Trách nhiệm công dân trong phòng, chống Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân, tổ chức xã hội đã tích cực ủng hộ, chung tay cùng chính quyền, cộng đồng, kịp thời có những việc làm ý nghĩa, nhân văn, truyền cảm hứng đến cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cá nhân gây bức xúc trong dư luận vì thường xuyên lên mạng xã hội để công kích, đả phá công tác phòng, chống dịch, xuyên tạc phủ nhận các nỗ lực của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ trong gần hai năm qua để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên phối hợp Công an huyện Ðồng Hỷ xác minh, hoàn thiện hồ sơ để xử phạt hành chính đối với một trường hợp đưa thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch của tỉnh trên Facebook. Ảnh: NHỊ HÀ
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên phối hợp Công an huyện Ðồng Hỷ xác minh, hoàn thiện hồ sơ để xử phạt hành chính đối với một trường hợp đưa thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch của tỉnh trên Facebook. Ảnh: NHỊ HÀ

Bắt đầu từ ngày 1/10, tại nhiều địa phương, nhất là các vùng tâm dịch ở phía nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai,… đã thực hiện nới lỏng giãn cách, đưa một số hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Giờ đây người dân được phép tham gia giao thông mà không cần giấy đi đường, lưu lượng phương tiện trên đường vì thế trở nên đông đúc. Trên các tuyến quốc lộ, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng cao và dẫn đến quá tải. Tại nhiều chốt giao thông liên vùng, liên tỉnh, tình trạng ùn tắc cũng đã diễn ra, nằm trong dự tính khi nhiều địa phương đồng loạt thực hiện nới lỏng giãn cách. Những “nút thắt” bất hợp lý từng bước được tháo gỡ với sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Thế nhưng một số phần tử quá khích, bức xúc thái quá đã gây mất trật tự an ninh xã hội, tấn công lực lượng chức năng, nhất là các chiến sĩ cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ. Khi bị lực lượng chức năng khống chế, số người này lập tức lu loa rằng mình bị đánh vô cớ. Ðiều đáng nói là một số cá nhân, trong đó có cả những người được dư luận quan tâm, chú ý trên mạng xã hội, lập tức khai thác thông tin này, để từ đó “chế biến”, “sản xuất”, lan truyền theo mục đích, ý đồ cá nhân. Nhìn rộng ra, hầu như sau khi đi qua nhãn quan, sự xử lý của số người này, các thông tin được dư luận quan tâm đều trở nên nghiêm trọng, thậm chí có “vấn đề mờ ám, khuất tất” khiến dư luận không khỏi hoang mang. Như gần đây họ phản đối công tác khoanh vùng cách ly, xét nghiệm trên diện rộng, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ, lên án giá test xét nghiệm,… Qua lăng kính của những người này, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được triển khai là thiếu linh hoạt, phù hợp vì thế kết quả  thu được rất hạn chế, không đúng như những gì người dân được thông tin. Việc người dân đang từng bước trở lại cuộc sống bình thường,… cũng không có thật. Họ tự bộc lộ sự tráo trở như khi người dân được yêu cầu ở nhà để bảo đảm công tác phòng, chống dịch thì họ lớn tiếng cho rằng người dân “bị ngăn sông cấm chợ”; nhưng khi dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, người dân được trở lại cuộc sống bình thường, tự do đi lại thì họ lập tức bẻ ngược ý kiến cho rằng chính quyền vì lợi ích kinh tế mà đẩy dân vào chỗ nguy hiểm. Cùng với đó, họ bám vào một vài vụ việc nổi cộm để lên án chính quyền, đả kích chế độ, cắt xén một số phát biểu để gây hiểu lầm, khai thác sai phạm của một vài cá nhân rồi quy chụp cho “cả hệ thống”. Từ đó, số người này không ngừng đưa ra những nhận định có tính quy kết về công tác cán bộ, về công tác phòng, chống dịch bệnh,… vốn không liên quan đến sự việc cụ thể mà họ đang cố tình gắn vào.

Thực tế, hoàn cảnh dịch bệnh đã và đang làm bộc lộ không ít nhược điểm của một số cán bộ trong khả năng điều hành công việc, hoạt động. Một số phát ngôn, ứng xử, hành động thiếu chuẩn mực, không đúng pháp luật, xa rời thực tế, thể hiện sự yếu kém về năng lực, trình độ, kỹ năng quản trị công việc của một vài cán bộ ở một số địa phương, ban, ngành đã gây bức xúc dư luận. Song đó không phải là số đông, và không thể lấy các sự kiện, hiện tượng cá biệt đó để quy kết, đánh giá chung cho cả bộ máy chính quyền và ban, ngành các cấp đang ngày đêm tận tụy, hy sinh, cống hiến hết mình để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Như câu chuyện cảm động về sáu cán bộ ở xã Bảo Ninh và phường Hải Thành (TP Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã chung tay lo mai táng cho người đã mất, dù biết sau đó sẽ phải cách ly y tế theo quy định. Rất nhiều nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân phòng, tình nguyện viên,… hằng ngày có mặt ở nơi tuyến đầu đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, đã có người ngã xuống nhưng không có ai nản lòng, lùi bước. Qua gần hai năm nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Ðảng, Nhà nước, chính phủ, hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ và nỗ lực của nhân dân, toàn xã hội đã góp phần tạo nên sức mạnh để chúng ta  từng bước đẩy lùi và khống chế dịch bệnh, quay trở lại cuộc sống bình thường mới. Nên việc một số cá nhân, nhất là người nổi tiếng, từ một vài sự việc, hiện tượng nhỏ lẻ, cá biệt đã cố tình liên hệ, quy kết thành bản chất để công kích công tác phòng, chống dịch của Việt Nam là hành vi thiếu thiện chí, mang mục đích cá nhân, thậm chí bất lương, không thể chấp nhận.

