Gần đây trong bài Những người vẽ bản đồ tiền hiện đại và vấn đề chủ quyền của L.C Ken-li (L.C Kelley) ở Trường đại học Ha-oai trên blog cá nhân có đăng mấy tấm bản đồ cổ. Ðăng kèm theo bản đồ, tác giả lý sự rằng, khi bản đồ không có biểu hiện về biên giới thì khái niệm chủ quyền là không có! Với lối nghiên cứu "hiện đại hóa quá khứ" như thế, L.C Ken-li đã lấy cái cá biệt thay cái toàn thể, bỏ qua nhiều tấm bản đồ biểu thị rất rõ các nội dung hoàn toàn bác bỏ lý sự của ông ta. Và dù từng viết: "Chủ quyền được chứng minh không phải bằng việc đưa cái gì đó lên một tấm bản đồ, mà là đưa ra một sự hiện diện nhà nước liên tục ở một khu vực. Nhà Nguyễn là chính quyền đầu tiên đã cố gắng làm như vậy ở Hoàng Sa, và người Pháp đã thiết lập một sự hiện diện nhà nước lâu dài hơn ở đó trong thập niên 1930s. Ðó là chứng cứ ủng hộ cho một tuyên bố chủ quyền", thì trong bài viết khác, ông lại đưa ra kết luận: "với tôi có vẻ như có một thực tế là người Pháp là những người đầu tiên chứng minh "sự thể hiện hòa bình và liên tục quyền lực nhà nước" đối với Paracels" (Paracels - Hoàng Sa).
Trong các thế kỷ trước ở Việt Nam, chủ quyền chưa tồn tại với tư cách là một khái niệm khoa học, nhưng không vì thế quan niệm về chủ quyền lại không tồn tại trong ý thức dân tộc. Bởi vậy từ thế hệ này đến thế hệ khác, Việt Nam luôn có các vị anh hùng, các tấm gương hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước, mà với quần đảo Hoàng Sa thì "Ðội hùng binh Hoàng Sa" và "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" là thí dụ. Nhưng có lẽ L.C Ken-li cố tình không nhận ra, tương tự như trước đây, ông không thể lý giải tại sao người Việt Nam lại đánh thắng đội quân xâm lược nhà Tống, nhà Minh, vì theo ông người Việt đã bị "Hán hóa" và triều cống là một biểu hiện của sự lệ thuộc! Hoặc với Bình Ngô đại cáo, ông lý giải một cách kỳ quái rằng, tác phẩm này là sự răn đe những người Việt đi theo quân Minh, bất chấp việc trong Bình Ngô đại cáo không có câu chữ nào đề cập tới nội dung đó!
Mấy năm qua, "tiếng tăm" của L.C Ken-li nổi lên không phải vì ông có đóng góp trong ngành Việt Nam học, mà chủ yếu là do một số công trình và bài viết có quan điểm gây tranh cãi. Biết tiếng Việt và tiếng Trung, say mê nghiên cứu Việt Nam, thậm chí lấy tên Việt là Lê Minh Khải,... L.C Ken-li được người đọc tin sẽ có cái nhìn khách quan, khoa học. Song qua các công trình, bài viết ông công bố, có thể thấy cùng với nhiều diễn giải lòng vòng về việc cần thay đổi hệ hình trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam, L.C Ken-li ngày càng thể hiện rõ tham vọng muốn soi chiếu, xem xét lịch sử Việt Nam để đạt tới mục đích duy nhất là... đưa ra kết luận ngược với hầu hết các kết luận về lịch sử Việt Nam từng công bố! L.C Ken-li xác định, tự xây dựng một phương pháp nghiên cứu kỳ lạ là "đi qua Trung Hoa để tới Việt Nam", từ đó cố gắng chứng minh Việt Nam từng là "tiểu