đội không chỉ biết chiến đấu mà còn phải biết công tác. Công tác ở đây là các hoạt động tuyên truyền văn hóa thể thao, lấy sự nỗ lực của mình trong lĩnh vực ấy làm ngọn cờ đầu. Hiểu rõ trách nhiệm ấy mà chúng tôi, những chiến sĩ đầu tiên chấp nhận khoác lên mình "quần đùi áo số". Ngay đến một tỉnh ủy viên như anh Tống Viết Khánh còn vui vẻ hòa mình vào cái nôi Thể Công trong lớp cầu thủ đầu tiên nữa là. Suốt 50 năm qua, Thể Công đã tồn tại và phát triển đúng theo tôn chỉ ấy: một binh chủng đặc biệt của Quân đội ND Việt Nam. Bỏ Thể Công nghĩa là bỏ đi một binh chủng của mình hay sao?!
- Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Thể Công có khi nào đứng trước khó khăn như hiện nay không?
- Năm 1965, khi Mỹ mở chiến dịch đánh phá miền bắc, phòng TDTT Quân Đội bị giải tán, toàn bộ hệ thống TDTT của toàn quân cũng bị giải thể theo. Riêng Thể Công cũng đứng trước nguy cơ phải giải thể. May thay, nhờ sự giúp đỡ của tướng Bằng Giang, nhiệt tình của chúng tôi địa được chấp thuận. Tướng Vương Thừa Vũ bằng lòng cho phép Thể Công lui về hoạt động dưới mái nhà của trường Sĩ quan lục quân trong vòng 5 năm để tiếp tức tồn tại. Nếu như không có quyết định ấy thì đã chẳng có những Sỹ Hiển, Thái Nguyên Bền, Trọng Giáp, Ba Đẻn, Cao Cường, Văn Mỹ... lừng lẫy sau này. Thời chiến, giữa lúc bom đạn khó khăn và khắc nghiệt thế mà còn chống chịu được, huống hồ thời bình và đất nước đang đi lên như bây giờ. Với suy nghĩ của riêng tôi, bỏ Thể Công đi là có lỗi với những bậc tiền bối của QĐND Việt Nam tùng vun vén cho tượng đài ấy phát triển: Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ... và có lỗi với các tầng lớp nhân dân, người hâm mộ bóng đá cả nước. Bằng mọi giá, Thể Công phải tiếp tục tồn tại. Chỉ cần có quyết tâm làm lại. Mà đã làm lại thì cần làm triệt để cần thay đổi mạnh mẽ từ đội ngũ quản lý trở đi. Và Thể Công cần có cơ sở vật chất đầy đú, một CLB bóng đá chuyên nghiệp không thể cứ lang thang nay đây mai đó để tập nhờ được! Thực ra thì tất cá mọi điều kiện ấy' đều hoàn toàn nằm trong tay ngành Quân đội. Không khó để vực dậy Thể Công, miễn là thực sự có tâm huyết và cách làm đúng đắn?
- Xin cảm ơn ông!