Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga: Không dễ tìm tiếng nói chung

Trọng tâm của dự thảo gói trừng phạt mới nhằm vào Moskva mà giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực bàn thảo là lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Tuy nhiên, “liên minh cờ xanh” vẫn loay hoay tìm tiếng nói chung để thông qua lệnh cấm vận thứ 6 này, bởi mức độ tự chủ về nguồn cung năng lượng của các thành viên rất khác biệt.

Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khác với quyết định ngừng sử dụng than đá của Nga, mà EU nhanh chóng thông qua hồi tháng 4, lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Nga không dễ áp đặt. Năm 2021, EU chi 5 tỷ euro nhập than đá từ Nga, song phải trả tới 71 tỷ euro để mua dầu mỏ của Moskva. Lệnh cấm nhập khẩu dầu sẽ là một đòn mạnh giáng vào Nga, song với mức độ phụ thuộc và nguồn cung năng lượng của Nga như hiện nay, rõ ràng các thành viên EU không thể thông qua lệnh cấm này trong một sớm một chiều.

Trước thềm cuộc họp ngày 4/5 của các đại sứ 27 nước thành viên EU bàn về nội dung gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ, EU còn chia rẽ về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Bản dự thảo gói trừng phạt mới đối với Nga đề xuất các nước thành viên EU thực hiện lệnh ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga theo từng bước, trong vòng từ 6 đến 8 tháng. Hungary và Slovakia, hai thành viên EU vốn phụ thuộc gần như 100% nguồn cung dầu thô từ Nga, được phép triển khai lệnh cấm vận chậm hơn vài tháng so với các thành viên còn lại.

Ba Lan tuyên bố sẵn sàng độc lập hoàn toàn khỏi dầu mỏ của Nga và sẽ hỗ trợ các nước cắt nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Vacsava hối thúc EU đưa ra một thời điểm cụ thể mà các nước thành viên phải ngừng nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời hy vọng lệnh cấm có hiệu lực trước khi kết thúc năm 2022. Ðức cũng tuyên bố ủng hộ lệnh cấm vận từng bước và cho biết, Berlin đã đạt tiến triển lớn trong nỗ lực giảm phụ thuộc năng lượng Nga, với nguồn cung từ Nga hiện chỉ chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Ðức.

Trong khi đó, Slovakia lại cho rằng, nước này cần tới vài năm và phải chi một khoản lớn mới có thể thực hiện được lệnh cấm. Nhà máy lọc dầu của Slovakia được thiết kế chỉ để xử lý dầu từ Nga và nếu muốn cấm vận thì phải điều chỉnh hoặc thay thế gần như hoàn toàn hệ thống để nhập dầu từ nhà cung cấp khác. Là một trong số quốc gia EU phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, Hungary cũng cho biết, nước này hiện không có lựa chọn khác và sẽ phải chi rất nhiều tiền cho nhiên liệu nếu không có nguồn cung từ Nga. Theo một số nguồn tin, Bulgaria và Séc cũng có thể tìm cách né tránh áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ của Nga.

Trong khi EU nỗ lực thống nhất về lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ của Nga, trên truyền thông lại xuất hiện nhiều hơn các cảnh báo về nguy cơ giá năng lượng thế giới leo thang, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, trong đó có các thành viên EU. Theo kết quả khảo sát do Ngân hàng Tái thiết Ðức (KfW) công bố ngày 3/5, khoảng một nửa số đô thị ở Ðức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang gặp khó khăn liên quan giá năng lượng tăng.

Thủ tướng Italia Mario Draghi (M.Ðra-ghi) kêu gọi EU hành động để giải quyết vấn đề giá năng lượng ngày càng tăng, nhấn mạnh rằng khối cần có các giải pháp về mặt cấu trúc. Nhà lãnh đạo Italia thậm chí còn cho rằng, các nước châu Âu đang trong vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng đa chiều, gồm an ninh, nhân đạo, năng lượng và kinh tế.

Ba Lan đã phải nhận sự hỗ trợ từ Ðức và Bulgaria cần tới sự trợ giúp của Hy Lạp, sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cắt nguồn cung khí đốt hồi tuần trước, với cáo buộc hai nước trên không thanh toán các hợp đồng bằng ruble theo yêu cầu của Nga. Tuy nhiên, những phương án hỗ trợ như vậy chỉ được coi là tạm thời. Rõ ràng, EU cần tiếp tục tính đến các biện pháp mang tính hệ thống và dài hạn để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, bởi 30% lượng dầu mỏ tiêu thụ tại khối vẫn được nhập từ Nga.