Dịch bệnh và nạn đói - “Mối lo kép” ở nhiều quốc gia

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục là 12% trong năm 2021. Giá lương thực tăng trong bối cảnh hàng triệu người bị mất việc làm vì dịch bệnh đang làm dấy lên “mối lo kép” ở nhiều quốc gia khi phải cùng lúc đối mặt dịch bệnh và nguy cơ đói kém.

Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn Kebribeyah, miền đông Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN.
Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn Kebribeyah, miền đông Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN.

Theo báo cáo Triển vọng Lương thực được FAO công bố hai lần/năm, chi phí nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt mức kỷ lục 1.715 tỷ USD trong năm 2021, so với con số 1.530 tỷ USD trong năm 2020. Trước đó, FAO cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5-2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó. Tình hình này sẽ khiến vấn đề an ninh lương thực “nóng” tại nhiều quốc gia.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá lương thực tăng mạnh là do lượng nhập khẩu lương thực cơ bản tăng mạnh vào năm 2020 khiến chi phí nhập khẩu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục là 3%. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng nhập khẩu thực phẩm cũng khiến giá nông sản thế giới tăng cao. FAO dự báo rằng, nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong niên vụ 2021 - 2022 dự kiến sẽ tăng lên mức 24 triệu tấn, cao hơn mức dự báo 22 triệu tấn trước đó.

Việc giá lương thực tăng cao, trong khi số người mất việc làm gia tăng; chuỗi sản xuất, cung ứng lương thực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thiếu đói tại nhiều quốc gia. Liên hợp quốc đã cảnh báo thế giới có 34 triệu người dân đang “bên bờ vực nạn đói” và tình trạng này sẽ gia tăng mạnh tại hơn 20 quốc gia.

Tháng 4 vừa qua, FAO thông báo an ninh lương thực đang đe dọa Tây và Trung Phi với khoảng 31 triệu người có thể bị đói trong chuyển giao mùa từ tháng 6 đến tháng 8-2021 ở khu vực này. Nguyên nhân mất an ninh lương thực là do giá lương thực tăng vọt tại đây, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột và các tác động kinh tế xã hội từ đại dịch Covid-19.

Theo Giám đốc FAO ở Tây và Trung Phi Chris Nikoi, giá cả tăng “theo cấp số nhân” đã làm gia tăng sự nghèo đói, đẩy hàng triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực và tuyệt vọng. So với mức trung bình của nhiều năm trước, các sản phẩm lương thực địa phương đã tăng gần 40%, và trong một số khu vực, giá đã tăng hơn 200%.

Mới đây, Liên hợp quốc đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, nhất là tại các “điểm nóng” của Tây Phi. Trước Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra từ ngày 11 đến 13-6 ở Anh, cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi lãnh đạo các nước G7 thực hiện các cam kết viện trợ thêm hàng tỷ USD để giải quyết và ngăn ngừa nạn đói tại một số quốc gia thuộc diện “dễ bị tổn thương”.

Một quan chức Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết, khối này sẽ cấp khoản viện trợ bổ sung trị giá 250 triệu euro nhằm giải quyết nạn đói tại châu Phi, Afghanistan và Venezuela. Trong khi đó, mới đây, tại Seoul, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Nông thôn Hàn Quốc đã tổ chức phiên họp chuyên đề về nông nghiệp và thực phẩm. Theo đó, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ đối tác công - tư và hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh (sản xuất đi liền với bảo vệ môi trường) trong ngành lương thực.

Thực tế nêu trên đang cho thấy, sau đại dịch Covid-19, thế giới đang cùng lúc đối mặt một loạt các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khác, trong đó có an ninh lương thực. Dịch bệnh và nạn đói đang trở thành “mối lo kép” xuất hiện cùng lúc tại nhiều quốc gia.

Để giải quyết căn bản vấn đề này, ngoài các biện pháp chữa cháy thông qua các khoản tài trợ khẩn cấp, cộng đồng quốc tế cần phối hợp để có biện pháp đồng bộ, lâu dài về chấm dứt xung đột vũ trang và phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là tại các quốc gia châu Phi.