Bình luận - Phê phán

Những sai phạm nghiêm trọng khi đưa tin vụ án!

Thời gian qua, một số mạng xã hội cùng một số tờ báo đưa tin quá đậm, tới mức dày đặc về các vụ án giết người. Đọc các bài báo thường thấy tội ác được mô tả chi tiết, rùng rợn, kết hợp với một số kết luận có tính suy diễn, quy chụp làm méo mó bản chất sự việc, rồi đưa ra các thông tin có tính chất xâm hại đời tư... Và tình trạng trầm trọng đến mức đã tới lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời, quyết liệt.

Tháng 8 vừa qua, một videoclip gọi là “phim ngắn” dài hơn 23 phút có tên Thảm sát số 6 được tung lên Youtube. Không khó nhận ra đoạn videoclip này nói về vụ thảm sát mới xảy ra ở Bình Phước, mà nhóm làm phim cũng không ngần ngại khi công khai ghi rõ trên poster phim: Vụ thảm sát số 6; 7-7 Bình Phước (ngày 7-7 là ngày xảy ra vụ thảm án Bình Phước). Nhân vật chính của videoclip có tên là Dương (trùng với tên hung thủ Nguyễn Hải Dương), diễn biến chuyện phim có rất nhiều điểm tương đồng với diễn biến vụ án; thậm chí, cái gọi là “phim” đó còn kết thúc bằng dòng chữ “Bộ phim này dựa trên một câu chuyện có thật”! Ngay sau khi videoclip Thảm sát số 6 được đưa lên mạng, dư luận đã hết sức bức xúc, nhiều ý kiến phê phán, cho rằng đây là “một dạng câu view rẻ tiền, bất nhẫn”, hoặc bày tỏ: “Mình không ủng hộ phim này. Phim gợi lại nỗi đau của gia đình nạn nhân khi sử dụng toàn bộ tình tiết của vụ việc, thậm chí lại dùng tên thật của nạn nhân nữa. Thật không thể hiểu nổi là các bạn lại có thể làm một phim như vậy” và bình luận: “Tôi đã sởn da gà khi xem phim. Đừng khơi lại nỗi đau của gia đình nạn nhân nữa”! Vì thế Công an tỉnh Bình Phước đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng lập hội đồng thẩm định nội dung của Thảm sát số 6 để xem xét cụ thể dấu hiệu vi phạm. Theo đánh giá của Công an tỉnh Bình Phước, nội dung Thảm sát số 6 phản ánh vụ án không trung thực, các tình tiết trong phim không đúng bản chất của vụ án, hình ảnh trong phim mang tính bạo lực, hoàn toàn không có giá trị tuyên truyền, răn đe, giáo dục. Không những thế, các chi tiết tội ác trong phim cũng được miêu tả chi tiết, man rợ…

Sự việc trên giống như giọt nước tràn ly về tình trạng “ăn theo vụ án”, đặc biệt là “vụ án thảm sát”, đang có xu hướng ngày càng lan rộng trên mạng xã hội và ở một số tờ báo, nhất là các phụ trương, chạy theo thị trường. Tình trạng này không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm, mà còn cho thấy cả sự vô cảm của người viết. Còn nhớ, năm 2011, khi xảy ra vụ án Lê Văn Luyện giết người, cướp của tại Bắc Giang, trên một số tờ báo, tin bài về vụ án này kéo dài hằng tuần, thậm chí được giật tít và ảnh ra trang một để gây tò mò. Vào Google với từ khóa “vụ án lê văn luyện” có thể nhận được 55.700 kết quả chỉ trong 1,05 giây, đủ thấy chuyện vụ án đã quá tải trên báo chí và mạng xã hội. Một vụ án dù hết sức nghiêm trọng, nhưng liệu có nhất thiết phải cần tới nhiều tin bài phản ánh chi tiết, cụ thể như vậy hay không? Thậm chí vài năm sau khi vụ án kể trên xảy ra, vẫn có tờ báo đeo bám theo nạn nhân duy nhất còn sống sót của vụ án (dù em đã vào miền trung sống nhờ họ hàng), để khai thác viết tin bài và đăng cả ảnh của em mà không làm mờ khuôn mặt. Chẳng lẽ người viết ra bài như thế không hề nghĩ cho một cô bé từ khi mới tám tuổi đã phải chứng kiến một tội ác kinh hoàng, lúc này em đang rất cần một cuộc sống bình yên để dần dà nguôi ngoai nỗi đau trong quá khứ. Bởi vậy có ý kiến thẳng thắn nhận xét: đây là những hành vi lệch chuẩn, và gây ra phản ứng phụ không nên có của truyền thông.

