Theo nghĩa thông thường, phản tỉnh là tự kiểm tra tư tưởng, hành động trong quá khứ để nhận ra sai lầm, tìm cách phòng tránh. Vì vậy, phản tỉnh luôn mang tính tự giác và tự thân, lấy chính mình làm đối tượng để tìm ra các hạn chế, nhược điểm, từ đó khắc phục, sửa đổi, tự hoàn thiện; và đòi hỏi phải được thực hiện một cách sáng suốt, có bản lĩnh để nhìn thẳng vào sự thật. Trong lịch sử dân tộc, ở mức độ khác nhau, ý thức về phản tỉnh đã từng bước hình thành. Gần đây, sau khi một số người viện dẫn là ở nước ngoài có sách Người Mỹ xấu xí, Người Trung Quốc xấu xí nên Việt Nam cũng cần có một cuốn như vậy để nhận thức lại mình, thì phản tỉnh trở nên một vấn đề có tính thời sự. Yêu cầu trên không có gì sai trái, nhưng điều được viện dẫn lại không phải là phổ biến. Thực tế thì loại sách được dẫn ra làm thí dụ lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, không phải sách nghiên cứu về văn hóa, dù văn hóa là chủ đề chính. Người Mỹ xấu xí là một tiểu thuyết hiện thực trào phúng, đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Còn Người Trung Quốc xấu xí là tập tạp văn gồm các ghi chép, phỏng vấn, bài diễn thuyết do Bá Dương thực hiện. Trong cả hai cuốn sách, các tác giả tập trung chỉ trích một số dạng người đang làm phương hại thể diện dân tộc họ; song do lối viết trào phúng, chung chung và nóng vội, nên sự chỉ trích có phần phiến diện. Tuy nhiên, nhan đề "đao to, búa lớn" của hai cuốn sách lại được một vài người khéo lợi dụng làm to chuyện, phóng đại "giá trị".
Một trường hợp không thể không nhắc tới là gần đây đã xuất hiện một số bài viết sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu người Việt Nam với người ở quốc gia khác để nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, tìm hiểu con người Việt Nam. Và thường thì các bài này bỏ qua tất cả những đức tính, phẩm chất tốt đẹp, mà chỉ chăm chăm bêu xấu người Việt Nam như là để thỏa mãn chủ đích về cuốn sách "người Việt xấu xí"! Vừa qua, một nhà phê bình văn học đăng trên blog cá nhân bài Một nước Nhật quá xa xôi, sau đó có một số trang web đăng lại. Với vẻ cao đạo như đã là phong cách riêng, nhà phê bình tổ chức bài viết theo lối bút ký có lồng ghép các chương mục với đề từ hoa mỹ, để làm nổi lên hai chủ đề chính là: ca ngợi Nhật Bản và hạ thấp Việt Nam. Ai cũng biết Nhật Bản là quốc gia phát triển, với nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, sự ca ngợi nào đó không phải là điều bất thường. Nhưng ca ngợi như nhà phê bình này thì có khi chính người Nhật Bản cũng không dám nhận, nhất là chỉ sau năm ngày du lịch mà ông đã tự tin để đặt bút viết: Nhật Bản là "hình ảnh đảo ngược của xã hội Việt, người Việt"! Nước Nhật Bản đương đại cũng có vấn đề riêng của họ, họ giải quyết tốt một số vấn đề mà Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện nhưng chưa làm được, hoặc còn làm chưa hiệu quả. Ðáng lẽ nhà phê bình cần tìm hiểu để sẽ cẩn trọng hơn, nhưng hẳn là vì muốn "chê cho đã" nên ông lại chỉ đi tìm những gì phù hợp với tiêu chí riêng? Từng tỏ ra tâm đắc với cuốn sách của Bá Dương, nhưng nhà phê bình nọ không coi cuốn sách chỉ như một gợi ý, nên ông không quan tâm điều Bá Dương thừa nhận: "Chúng ta cũng không thể ca ngợi nước Mỹ là một đóa hoa được. Nếu thật tình nó đẹp như một đóa hoa thì người Mỹ đã không phải dùng đến những nhà lao (...) Thật ra để tự cứu mình, chúng ta không nhất thiết cần phải noi gương nước Mỹ, nước Ðức, nước Nhật".
Sử dụng phương pháp đối lập để hạ thấp Việt Nam, qua mớ luận lý hỗn độn và luận điểm cay nghiệt, cực đoan rồi phóng đại thói xấu của một bộ phận người Việt Nam thành thói xấu của dân tộc, trong bài viết trên, nhà phê bình còn suy diễn, bịa đặt. Ông cho rằng, Việt Nam hiện giờ là một "quốc gia xuất khẩu lưu manh". Mấy dẫn chứng vơ quáo vơ quào trong chuyến du lịch năm ngày chỉ giúp ông hạ thấp hơn dân tộc đã sinh ra ông, không mảy may lưu tâm chính ông cũng là một con dân nước Việt, và mọi điều dù hay, dù dở của dân tộc cũng trực tiếp làm nên con người ông. Hay ông coi mình là người đứng trên dân tộc, đứng ngoài dân tộc?