Trung Hoa" và ông tỏ ra khéo léo khi ngụy trang cho các suy biện của mình bằng lý thuyết hiện đại của B. An-đéc-xơn (B. Anderson), A.Xmít (A. Smith). Nên không phải là ngẫu nhiên L.C Ken-li lại tán thưởng tác phẩm Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Ðức. Với cung cách nghiên cứu vốn có, L.C Ken-li ngỡ đây là bằng chứng cho thấy "người Việt đã bị Hán hóa" để qua đó phủ nhận quan niệm người dân ở Ðông - Nam A đã chọn lọc các nhân tố từ các truyền thống văn hóa ngoại lai và rồi "bản địa hóa", hay vận dụng chúng vào những hoàn cảnh bản địa. Tuy nhiên, Ken-li lại như "không biết!?" tiểu luận Những tư tưởng ảnh hưởng đến văn hóa trang phục cung đình Việt Nam của Trần Quang Ðức, trong đó nhà nghiên cứu trẻ đã chứng minh Việt Nam không phải là một "tiểu Trung Hoa". Tác giả Trần Quang Ðức nêu rõ: "Do có sự nhận đồng về điển chương, văn hiến của Trung Quốc, trong suốt một thời gian dài, cũng giống như Triều Tiên, triều đình phong kiến Việt Nam đã coi thể chế, văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống. Chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã mô phỏng chế độ của Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự. Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, lại trên tinh thần tự chủ, chủ động xây dựng đất nước theo mô hình Trung Hoa, triều đình Việt Nam trong hơn một ngàn năm phong kiến quân chủ dù nhiều lần mô phỏng chế độ áo mũ, lễ nhạc, khoa cử của các triều đại Trung Quốc, vẫn luôn tạo nên các nét biến dị độc đáo, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt".
Sử dụng phương pháp thực chứng một cách máy móc, xem xét và đánh giá từ nguồn sử liệu lỗi thời hoặc không nhận được sự đồng tình, không được lưu giữ trong ký ức cộng đồng,... có thể coi khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam, L.C Ken-li đã trở thành một người "đốt đền" hơn là một nhà nghiên cứu. Không những không nhìn thấy một đặc điểm của sử liệu Á Ðông là thường trong tình trạng xen kẽ, hỗn dung giữa huyền thoại và hiện thực, giữa văn chương, triết học với lịch sử, L.C Ken-li còn nhào nặn làm méo mó nguồn sử liệu cổ và hiện đại về Việt Nam để đạt mục đích. Tự mặc định tài liệu lịch sử là sản phẩm của giới tinh hoa, L.C Ken-li thường tách tác phẩm lịch sử khỏi môi trường văn hóa, biến sách vở trở thành công cụ để từ đó hư cấu nên câu chuyện nước Việt Nam chỉ là mô phỏng bên ngoài, yếu kém hơn mọi mặt. Trong bài "Hồng Bàng thị truyện" như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại, với gần 90 chú thích trong một văn bản ngắn, một người Việt Nam nào đó có thể sẽ tin vào lập luận của L.C Ken-li, từ đó thất vọng rồi ngộ nhận về nguồn gốc dân tộc mình. Song, nếu biết những văn bản L.C Ken-li sưu tầm đều thuộc phần ngoại sử, truyền kỳ, ai cũng dễ dàng nhận ra những lập luận này dựa trên những mối liên hệ không có tính chất áp đặt của văn hóa dân gian trong quá khứ để suy diễn tùy tiện.
