Áp lực tăng nguồn cung dầu mỏ

Mỹ và Ấn Độ quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược nhằm góp phần hạ nhiệt giá "vàng đen". Đây là biện pháp "cực chẳng đã" mà hai quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ không thể thuyết phục Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tăng sản lượng. Các nước sản xuất dầu mỏ đứng trước áp lực phải tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một mỏ dầu tại bang Texas, Mỹ, năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Một mỏ dầu tại bang Texas, Mỹ, năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Sau khi đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh mở kho dự trữ dầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này trong nỗ lực hạ nhiệt giá dầu. Đây là lần đầu tiên Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Theo một quan chức Mỹ, động thái này sẽ bắt đầu từ giữa hoặc cuối tháng 12 tới và Mỹ có thể can thiệp hơn nữa nhằm ổn định thị trường.

Một số nền kinh tế lớn đang xem xét lời kêu gọi của Mỹ về việc mở một phần kho dự trữ dầu chiến lược. Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ xuất khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ, khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới này đang có khoảng 38 triệu thùng dầu trong các kho dự trữ ngầm. Trung Quốc tuy từ chối bình luận về đề nghị của Mỹ, nhưng cho biết đang xem xét việc khai thác kho dự trữ dầu chiến lược. Hàn Quốc cũng đang xem xét yêu cầu từ Mỹ, song Seoul chỉ có thể làm như vậy trong trường hợp mất cân bằng nguồn cung. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết, theo luật, nước này không thể "giải phóng" dự trữ dầu thô để hạ giá năng lượng.

Động thái của Mỹ can thiệp sâu hơn vào thị trường dầu mỏ cho thấy, Mỹ không hài lòng với quyết định của OPEC+ về duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, OPEC dù muốn cũng không còn nhiều dư địa để tăng sản lượng nhanh hơn. Trước đây, vào các thời điểm giá dầu quá thấp, các nhà sản xuất nhỏ trong OPEC ở châu Phi và một số nhà sản xuất lớn hơn ở vùng Vịnh có thể tăng sản lượng nhiều hơn mức mà OPEC đặt ra.

Hiện nay, do tác động của đại dịch Covid-19 và vấn đề môi trường, chỉ ba thành viên OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq có đủ năng lực để tăng nhanh nguồn cung, trong khi nhiều thành viên không còn khả năng dự trữ.

Giới đầu tư đang thận trọng theo dõi mọi động thái của Chính phủ Mỹ. OPEC cho rằng có nhiều khả năng nguồn cung toàn cầu sẽ thặng dư trở lại ngay sau tháng 12. Trong khi đó, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng việc các quốc gia giải phóng kho dự trữ năng lượng không có tác động mạnh đến giá dầu thế giới.