Iran và Qatar bắt tay hợp tác, "đôi bên cùng có lợi”

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Abdulrahman Al-Thani đã bất ngờ tới thủ đô Tehran của Iran trong khuôn khổ chuyến thăm không được thông báo trước. Diễn ra vài ngày sau chuyến công du của ông Al-Thani tới Mỹ, chuyến thăm Tehran của quan chức Qatar nhằm củng cố vai trò trung gian của Doha giúp cải thiện quan hệ giữa Iran với các nước láng giềng ở vùng Vịnh.

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi (bên phải) tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Abdulrahman Al-Thani tại Tehran, ngày 25/7. (Ảnh: Tasnim)
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi (bên phải) tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Abdulrahman Al-Thani tại Tehran, ngày 25/7. (Ảnh: Tasnim)

Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi khẳng định Tehran đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Doha và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền do ông lãnh đạo sẽ là mối quan hệ với các nước láng giềng.

Trước chuyến thăm Iran, ông Al-Thani đã thăm Mỹ để đánh giá lại tình hình hợp tác song phương và những diễn biến mới nhất trong khu vực, đặc biệt là hàng loạt vấn đề “nóng” ở Afghanistan, Iran, Syria và Palestine. Ông Al-Thani nhấn mạnh tới yêu cầu triển khai một tiến trình đối thoại cởi mở và minh bạch giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với Iran vì sự ổn định ở khu vực.

“Sự thân thiết” giữa Qatar và Iran từng là một trong những nhân tố dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh. Cáo buộc Doha hợp tác với Tehran và tài trợ các nhóm khủng bố trong khu vực, bốn quốc gia là Arabia Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar từ giữa năm 2017. 

Tuy nhiên, Qatar lại là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông và Washington đã thúc đẩy các nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Doha với các quốc gia Arab ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và Qatar mới đây cũng chứng kiến những thay đổi khi Mỹ vừa đóng cửa các căn cứ rộng lớn ở Qatar, nơi cất giữ các kho vũ khí và chuyển bớt thiết bị quân sự sang Jordan. Việc di chuyển quân đội Mỹ đến Jordan được cho là làm giảm nguy cơ tấn công tên lửa ở vùng Vịnh và theo các nhà phân tích, động thái này của Washington nhằm đối phó tốt hơn với Iran, cũng như phản ánh các ưu tiên đang thay đổi trong bố trí lực lượng của Mỹ tại Trung Đông.

Tổng thống đắc cử của Iran Raisi cam kết sẽ cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, trong bối cảnh Tehran muốn thoát khỏi thế bị cô lập do các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân chưa đạt kết quả. Việc Iran muốn làm tan băng trong quan hệ với các quốc gia khác ở vùng Vịnh sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực. 

Bắt tay hợp tác giữa Iran và Qatar giúp hai bên củng cố vị thế của mình tại khu vực, trong bối cảnh Trung Đông đang chứng kiến sự điều chỉnh chính sách của Mỹ, quốc gia được cho là đang “xoay trục” sang châu Á.