Tại Hội nghị giao ban báo chí văn nghệ toàn quốc tổ chức vào cuối tháng 7- 2015 tại Vũng Tàu, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn công bố các con số khiến các đại biểu sững sờ, đó là: chỉ trong vòng 10 ngày kể từ lúc vụ thảm sát ở Bình Phước diễn ra (từ ngày 7-7 đến 17-7), đã có hơn 1.600 tin, bài về vụ án được nhiều báo chí đăng tải! Có tờ báo ngày nào cũng cập nhật tin, bài về vụ án, số lượng ít nhất là 10 tin, bài trong một ngày! Có tờ báo, trong tổng số hơn 100 tin, bài về vụ án, có tới 21 tin, bài mô tả chi tiết vụ việc, 35 tin, bài viết theo kiểu tự suy diễn, 16 tin, bài bằng mọi cách khai thác thông tin về nạn nhân, mà những thông tin đó càng viết ra càng làm đau lòng thân nhân của người đã khuất. Tình trạng báo mạng và trang mạng xã hội sa đà vào vụ thảm sát, công khai những bức ảnh chụp hiện trường đầy máu me, hoặc đưa ra các thông tin thiếu sự kiểm chứng nhằm thu hút sự chú ý của độc giả là việc làm trái với đạo đức nghề báo, có bài báo còn trực tiếp xâm hại đến quyền nhân thân của nạn nhân. Thậm chí nạn nhân của một vụ hiếp dâm còn đang ở tuổi vị thành niên còn tiếp tục bị một số tờ báo khai thác viết bài và vô tư chụp ảnh đăng tải công khai trên báo. Sự xuất hiện với mật độ dày đặc loại tin, bài đầy tính bạo lực quanh các vụ cướp - giết - hiếp trên một số ấn phẩm báo chí đã tác động tiêu cực tới tâm lý, gây nên nỗi lo âu trong người đọc. Đây là hiện tượng rất bất bình thường, thiếu lành mạnh, và nếu không kịp thời chấn chỉnh thì hậu quả thật khó lường. Tuy nhiên, đáng tiếc là trước áp lực cạnh tranh tự tạo ra chứ không phải từ nhu cầu của người đọc và góp phần phê phán cái ác, làm trong sạch đời sống xã hội, một số tờ báo vẫn bỏ qua những yêu cầu khắt khe về đạo đức nghề báo. Một số phóng viên vì áp lực tòa soạn vẫn tìm mọi cách để moi thông tin càng độc, càng lạ, càng tốt. Bởi vậy, vấn đề ở đây là cùng vớisự tự ý thức về đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo, còn có vai trò rất quan trọng của người đứng đầu cơ quan báo chí, cũng như từ sự nghiêm khắc, quyết liệt từ các cơ quan chức năng.

Trong bối cảnh đó, liệu một số nhà báo và cơ quan truyền thông đang cố tình chạy theo cái xấu, cái ác để khai thác và đưa tin bài mô tả, có quan tâm tới điều nhà báo Thu Trang (Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh), tâm sự trên một tờ báo: “Khi vô tình nhìn thấy tấm hình của một phóng viên chụp gần hiện trường vụ thảm án làm chết bốn người tại huyện Văn Yên (Yên Bái), một chiếc xe tải có chở theo hàng chục phóng viên trên thùng xe tải, bên dưới thùng xe còn những người đang đến... tôi rùng mình nhớ đến 10 năm trước của mình. Tôi cũng từng như họ, bị chỉ đạo phải lao đến hiện trường để khai thác, bới lông, tìm vết... Vụ việc càng to (thiệt hại lớn về người và của) thì càng “hót”, tôi bị chỉ đạo phải đào xới tung lên, phải cho ra được tất cả những thứ gì độc nhất, lạ nhất một cách nhanh nhất để bán báo... Cảm giác tức giận ứ lên tận cổ khi mà các bài báo khai thác cả hình ảnh, đời tư, quá khứ, chuyện tình cảm (vốn chẳng liên quan đến vụ án) của những người bị giết. Tôi thấy bạn đọc bây giờ có văn hóa lắm, họ sẽ tẩy chay nếu nhà báo tiếp tục viết bài theo kiểu như vậy”. Và nhà báo Hiếu Minh bày tỏ: “Một người làm báo chuyên nghiệp, học hành tử tế phải biết bốn tiêu chí đạo đức nghề nghiệp sau: 1. Đưa tin chính xác và khách quan; 2. Tránh gây phương hại; 3. Độc lập; 4. Trách nhiệm và minh bạch. Một khi chưa biết người bị cảnh sát câu lưu có phạm tội hay không, tuyệt đối không gọi họ là hung thủ, và không tới gia đình họ để “đào bới lý lịch” cho mục đích tin nóng, câu view”. Thiết nghĩ đó là các ý kiến ra đời từ sự trung thực, nghiêm túc mà nhà báo nào cũng nên tham khảo. Dù thế nào thì uy tín của nhà báo, sự tôn trọng mà xã hội và công chúng dành cho các nhà báo cũng đều từ năng lực nghề nghiệp, thái độ trách nhiệm, tinh thần nhân văn, chứ không phải vì nhà báo tỏ ra xông xáo hay chụp giật được nhiều tin tức liên quan cái xấu, cái ác…

Mục 2, 3 điều 5 Nghị định 51 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Báo chí quy định “Những điều không được thông tin trên báo chí” như sau: “2. Không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các vụ án và hành động tội ác. Không được đăng, phát tin, bài, hình ảnh, tranh, ảnh khỏa thân và có tính chất kích dâm, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. 3. Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục - thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”. Đáng tiếc, các quy định trên đã không được một số cơ quan báo chí chấp hành, tuân thủ nghiêm túc. Chính vì thế mới đây, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định: “Từ hôm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin, xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan báo chí vi phạm trong vụ việc này”. Mong rằng quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông sớm được triển khai, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường báo chí, để báo chí thật sự là tấm gương phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, đồng thời góp phần định hướng thông tin, tuyên truyền, giáo dục.