Bình luận quốc tế

Mối lo chung

Nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ đang từng bước phục hồi sau khi "cơn bão" Covid-19 đang dần qua đi và gói kích thích khổng lồ 1.900 tỷ USD phát huy tác dụng. Tuy nhiên, một loạt thách thức lớn, nhất là các nguy cơ tài chính, cũng đang đặt ra với nước Mỹ trong thời gian tới.

Trang mạng Project-syndicate.org của Mỹ vừa chỉ ra rằng nước Mỹ đang và sẽ đối mặt nguy cơ bong bóng nợ gia tăng từ các gói kích thích kinh tế hiện nay. Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là những thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế, nước Mỹ thường thông qua giải pháp "dân chủ hóa tài chính" để giúp các hộ nghèo, người nghèo có cơ hội vay tiền mua nhà, cải thiện cuộc sống. Sau đó, các tổ chức tài chính dùng chính những căn nhà này thế chấp để tạo ra dòng tiền.

Cơ chế tài chính đó tạo ra " bong bóng tài chính" và khi bong bóng vỡ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính nghiêm trọng năm 2008. Vì thế, với các gói kích cầu khổng lồ của Chính phủ Mỹ hiện nay, các chuyên gia kinh tế cảnh báo "kịch bản nguy hiểm" tương tự có thể sẽ lặp lại.

Hiện nay, những công nhân làm việc tự do, tạm thời cũng được chào mời các khoản vay. Hàng triệu người đã mở tài khoản trên các ứng dụng tài chính và có thể đầu cơ vào cổ phiếu. Trong một phát biểu mới đây, Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ G.Pao-oen khẳng định rằng, mức nợ hiện nay của Mỹ chưa đáng lo ngại và chính phủ không gặp khó khăn trong việc thanh toán lãi. Tuy nhiên, ông thừa nhận nợ hiện ở mức 22.960 tỷ USD đang tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và đây là điều không bền vững. Như vậy, nước Mỹ không thể xem nhẹ các nguy cơ về bong bóng tài chính.

Một vấn đề lớn nữa gây lo ngại cho nước Mỹ thời "hậu Covid-19" là khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng mạnh. Các thống kê trên thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy, khoảng 10% số người ở nhóm trên cùng trong thang thu nhập của nước Mỹ chiếm hơn 87% tổng tài sản của thị trường chứng khoán, trong khi 50% số người ở phần dưới thang thu nhập chỉ nắm 0,7% tổng số tài sản. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, cùng với sự trỗi dậy của các hãng công nghệ và khoảng cách giàu nghèo gia tăng, nguy cơ thất nghiệp cũng cao chưa từng thấy khi các doanh nghiệp trong "Big Tech" của Mỹ (năm hãng công nghệ lớn gồm: Google, Apple, Microsoft, Amazon, Facebook) đang "đánh cắp" công ăn việc làm của nhiều người. Trang mạng Project-syndicate.org đã chỉ ra rằng, cứ một việc làm mà hãng Amazon tạo ra, ngành bán lẻ sẽ mất đi ba việc làm.

Một mối lo không nhỏ nữa của nước Mỹ là đà phục hồi kinh tế hiện vẫn mong manh và mối đe dọa từ dịch Covid-19 rất lớn, dù các số liệu thống kê cho thấy kinh tế nước này đã phục hồi mạnh theo mô hình "chữ K". Chủng vi-rút mới tiếp tục xuất hiện làm dấy lên lo ngại rằng, các loại vắc-xin hiện có không đủ mạnh để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng trở lại tại Ấn Ðộ, Nhật Bản và nhiều nước Ðông - Nam Á, châu Phi gần đây cho thấy môi trường bên ngoài không thuận lợi cho kinh tế Mỹ. Có lẽ phải khá lâu nữa, môi trường kinh doanh toàn cầu mới có thể trở lại trạng thái "bình thường cũ" như trước khi đại dịch xuất hiện.

Nước Mỹ đã huy động nội lực để chống dịch và kích cầu kinh tế mạnh mẽ trong thời gian qua với kỳ vọng nền kinh tế sẽ "sang trang mới" trong năm 2021. Tuy nhiên, những phân tích nêu trên cho thấy, các nguy cơ vẫn rất lớn và đây cũng là mối lo chung của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

THĂNG LONG