Bằng những giải pháp căn cơ từ chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% nhằm phù hợp sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa.
Kết quả ấn tượng
Theo UBND tỉnh Bình Dương, năm 2017 tỉnh đã thu hút thêm 46.535 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và hơn 2,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kết quả này nâng nguồn đầu tư tại tỉnh hiện nay lên gần 31 nghìn doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn hơn 237 nghìn tỷ đồng và 3.044 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 28,6 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước sau TP Hồ Chí Minh về thu hút vốn FDI. Với nguồn thu hút đầu tư chủ yếu vào sản xuất công nghiệp và dịch vụ đã góp phần giúp Bình Dương đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế trong năm 2017 đề ra, như: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,15%; thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng; chỉ số phát triển công nghiệp tăng gần 11%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 28,5 tỷ USD; xuất siêu hơn 4,7 tỷ USD; thu ngân sách 46.500 tỷ đồng...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho rằng: Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng, có thể nói chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua của tỉnh được triển khai tích cực, đồng bộ, góp phần tạo sự hài lòng đối với các nhà đầu tư. Công tác đào tạo cán bộ, nhân lực; thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao vào các ngành có nhu cầu, đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp đến với Bình Dương.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có hơn một triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ngoài việc các doanh nghiệp đánh giá cao nguồn lực, nhờ đào tạo bài bản, nhiều công nhân lao động tại tỉnh đã có những sáng kiến trong lao động sản xuất giúp doanh nghiệp làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, như: Tổ trưởng sản xuất Huỳnh Hoàng Yến (sinh năm 1990) làm việc tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec đã có giải pháp giảm hư hao sản phẩm, giúp công ty tiết kiệm gần 27 tỷ đồng/năm trong sản xuất linh kiện điện tử; Lê Thị Hồng Nhung (1983) làm việc tại Công ty cổ phần Sao Việt có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật tăng 140% sản lượng sản phẩm giày xuất khẩu; nhân viên văn phòng Dương Hồng Nhung (1973) có giải pháp phát triển thành công vật tư nội địa giúp Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics Việt Nam tiết kiệm hơn năm tỷ đồng/năm trong sản xuất dây điện và cáp điện; công nhân bảo trì Hà Xuân Anh Minh (1988) cải tiến khuôn dập tiết kiệm chi phí gần 1,1 tỷ đồng/năm trong sản xuất sợi cho Công ty TNHH Tsuchiya TSCO Việt Nam... Những sáng kiến này đã tạo ấn tượng tốt về trí tuệ của lao động Việt Nam đối với nhà đầu tư.
Ông Byeon Gi Yeoul, Giám đốc Công ty Core Electronics Việt Nam (vốn đầu tư Hàn Quốc), là doanh nghiệp sản xuất điện tử tại Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po II (Bình Dương) cho rằng, bên cạnh hạ tầng thì nhân lực là vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp rất quan tâm khi chọn lựa đầu tư. Chính vì thế, khi đầu tư vào tỉnh, bên cạnh sự nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thân thiện, tỉnh Bình Dương đã chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, nhờ vậy giúp doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư tại tỉnh.
Giải pháp căn cơ
Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó nổi bật như chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015” của Tỉnh ủy. Chương trình đã giúp nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, tăng lợi thế cạnh tranh và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Qua chương trình, công tác đào tạo nghề cho người lao động được đẩy mạnh, hằng năm, số lượng học viên tốt nghiệp ở các cơ sở học nghề để cung ứng cho thị trường lao động bình quân hơn 30 nghìn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh đạt hơn 70%.
Chương trình cũng đã tạo điều kiện cải thiện cơ sở vật chất trong công tác đào tạo nghề. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến nay, ngoài tám trường đại học trên địa bàn, tỉnh có mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được phát triển khắp các huyện, thị xã, thành phố với 76 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, các cơ sở này tuyển sinh khoảng 30 nghìn học viên, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Tính riêng năm 2017, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho 45.500 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%. Để nâng cao sự gắn kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu của các doanh nghiệp, nhìn chung các trường nghề đã năng động, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định, đầu tư trang thiết bị đào tạo phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp. Sở cũng đã tạo điều kiện để Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở rộng hợp tác, đào tạo qua việc kết nối tuyển dụng giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, hướng các học viên, sinh viên học thêm ngoại ngữ nhằm tạo cơ hội có công việc ổn định, lương cao và cơ hội thăng tiến.
Sinh viên Trường đại học Việt Đức (Bình Dương) thực hành trên thiết bị hiện đại.
Đáng chú ý, từ năm 2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã nhìn nhận, nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của tỉnh còn thiếu; ngành nghề đào tạo tuy đa dạng về số lượng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là các nghề dịch vụ cho các khu công nghiệp, nhân lực về tài chính - tín dụng, bảo hiểm, logistics, quản lý doanh nghiệp... Bên cạnh đó, năng suất lao động của người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao; hạn chế về ngoại ngữ; ý thức tổ chức, kỷ luật lao động chưa được tuân thủ đầy đủ. Nguyên nhân của những hạn chế này là chất lượng đào tạo của các cơ sở chưa cao, chưa gắn kết được với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; đồng thời chưa xác định được ngành nghề cần đào tạo dẫn đến cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực chưa đồng nhất, chưa thật sự phù hợp nhu cầu sử dụng của xã hội. Ngoài ra, nhận thức của xã hội đối với học nghề chưa đúng tầm; công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa đạt hiệu quả; công tác tuyển sinh của các trường nghề còn khó khăn; thiếu chính sách phù hợp, hiệu quả để xã hội hóa công tác đào tạo nghề…
Từ thực tế này, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành chương trình “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới”. Chương trình nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng nguồn nhân lực với số lượng và cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%. Giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu chương trình là: nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và toàn xã hội về vai trò của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và công tác hướng nghiệp, năng lực hoạt động của hệ thống các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; các chính sách phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết: Trọng tâm thu hút đầu tư trong 5 năm tới của tỉnh là thu hút đầu tư FDI vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch. Chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Để đạt mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tập trung đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Bình Dương chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng chính sách thu hút các nhà quản lý chuyên nghiệp, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới; đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác liên kết trong việc cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, tạo điều kiện đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành. Với những giải pháp này, tỉnh Bình Dương tin tưởng đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% nhằm thu hút đầu tư hiệu quả trong giai đoạn mới.