Ðây không phải lần đầu ông làm công việc để có "cái danh" được một số người xưng tụng. Mấy năm trước, nhà phê bình này từng lập một chuyên đề nhiều kỳ về "thói hư tật xấu người Việt" đăng trên một tờ báo có uy tín. Công việc của ông chủ yếu là trích dẫn từ các bài viết, công trình nghiên cứu văn hóa của một số trí thức ở đầu thế kỷ 20, rồi nhận định ông cha ngày xưa đã ý thức được bài học "người Việt xấu xí"! Nhưng nhà phê bình trích dẫn bằng cách cắt bỏ, lược bỏ không nương tay, chọn lấy những gì được coi là hạn chế của người Việt Nam để lập một danh sách, bỏ qua các ưu điểm, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc. Vậy thử hỏi: nếu chỉ được đào tạo, dẫn dắt bởi cái xấu thì con người của ông hôm nay ra sao? Ðể tăng "tính thuyết phục" cho loạt bài viết đó, ông lồng ghép tản văn, ký sự, hồi ký, phát biểu cá nhân không chính thức hoặc có tính chủ quan ở thời kỳ sau làm dẫn chứng. Ông không chú ý rằng khi nghiên cứu văn hóa, dân tộc Việt Nam ở đầu thế kỷ 20, một số tác giả không chỉ xuất phát từ lòng yêu nước mà còn nghiên cứu để phục vụ tư tưởng, lợi ích riêng của họ.
Văn hóa luôn biến động, chuyển dịch để phát triển, do đó người nghiên cứu văn hóa nghiêm cẩn chỉ nên coi các ghi chép khai thác được như tài liệu tham khảo, là nguồn hỗ trợ, bổ sung, quyết không phải là luận điểm cơ bản, chính yếu. Một nghiên cứu chỉ dựa trên sách vở từ thế kỷ trước, với các suy nghĩ đơn lẻ của một số trí thức, mà không đánh giá dựa trên số liệu khảo sát trực tiếp từ thực tế, chắc chắn thiếu tính thuyết phục, càng không thể trở thành một tác phẩm nhân học. Tùy tiện trích dẫn với ý đồ riêng, không phải là công trình tổng thuật toàn bộ ý kiến của các tác giả thời trước để đưa ra một toàn cảnh, rốt cuộc thì chỉ nhằm thỏa mãn thói kiêu kỳ của một bộ phận người vốn ảo tưởng về "tầm cao văn hóa, văn minh" của mình so với đồng bào, với dân tộc.
Thiết nghĩ, nghiêm khắc với bản thân là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất với bất cứ ai muốn tự phản tỉnh và phản tỉnh cộng đồng. Thứ nữa, dù là bài học cá nhân rút ra, thì khi hướng tới phản tỉnh cộng đồng; tùy mức độ, sức "nóng" của vấn đề mà bài học thu được có thể tác động tới cộng đồng, và có thể làm thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng, xã hội. Vì thế, ý thức về phản tỉnh và hành vi phản tỉnh tuyệt đối không được xuất phát từ mặc cảm cá nhân, phải dựa trên nguyên tắc khách quan - toàn diện - cụ thể, tránh đưa ra kết luận phiến diện và cực đoan. Từ nguồn gốc và bản chất của nó, có thể nói phản tỉnh chân chính là việc làm hữu ích và cần thiết, giúp mỗi con người và mỗi cộng đồng nhìn nhận đúng mọi hay - dở, mạnh - yếu, đẹp - xấu,... của bản thân, của cộng đồng, từ đó triển khai kế hoạch khắc phục cái dở, cái yếu, cái xấu,... thông qua hành động hướng tới sự hoàn thiện của cộng đồng. Nếu không xác định mục đích lành mạnh, sẽ đi vào lối phản tỉnh cực đoan, lợi dụng phản tỉnh nhằm dựng bức tranh u ám về cộng đồng, không đưa ra bất cứ ý kiến đóng góp tích cực nào. Vì thế khi đề cập tới yếu tố tiêu cực để phản tỉnh, cần nhận thức rằng, mọi cộng đồng luôn mang trong mình các đặc điểm riêng, có tích cực và tiêu cực. Nhưng mọi cộng đồng sẽ không thể phát triển nếu không thấy rõ một điều: chính truyền thống lịch sử, văn hóa cùng những yếu tố tốt đẹp, nhân văn,... mới là sức mạnh nội sinh để tồn tại, phát triển.