Ðáng phê phán là tình trạng một số Blogger, Vlogger sở hữu tích xanh trên mạng xã hội có nhiều người theo dõi, có độ phủ sóng rộng, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng cũng đưa thông tin thiếu chuẩn mực, cảm tính, không có sự kiểm chứng hoặc bịa đặt, xuyên tạc. Là người nổi tiếng nên những gì họ đã đăng tải thường được công chúng dễ dàng tin theo, tiếp tục lan truyền. Không ít người đã vượt quá giới hạn khi sử dụng mạng xã hội bằng việc đưa ra thông tin sai sự thật, tham gia đánh giá, bình luận về vấn đề không đúng chức năng, thẩm quyền với nội dung không chính xác, tác động xấu đến xã hội. Ðể câu like, câu view, một số cá nhân còn chủ ý lựa chọn góc nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí để tiếp cận, mổ xẻ, quy kết đầy cảm tính. Cá biệt có người lợi dụng sự quan tâm của cộng đồng với dịch Covid-19 mà thường xuyên đăng tải nội dung giật gân với cảnh chết chóc, dựng chuyện để lấy nước mắt của cộng đồng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân tham gia chống dịch, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục,... gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, tác động xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong gần hai năm qua, danh sách nghệ sĩ, người nổi tiếng trong giới showbiz, nhà báo,… bị xử phạt vi phạm hành chính vì đăng tải các thông tin không chính xác liên quan đến dịch Covid-19 đang ngày một dài ra. Dù mỗi người bị xử phạt vì vụ việc, sai phạm khác nhau, nhưng có những điểm chung là liên quan việc công bố thông tin bị xuyên tạc, bóp méo, gây nhiễu loạn khiến người tiếp nhận dễ hiểu sai lệch, dễ bị bức xúc, kích động, chia rẽ, gây bất lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, sự ổn định trật tự, an toàn xã hội. Ðáng lo ngại là nhiều thông tin lan truyền được thêm bớt theo chủ đích của người công bố, hướng lái theo nội dung khác xa ban đầu, nhằm thực hiện mục đích không trong sáng, kéo theo đó là những hệ lụy hết sức khó lường. Thực tế, một số tổ chức phản động, thiếu thiện chí đã nhanh chóng lợi dụng các phát ngôn cực đoan, lệch lạc của một số người nổi tiếng để từ đó xuyên tạc công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, phủ nhận các thành quả chúng ta đã đạt được, gây chia rẽ vùng miền, kích động chống phá, âm mưu bạo loạn xã hội. Có thể ví những thông tin đó như rác trên không gian mạng nhưng cũng hết sức nguy hiểm, độc hại, phải được dọn dẹp, loại bỏ để trả lại môi trường trong sạch, lành mạnh cho mạng xã hội, cũng như cho cuộc sống thực.

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trong phòng, chống dịch, các cơ quan chức năng đã kiên quyết vào cuộc để xử lý vi phạm trong thực tiễn cũng như trên mạng xã hội, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh. Nhiều cá nhân, trong đó có người nổi tiếng, vẫn tái phạm, thậm chí có thái độ thách thức. Do đó cần tiếp tục tăng cường, chấn chỉnh hành động lệch lạc, phạm pháp, tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến đời sống xã hội. Dù là người nổi tiếng, nếu có sai phạm cũng phải tùy theo mức độ để xem xét, ở mức nghiêm trọng có thể hạn chế tham gia hoạt động xã hội, cấm lên sóng truyền hình… Và bên cạnh việc thực hiện nghiêm mọi quy định pháp luật liên quan môi trường mạng, nhất là Luật An ninh mạng, cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi, thiết thực, hiệu quả “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành. Chỉ có xác định rõ ý thức trách nhiệm công dân, thượng tôn pháp luật, có thái độ sống tích cực, tinh thần trách nhiệm và nhận rõ quyền lợi, giới hạn của mình trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như khi tham gia mạng xã hội mới có thể giúp mọi cá nhân, nhất là người của công chúng tránh được các cạm bẫy, không có hành vi vi phạm pháp luật.