Cuộc đối thoại cam go giữa hai cường quốc

Cuộc tham vấn Nga-Mỹ về bảo đảm an ninh diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) đã kết thúc sau gần 8 giờ đàm phán, với kết quả không ngoài dự đoán. Mặc dù không có bước đột phá nào, song việc Mỹ tỏ ra “rất coi trọng” các đề xuất của Moskva về bảo đảm an ninh, trong khi Washington đưa ra một số gợi ý về các biện pháp song phương nhằm cải thiện tình hình là động thái tích cực nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng giữa hai cường quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại vòng đàm phán an ninh Nga-Mỹ ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 10/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại vòng đàm phán an ninh Nga-Mỹ ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 10/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc hội đàm kín Nga-Mỹ đã diễn ra ở Phái đoàn thường trực Mỹ tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva. Dẫn đầu phái đoàn Nga là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov (X.Ri-áp-cốp) và Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin (A.Pho-min), trong khi Trưởng phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman (O.Sơ-man). Cuộc đối thoại an ninh này nằm trong khuôn khổ đối thoại ổn định chiến lược giữa hai cường quốc. Đây được coi là diễn đàn để Washington và Moskva trực tiếp giải quyết các lo ngại về an ninh và đưa ra các giải pháp khả thi.

Tiếp theo các cuộc họp vào tháng 7 và tháng 9/2021, đây là cuộc đối thoại an ninh thứ ba, song là cuộc họp đầu tiên trong số ba cuộc họp diễn ra ở châu Âu trong tuần này giữa các quan chức Nga với Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác ở châu Âu. Sau cuộc hội đàm tại Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đến Brussels (Bỉ) để giới thiệu với các đồng minh NATO về các cuộc đàm phán song phương với Nga, trước cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO trong ngày 12/1 và cuộc thảo luận của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra một ngày sau đó tại Vienna (Áo).

Vấn đề trọng tâm của cuộc đàm phán là các đề xuất an ninh của Nga đối với NATO và Mỹ, đặc biệt là các điều khoản về việc cùng nhau không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn, không mở rộng NATO về phía đông và giảm các cuộc tập trận quân sự. Các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đều nhất trí rằng, đã đến lúc bắt đầu đàm phán nhanh chóng để đạt tiến triển trong các vấn đề vũ khí chiến lược, quan hệ NATO-Nga và an ninh ở châu Âu, liên quan chủ yếu đến Ukraine. Mặc dù nhấn mạnh tiến trình đàm phán với Mỹ về chủ đề bảo đảm an ninh là rất khó khăn, song Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng có những nhận định tích cực. Phía Nga cho rằng, hai bên còn rất “vênh nhau” trong một loạt vấn đề, song cuộc hội đàm đã diễn ra với tinh thần “chuyên nghiệp” và Mỹ tỏ ra coi trọng đề xuất của Nga.

Trong khi đó, Nhà trắng cho rằng, các cuộc tham vấn Nga-Mỹ đã diễn ra chân thành và cởi mở. Theo bà Sherman, phía Mỹ đã có cuộc thảo luận thẳng thắn và trực diện với phái đoàn Nga và để ngỏ khả năng hai bên sớm gặp lại để bàn về các vấn đề song phương một cách chi tiết hơn. Hai bên đã thảo luận những biện pháp “có đi có lại” nhằm giảm căng thẳng liên quan vấn đề triển khai tên lửa và số lượng những cuộc tập trận được Moskva đưa ra trong các đề xuất bảo đảm an ninh. Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận về tương lai của một số hệ thống tên lửa ở châu Âu liên quan Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trước đây mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi năm 2018.

Mặc dù vậy, hai bên tiếp tục không nhượng bộ trong một số vấn đề. Nga cho biết vẫn chưa nhận thấy sự thấu hiểu từ phía Mỹ về mức độ cấp bách của tình hình và Moskva sẽ đưa ra quyết định về khả năng có tiếp tục tham gia những cuộc đàm phán tiếp theo với Washington hay không sau các cuộc họp sắp tới với NATO. Ngay trước thềm đàm phán, Nga đã cảnh báo Mỹ và NATO có thể đối mặt tình hình an ninh nghiêm trọng hơn nếu không chú trọng đối thoại về các cam kết an ninh. Theo Thứ trưởng Ryabkov, có cơ sở cho thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, song Washington không nên đánh giá thấp nguy cơ xảy ra đối đầu giữa hai bên.

Trong khi đó, Mỹ cũng nhắc lại những hành động tiềm tàng mà Mỹ và các đồng minh sẵn sàng thực hiện liên quan tới tình hình Ukraine, bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính, kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các ngành công nghiệp, tăng cường thế trận của NATO trên lãnh thổ đồng minh và hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Mỹ cũng cho biết không có ý định bắt đầu thảo luận với Nga về việc hạn chế số lượng thành viên của NATO vì đây luôn là một trong những nguyên tắc cơ bản của liên minh.

Với nhiều khác biệt và bất đồng sâu sắc, các vấn đề đang được thảo luận giữa Nga và Mỹ sẽ không thể được giải quyết trong “một sớm một chiều”. Đứng trước nhiều vấn đề gai góc trong quan hệ Nga-Mỹ, cả hai bên cần có những nhượng bộ về ổn định chiến lược và an ninh ở châu Âu. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán an ninh cam go, nhất là các cuộc đối thoại ở cấp cao giữa hai cường quốc, được đánh giá là bước đi đúng hướng trong nỗ lực giảm căng thẳng, góp phần duy trì hòa bình và an ninh.