Có một điều kỳ lạ là trong nhiều nghiên cứu lịch sử của L.C Ken-li, ông chỉ quan tâm tới việc đưa ra các kiến giải cho thấy Việt Nam hay Nhật Bản, Cao Ly (nay là Triều Tiên và Hàn Quốc) chỉ là các "tiểu Trung Hoa không hoàn hảo". Bởi vậy, như với Việt Nam, ông ta rất hứng thú truy tìm các tài liệu mà giới nghiên cứu không quan tâm, vì chúng không biểu thị cho tinh thần tự chủ xuyên suốt trong lịch sử dân tộc. Ông không thừa nhận (không muốn thừa nhận?) một vấn đề then chốt là trong lịch sử Việt Nam hay Nhật Bản, Cao Ly là Nho giáo đã chỉ được sử dụng như công cụ phục vụ triều đình phong kiến, còn trong đời sống văn hóa mỗi dân tộc từ đời này sang đời khác vẫn tồn tại hệ thống các giá trị có tính bền vững, không thể lay chuyển. Như văn hóa dân gian Việt Nam chẳng hạn, đó là tài sản văn hóa khiến một số nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp phải ngỡ ngàng, không thể lý giải. Ðó chính là một yếu tố góp phần làm nên bản sắc của người Việt, để ngay cả khi triều đình phong kiến bị khuất phục thì dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hóa bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào. Trong lịch sử, sự tồn tại độc lập của Việt Nam, Nhật Bản, Cao Ly là thách thức mà nếu chỉ vận dụng lý thuyết "Hoa tâm" sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng.
Một số lý thuyết hiện đại cũng tỏ ra bất lực khi muốn giải thích tại sao tinh thần phản kháng của các dân tộc này lại thể hiện qua sự cố kết của những giá trị văn hóa lâu đời bất chấp các "giá trị" từng được "chủng tộc ưu việt" đưa đến trong quá trình "giáo hóa"; cũng không giải thích được sự chủ động trong tiếp nhận văn hóa của các dân tộc thuộc địa bên cạnh sự "cưỡng bức văn hóa" của các quốc gia thực dân. Các thách thức đó làm cho khá nhiều nhà nghiên cứu phải thay đổi quan niệm cũ, thay đổi cách đánh giá về những dân tộc từng bị họ "xúc phạm", "đơn giản hóa". Ngay các học giả Mỹ từng được đào tạo bài bản, chịu ảnh hưởng của quan niệm Việt Nam là "tiểu Trung Hoa" cũng đã ít nhiều thay đổi cách nhìn, giảm bớt thiên kiến. Nhưng L.C Ken-li lại coi đó là sai lầm về nhận thức nên cách đây mấy năm, ông cho công bố tiểu luận Thay đổi cách nhìn về văn hóa Việt - Trung, trong đó L.C Ken-li như muốn nhấn mạnh có thể nghiên cứu trực tiếp từ văn bản gốc, không cần thông qua tài liệu dịch; và như một thông điệp ngầm, L.C Ken-li muốn khẳng định ngôn ngữ sẽ là chìa khóa giúp ông khai thác mọi vấn đề trong sử liệu (mà theo ông, các nhà Việt Nam học của Hoa Kỳ do nhiều lý do đã không dịch thuật đầy đủ).
Trong những năm gần đây, L.C Ken-li vẫn qua lại Việt Nam, vẫn tham dự một số hội thảo và công bố nhiều bài viết phần lớn nhằm chứng minh lịch sử và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam chỉ là hư cấu, một số giá trị văn hóa người Việt Nam tự hào chỉ có được sau khi tiếp xúc với phương Tây! Và "mưa dầm thấm lâu", không chỉ một số kết luận về lịch sử Việt Nam của tác giả này, mà cả phương pháp làm việc của ông cũng đã ảnh hưởng tới quan niệm và phương pháp làm việc của một vài tác giả, nhất là tác giả trẻ. Phải chăng đó là một biểu hiện của xu hướng "sùng ngoại" đến mức không cần phân biệt đúng hay sai? Phải chăng khối lượng tri thức L.C Ken-li huy động trong các công trình, bài viết đã mê hoặc các tác giả này để họ cũng học theo ông và tiến hành công việc kỳ khôi là "xét lại lịch sử". Do vậy, đây là xu hướng cần được cảnh báo. Nghiên cứu lịch sử cần cẩn trọng khi xem xét, đánh giá, kết luận về một vấn đề cụ thể, nếu không, sẽ không chỉ làm nhiễu loạn tri thức xã hội, mà còn có thể đi tới sự xúc phạm, xuyên tạc các giá trị cốt lõi và tốt đẹp vốn là niềm tự hào của cả dân tộc.